Người lưu giữ hàng trăm điệu hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu

Nghệ nhân Trương Thị Chúc, 81 tuổi ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, là người đang nắm giữ rất nhiều làn điệu hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu.

Nghệ nhân Trương Thị Chúc.

Theo lời bà Chúc, soọng cô là lối hát đối đáp giao duyên của người Sán Dìu. Soọng cô phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là “xướng ca”, là loại hình diễn xướng dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác, trở thành hoạt động tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu.

Ngay từ thơ ấu, bà Chúc đã được kế thừa giọng hát của cha mình là cụ Trương Văn Sẹc, một nghệ nhân hát hay nổi tiếng trong vùng. Cụ Sẹc thương yêu cô con gái mồ côi mẹ đã dốc hết vốn liếng đi hát mấy chục năm của mình để truyền dạy cho con. Không chỉ dạy con học hát theo lối truyền miệng, cụ Sẹc còn dạy con gái một cách bài bản nhờ những cuốn sổ ghi bài hát bằng chữ Hán của mình.

Khi cụ Sẹc qua đời, bà Chúc lại được các cô của mình là nghệ nhân Trương Thị Thiền và Trương Thị Pế tiếp tục truyền dạy hát soọng cô. Nhờ sự kèm cặp chỉ bảo tận tình đó, bà Chúc nhanh chóng thuộc rất nhiều bài hát khi còn nhỏ. Bà Chúc đã hát những bài hát đó để ru các em của mình khi bố vắng nhà.

Năm 12 tuổi, bà Chúc được các cô dạy những bài hát giao duyên, hát mừng thọ, hát lên nhà mới. Khi bước vào tuổi 15, bà Chúc đã có thể đi theo các chị trong thôn tham gia những cuộc hát đối đáp. Từ đó, những cuộc hát của bà cứ kéo dài mãi. Bà Chúc đi cùng các chị qua hết làng này sang làng khác, cứ nơi nào có người Sán Dìu thì đến hát. Bà cùng đội hát đi hát trong xã Bình Dân, rồi sang xã Đoàn Kết, sang xã Dương Huy, Cộng Hòa, Quang Hanh của TX Cẩm Phả, vào tận xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ. Cứ những nơi có cộng đồng Sán Dìu sinh sống là đội hát của bà đi giao lưu. Bà không thể nhớ nổi mình đã đi hát bao nhiêu cuộc trong thời con gái.

Bà Chúc (người đứng) trong một buổi dạy các thành viên câu lạc bộ hát soọng cô. Ảnh: Từ Thị Sinh (CTV)

Năm 2008, bà Chúc tham gia lớp truyền dạy hát soọng cô của người Sán Dìu do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) tổ chức. Đến nay, bà Chúc đã truyền dạy được cho 32 học trò. Trong đó, có những học trò tiêu biểu như: Từ Thị Kém, Từ Thị Sinh, Tô Thị Tạ, Dư Thị Ngọc (đều ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn). Hiện nay, do tuổi cao, sức yếu bà Chúc không đi hát được nữa nhưng vẫn thường xuyên chỉ bảo các thành viên trong Câu lạc bộ Hát soọng cô xã Bình Dân học hát. Bà còn lưu giữ được hơn 500 bài hát và đều cung cấp cho thành viên câu lạc bộ tập luyện. Năm 2017, bà Chúc được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam vì có những đóng góp cho công tác lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy văn hóa phi vật thể hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu.

Bà Từ Thị Kém, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát soọng cô xã Bình Dân, đánh giá: “Không chỉ là người hát hay, nghệ nhân Trương Thị Chúc còn tận tình chỉ bảo thế hệ đi sau học hát. Đến bây giờ dù sức khỏe không tốt nữa nhưng nghệ nhân vẫn là điểm tựa tinh thần cho chị em trong câu lạc bộ chúng tôi học tập noi theo, quyết tâm giữ gìn vốn dân ca quý giá mà cha ông đã để lại”.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Trương Thị Chúc cho biết: “Thật tiếc giờ sức khỏe không cho phép, hơi yếu, giọng không tốt nên tôi không thể đi hát cùng lớp trẻ được. Nhưng còn chút sức lực nào tôi sẽ dốc hết để truyền dạy cho con cháu, để những bài ca của dân tộc Sán Dìu vẫn mãi được lưu truyền”.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/nguoi-luu-giu-hang-tram-dieu-hat-soong-co-cua-dan-toc-san-diu-2414033/