Người luôn quan tâm bồi dưỡng cán bộ và phát huy dân chủ cơ sở

'Anh Đỗ Mười là một cán bộ sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, là con người hành động. Trong công tác xây dựng Đảng, anh Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng; luôn vì lẽ phải, nghe lẽ phải. Chính anh là người đóng góp tích cực cho nghị quyết của Trung ương về xây dựng Quy chế dân chủ cơ sở'-mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh như vậy.

Nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Anh Mười tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Anh bị thực dân Pháp bắt năm 1941, kết án 10 năm tù, giam ở Hỏa Lò. Tháng 3-1945, anh vượt ngục... Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, anh Đỗ Mười được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, anh được tôi luyện, thử thách qua thực tiễn, trở thành người cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ở anh, thực tiễn và lý luận luôn quyện chặt với nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần quan trọng giúp anh đề xuất các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân ủng hộ”.

Đồng chí Đỗ Mười thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng, ngày 25-3-1991. Ảnh tư liệu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng kể nhiều về dấu ấn gắn với từng chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Mười, đặc biệt là việc đồng chí dành nhiều tâm huyết bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ kế cận cho Đảng và khởi xướng triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Đỗ Mười đã rất quan tâm chuẩn bị, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, đặc biệt là các chức danh quan trọng, trong đó có người đã kế nhiệm ông làm Tổng Bí thư. Đồng chí Đỗ Mười cũng thường xuyên chấn chỉnh những lệch lạc về đường lối, phê phán nghiêm khắc tình trạng tham ô, lãng phí... Khoảng năm 1996, tập thể Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ra gặp Bộ Chính trị xin ý kiến về việc lựa chọn cán bộ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh và đề xuất đồng chí Lê Hoàng Quân, khi đó là Bí thư Thành ủy Biên Hòa. Nghe đề xuất của Tỉnh ủy Đồng Nai, đồng chí Đỗ Mười nói: “Hiền thì tốt và trẻ càng tốt, Lê Hoàng Quân đã trưởng thành từ cán bộ phong trào, hiện là Bí thư Thành ủy Biên Hòa, cậu ấy có năng lực, có thể đảm nhận Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai được. Cứ giao việc cho cậu ấy rồi giúp đỡ, uốn nắn thêm”.

Khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đồng chí Lê Hoàng Quân mới ngoài 40 tuổi. Nhận nhiệm vụ, đồng chí đã làm việc rất cố gắng để không phụ lòng tin của các đồng chí lãnh đạo. Khi đồng chí Lê Hoàng Quân về làm chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn quan tâm động viên và có những lời khuyên rất quan trọng, thiết thực.

Đồng chí Đỗ Mười cũng là người khởi xướng việc phát huy dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đây là một chủ trương rất đúng đắn. Ông Lê Danh Xương, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Bác Mười rất quan tâm đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hải Phòng được chọn làm điểm để thực hiện khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tôi nhớ, lúc đó tình hình công nghiệp ở Hải Phòng rất khó khăn, Xí nghiệp Sơn Hải Phòng có nguy cơ bị giải thể. Bác Mười về thăm và cho phép Hải Phòng tổ chức chọn người tài giỏi về phụ trách. Chúng tôi tổ chức thi tuyển giám đốc, thông báo toàn ngành công nghiệp Hải Phòng, ai có điều kiện đều được dự thi. Cuối cùng, đồng chí Viện trúng giám đốc. Xí nghiệp sơn được củng cố và hiện nay, sơn Hải Phòng đã có thương hiệu trên toàn quốc. Bác Đỗ Mười nói: “Nên làm như vậy, đó là thực hiện dân chủ thiết thực”. Riêng tôi, học bác cách gần dân, nghe dân nói, nghe dân hiến kế. Chính nhờ vậy mà tránh được bệnh quan liêu, tôi cũng thấm thía cách góp ý cho cán bộ vừa thẳng thắn, vừa thương yêu, giúp đồng chí không bi quan. Mỗi lần cán bộ có khuyết điểm, tôi thường gặp riêng góp ý, không đao to búa lớn; nên giữ được đoàn kết trong Đảng bộ. Bài học về dân chủ cơ sở mà bác Đỗ Mười khởi xướng thật thấm thía, cán bộ gần dân, được dân tin yêu là một hạnh phúc.

Từ thực tiễn lãnh đạo, đồng chí Đỗ Mười đã dày công góp phần xây dựng và ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị, khóa VIII và Nghị định số 29/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là ở xã, phường, khu dân cư. Nhờ những văn bản quan trọng này, nhân dân cả nước rất phấn khởi, hưởng ứng thực hiện. Nghị định số 29/NĐ-CP đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên thành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

TRỊNH DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguoi-luon-quan-tam-boi-duong-can-bo-va-phat-huy-dan-chu-co-so-551181