Người lính và 'cuộc chiến' với chính mình

Gần 2 năm về trước, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Đình Tài, trinh sát viên Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Nghệ An bị tội phạm ma túy dùng súng bắn trọng thương. Trải qua nhiều lần phẫu thuật cột sống, anh giữ được tính mạng, nhưng đôi chân bị liệt hoàn toàn. Cho đến tận bây giờ, anh vẫn đang từng giờ, từng ngày đối mặt với nỗi đau về thể xác. Thế nhưng, người cán bộ Biên phòng ấy vẫn kiên trì luyện tập, chiến đấu với chính mình để mong tạo nên một điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Đại úy Nguyễn Đình Tài chăm chỉ luyện tập mỗi ngày, với quyết tâm phục hồi đôi chân bị liệt. Ảnh: Viết Lam

Đại úy Nguyễn Đình Tài chăm chỉ luyện tập mỗi ngày, với quyết tâm phục hồi đôi chân bị liệt. Ảnh: Viết Lam

“Cuộc chiến” với chính mình

Hơn 5 giờ sáng của những ngày mùa đông, khi các thôn, xóm thuộc xã miền núi Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn còn chìm trong sương mờ, gió lạnh thì ngôi nhà của gia đình Đại úy Nguyễn Đình Tài và chị Đinh Thị Phương Thúy đã sáng điện từ trong phòng đến hành lang. Khi chị Thúy xuống bếp chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, thì Đại úy Tài cũng đang nỗ lực rời khỏi chiếc giường. Nhìn hai hàm răng của anh cắn chặt vào nhau, đôi tay chống xuống giường, rồi cố gắng đẩy phần trên cơ thể ngồi thẳng đứng mới thấy anh di chuyển khó khăn đến thế nào. Sau đó, anh lại dùng đôi tay để nâng chân trái, rồi chân phải của mình đặt xuống thành giường. Sau mỗi động tác khó nhọc, hàm răng của anh như cắn chặt vào nhau nhiều hơn, đôi mắt nhíu lại.
“Vết thương cột sống của tôi gây đau âm ỉ, thường xuyên, nhưng nó đau nhức dữ dội hơn mỗi lần đổi tư thế của cơ thể. Nhưng mình phải sống chung, làm quen, chiến thắng nó thôi” – Đại úy Nguyễn Đình Tài chia sẻ với tôi như vậy, khi đã ngồi lên chiếc xe lăn, đẩy đến sát cánh cửa được vợ mở sẵn dẫn ra hành lang.

Ở hành lang của ngôi nhà, anh tiếp tục đẩy xe lăn sát đến một dụng cụ được thiết kế, xây dựng giống với hệ thống xà kép dành cho người tập thể thao. Lúc này, anh Tài chồm người về phía trước, hai tay bám vào những cây sắt, kéo người đứng thẳng dậy. Khi đã làm chủ được tư thế đứng thẳng, anh bắt đầu lắc nhẹ chân, rồi tập tễnh từng bước đi. Phải mất chừng 20 phút, anh mới đi hết chiều dài của hệ thống “xà kép” dài chừng 5m và đứng lại. Trong thời tiết gió lạnh của mùa đông, nhưng những giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên gò má của anh.

Sau vài phút “nghỉ tập”, Đại úy Tài tiếp tục nhấc hai chân song song với nhau, bất ngờ buông tay khỏi “xà kép”. Chị Thúy cùng 2 cậu con trai đứng cạnh đó từ nãy đến giờ bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4..., 11, 12 thì đôi chân của anh bắt đầu run lên bần bật như sắp sửa khuỵu xuống buộc anh phải nhanh chóng chống tay vào xà, nâng cơ thể đứng vững. “Hoan hô, bố giỏi quá! Hôm nay, bố đứng thêm được 2 giây nữa rồi” - Cậu con trai cả của Đại úy Nguyễn Đình Tài như reo lên vui sướng.

Chị Thúy không nói gì, chỉ thấy nét mặt như căng ra, tươi hơn khi chồng hoàn thành bài tập buổi sáng. Lúc này, chị mới lấy khăn lau mồ hôi trên trán, má của chồng, nhẹ nhàng nói: “Anh vào ăn sáng nhé”! Rồi chị lặng lẽ đi vào bếp, nói với chúng tôi như giải thích: “Thấy chồng bị những cơn đau hành hạ trong lúc tập luyện, mẹ con tôi cũng muốn hỗ trợ, nhưng sợ anh lại mắng. Anh ấy vẫn luôn nói, mẹ con em hãy để anh được làm chủ việc tập luyện hàng ngày, có như thế mới tiến bộ được. Mỗi ngày, anh đều tập luyện rất đều đặn, khoảng 2 giờ vào sáng và chiều”.

Chị Thúy là giáo viên môn Thanh nhạc tại Trường Trung học cơ sở xã Thanh Thịnh. Trước đây, với nhiệm vụ đặc biệt của mình, Đại úy Tài thường xuyên phải xa nhà, mọi công việc gia đình hai bên nội, ngoại, chăm sóc con nhỏ đều một tay chị Thúy đảm nhận.

“Tôi hiểu tính chất công việc của chồng, nên luôn cố gắng để anh cùng đồng đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Nói thì vậy, nhưng làm vợ của người lính trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy bao giờ cũng canh cánh nỗi lo trong lòng. Ngày nhận được tin anh bị trọng thương, tôi rụng rời chân tay, nhưng rồi lại giấu nước mắt vào trong, gửi các con cho ông bà rồi vội vàng bắt xe xuống bệnh viện. Sau quá trình dài chữa trị, anh may mắn giữ được tính mạng, nhưng bị liệt hai chân và phải hằng ngày chiến đấu với những đau đớn về thể xác. Nhưng mẹ con tôi sẽ luôn sát cánh, động viên anh vượt qua tất cả” - Chị Thúy cho biết.

Đồng đội luôn sát cánh

Còn nhớ, ngày 28-6-2018, thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP nhận được thông tin: Thượng úy Nguyễn Đình Tài, trinh sát viên Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Nghệ An bị tội phạm ma túy bắn trọng thương trong quá trình đấu tranh Chuyên án 029AV. Ngay sau đó, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh BĐBP (nay là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP) đã trực tiếp vào động viên, thăm hỏi, chỉ đạo công tác cứu chữa các quân nhân bị thương, trong đó có Thượng úy Nguyễn Đình Tài.

Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, 2 cán bộ BĐBP bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để có điều kiện chữa trị tốt nhất. Ghi nhận tấm gương dũng cảm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quyết định nâng quân hàm trước niên hạn từ cấp bậc Thượng úy lên Đại úy cho quân nhân Nguyễn Đình Tài, đồng thời, chỉ đạo thực hiện các thủ tục đảm bảo chính sách lâu dài cho cán bộ bị thương.

Thời điểm đó, gia đình Đại úy Nguyễn Đình Tài vẫn sống cùng bố, mẹ già trong ngôi nhà cấp bốn chật chội. Chia sẻ với nỗi đau về thể xác cũng như hoàn cảnh gia đình khó khăn mà đồng đội gặp phải, các đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP, đặc biệt là BĐBP Nghệ An, chính quyền địa phương đã phát động quyên góp ủng hộ để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh. Với sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, tháng 9-2018, BĐBP Nghệ An đã chủ trì khởi công xây dựng “Nhà đồng đội” để gia đình Đại úy Nguyễn Đình Tài có mái ấm khang trang như bây giờ.

Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cùng chính quyền địa phương bàn giao “Nhà đồng đội” cho gia đình Đại úy Nguyễn Đình Tài. Ảnh: Lê Thạch

Nói về điều này, anh Tài chia sẻ: “Trong quá trình dài điều trị ở bệnh viện cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chỉ huy các cấp và đồng đội. Đặc biệt là những anh em từng kề vai sát cánh trên trận tuyến chống tội phạm ma túy vẫn thường xuyên ghé thăm. Đó là động lực rất quan trọng để tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục “chiến đấu” để phục hồi đôi chân bị liệt”.

Mỗi ngày mới đến, khi vợ, các con đến trường giảng dạy, học tập, anh Tài lại lên chiếc xe máy 3 bánh để sang thăm gia đình hai bên nội, ngoại và làng xóm láng giềng. Những câu chuyện vui cùng mọi người giúp anh tạm quên đi cơn đau trong cơ thể. Chị Thúy cho biết, chiếc xe trên được một người từng công tác trong quân đội ở thành phố Hồ Chí Minh gửi ra tặng anh làm phương tiện di chuyển hằng ngày.

“Tâm trạng anh Tài giờ đã khá hơn nhiều so với thời gian trước đây, nhưng trong lòng anh vẫn canh cánh nỗi lo về gia đình. Bố mẹ chồng tôi đều là thương binh, tuổi đã cao, lại đang phải chăm sóc bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng. Bố mẹ chồng tôi chỉ có 2 người con, chồng tôi giờ vẫn hằng ngày chiến đấu với thương tật như thế, chỉ mong sao chính quyền địa phương tạo điều kiện để người anh trai của anh Tài chuyển công tác từ Đắk Nông về Nghệ An để có điều kiện chăm sóc, gần gũi bố mẹ già thì tốt biết mấy!” - Chị Thúy trải lòng.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-linh-va-cuoc-chien-voi-chinh-minh/