Người lưu giữ hồn Việt qua cổ vật

Khiêm tốn và luôn tự nhận mình là hậu sinh trong giới sưu tầm cổ vật, nhưng khi tận mắt chứng kiến hàng loạt bộ sưu tập của ông Trần Thái Bình (thành phố Vinh, Nghệ An) tôi mới 'vỡ' ra nhiều điều…

Với ông Trần Thái Bình, việc sưu tầm cổ vật như một cơ duyên và ông đã gắn bó như máu thịt của mình. Theo các chuyên gia cổ vật, ông là người sưu tầm có "tâm".Ông Bình trải qua bao thăng trầm của cuộc đời để trở thành ông "vua đồ cổ" với những cổ vật vô giá, độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Với ông, việc sưu tầm cổ vật là đam mê thực thụ nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa của người Việt cho thế hệ sau được chiêm ngưỡng.

Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Bình là bộ tượng cổ với 200 pho tượng mạ vàng, ngọc, gỗ, đồng, đá sa thạch... liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Hin Đu giáo, Đạo Mẫu, Đạo Lão thuộc văn hóa Việt Nam và Chăm Pa.

Những món cổ vật vô giá

Nhắc đến người sưu tầm đồ cổ, khắp từ Bắc chí Nam không ai không biết đến cái tên Trần Thái Bình (sinh năm 1973, trú phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An). Với hơn 30 năm lặn lội khắp nơi sưu tầm đồ cổ, đến nay, ông đã có gia tài đồ sộ gồm hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại, chất liệu. Nhà sưu tầm này cũng tham gia trưng bày các chuyên đề và hiến tặng nhiều cổ vật cho địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Việt Nam.

Bức tượng Quan Âm Chuẩn Đề cao 107cm, nặng 60kg, chất liệu gỗ, có niên đại trên dưới 200 năm.

Những ngày cuối năm, ông Bình bận rộn với việc sắp xếp lại những cổ vật của mình sau khi tham gia buổi lễ trao tặng xác lập tôn vinh kỷ lục vừa được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức ngay trong những ngày đầu tháng 1/2024 vừa qua. Ông Bình cho hay: "Trước đây, tôi chỉ sưu tầm và làm công việc này với sự đam mê của bản thân. Nhưng để hoàn thành bộ hồ sơ và minh chứng với ban tổ chức lại rất kỳ công. Tôi cảm giác như mình là một cậu học trò lớp 2 và cố gắng để có thể đạt được yêu cầu của một người có trình độ giáo sư tiến sĩ. Trên cả nước, có rất nhiều người sưu tầm hiện vật lâu hơn tôi, số lượng nhiều hơn tôi và có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ sưu tập của tôi được ghi nhận bởi sự độc, hiếm, lạ...", ông Bình nói.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập hiện vật cổ xưa của ông Bình là bức tượng Phật ngọc mạ vàng mà theo chủ nhân của nó, hiện chưa có bức tượng thứ hai.

Ông Trần Thái Bình là nhà sưu tầm cổ vật tự do và là thành viên chi Hội cổ vật Sông Lam (thuộc Hội di sản văn hóa Việt Nam). Trước khi được vinh danh Kỷ lục Việt Nam, Bộ sưu tập của ông cũng đã được Bảo tàng Nghệ An khảo sát thực tế và xác nhận.

Trong đó, có nhiều bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Đó là Bộ sưu tập tượng cổ với 120 pho tượng cổ, chất liệu bằng vàng, ngọc, đồng, đá sa thạch, gỗ, gốm có niên đại từ 100 đến 1000 năm. Đáng quý, trong danh sách này có nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm chất liệu đá ngọc phủ hoàng kim niên đại 500 năm, tượng Phật A di đà sơn son, thiếp vàng niên đại 200 năm, tượng thần Siva bằng đá sa thạch nặng 80kg, niên đại thế kỷ XI.

Bộ sưu tập chuông, chiêng cổ với 151 hiện vật chất liệu đồng xuất xứ tại Việt Nam, Chăm Pa, Lào có niên đại từ 100 năm đến 300 năm.

Nhà sưu tầm này cũng tham gia trưng bày các chuyên đề và hiến tặng nhiều cổ vật cho địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Việt Nam.

Ngoài ra, ông còn có bộ sưu tập chuông, chiêng cổ với 151 hiện vật chất liệu đồng xuất xứ tại Việt Nam, Chăm Pa, Lào có niên đại từ 100 năm đến 300 năm, trong đó có nhiều chuông quý hiếm như chuông cổ Chăm Pa nặng 70kg, nhạc khí thời Đông Hán (niên đại gần 2000 năm).

Trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Trần Thái Bình còn có bộ sưu tập bát, nồi đồng cổ xuất xứ Hán - Việt, niên đại 100 đến 2500 năm. Tiếp nữa là bộ sưu tập trang sức, binh khí bằng đồng với số lượng 519 hiện vật gồm vòng tay, bao tay, bao chân, khuyên tai, gương đồng, trâm cài đầu, trống đồng, dao găm, rìu đồng niên đại từ 200 năm đến 2000 năm. Bộ sưu tập hiện vật thời kỳ đồ đá, bộ sưu tập gốm sứ với 2800 hiện vật niên đại từ 100 năm đến 2000 năm...

Hơn 30 năm qua, ông Bình đã tạo nên bộ sưu tập gồm 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại, chất liệu.

Theo ông Bình, để có được những món đồ cổ quý giá, ngoài cái duyên người sưu tầm cần có sự kiên nhẫn và chịu khó. Bởi có những món đồ quý giá, ông phải đi lại cả chục lần và thuyết phục chủ nhân của món đồ đó bằng tấm chân tình của mình thì người ta mới bán. Nhiều người đã hỏi tôi giá trị của bộ sưu tập và chính tôi cũng không thể định giá được. Với tôi tất cả cổ vật đó là "vô giá" vì nó gắn bó với tôi trong hành trình của nửa đời người.

Lưu giữ "cái nôi cổ vật"

Ông Bình đang sở hữu nhiều món "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, có những món đồ vô giá như bộ tượng cổ với 200 pho tượng mạ vàng, ngọc, gỗ, đồng, đá sa thạch... liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Hin Đu giáo, đạo Mẫu, đạo Lão thuộc văn hóa Việt Nam và Chăm Pa.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập hiện vật cổ xưa của ông Bình có bức tượng Phật Quan âm ngọc mạ vàng mà theo chủ nhân của nó, hiện chưa có bức tượng thứ hai. Bức tượng Phật ngọc mạ vàng nặng 8kg được tìm thấy trong một hang đá tại huyện Quế Phong (Nghệ An) vào giữa năm 2023.

Bức tượng Phật Quan âm được tạo tác từ ngọc có màu xanh lục, mạ bên ngoài một lớp vàng, đường nét tinh xảo.

"Đây thuộc loại cổ vật cất giấu, tức là chủ nhân của nó đã mang vào các hang đá hẻo lánh trong rừng sâu để cất giữ, tránh bị thất lạc. Theo đánh giá, bức tượng Phật ngọc này có niên đại khoảng 300 năm", ông Bình nhận định.

Ông Bình nói: "Đồ cổ cũng có nhiều loại, chỉ những món đồ là "độc bản", "độc bình" hay đồ sản xuất có giới hạn thì mới đắt giá. Còn sản xuất đại trà như bát, tô cho thường dân thì giá không cao…".

Bức tượng Phật Quan âm được tạo tác từ ngọc có màu xanh lục, mạ bên ngoài một lớp vàng, đường nét tinh xảo. Theo chứng thư giám định đá quý của Viện nghiên cứu đá quý và vàng VINAGEMS, đây là Serpentine tự nhiên, trọng lượng 3,65kg.

"Với giá trị về văn hóa, lịch sử của món cổ vật này, tôi đang có kế hoạch làm hồ sơ đề nghị công nhận bức tượng Phật ngọc mạ vàng này là bảo vật quốc gia", ông Trần Thái Bình cho biết.

Bộ sưu tập chuông bằng nhiều chất liệu, trong đó phổ biến là đồng, có niên đại từ 100 năm đến 1.000 năm.

Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp sưu tầm, dù không được học nhiều về lĩnh vực này nhưng không ít người xem ông là "giám định viên", bởi vốn hiểu biết phong phú và khả năng thẩm định chính xác của ông Bình.

"Tôi ấp ủ sẽ mở một bảo tàng của riêng mình để giới trẻ, những người mê cổ vật có thể đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu văn hóa của người Việt từ đời xưa để lại", ông Bình nói.

Bản thân ông Bình cho rằng, "Ai đến với nghiệp sưu tầm đồ cổ cũng đã từng gặp thất bại hoặc đã từng ít nhất một lần mua phải hàng giả, hàng nhái. Cá nhân tôi, cũng đã không ít lần gặp phải tình huống này. Tuy nhiên, từ chính niềm đam mê với các hiện vật, tôi đã tìm hiểu các lĩnh vực về văn hóa khoa học, lịch sử. Quan trọng hơn, là mình học được từ các chuyến đi trải nghiệm thực tế về vùng đất với người dân địa phương...".

Đến với nghề sưu tầm đồ cổ và có hàng nghìn hiện vật có giá trị, ông Bình nói rằng "để kinh doanh" không khó. Nhưng với những người sưu tầm đặt cái "tâm" lên đầu, việc bán đi một cổ vật mà mình dày công sưu tầm giống như "cắt đi khúc ruột" của mình. Đó cũng là lý do vì sao ông tham gia để xác nhận Kỷ lục Việt Nam bởi đây là một "kênh" để ghi nhận giá trị của bộ sưu tập. Hơn nữa, còn là cách để ông quảng bá, giới thiệu bộ sưu tập của mình đến với những người cùng đam mê và lan tỏa các di sản văn hóa.

Ngày 6/1, Liên minh kỷ lục thế giới - Trung ương Hội kỷ lục Việt Nam, Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục đối với ông Bình (thứ 4 từ phải sang) nhờ "Bộ sưu tập với hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa dạng chủng loại và chất liệu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam".

Những năm qua, ông Trần Thái Bình từng nhiều lần được Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Nghệ An tặng Bằng khen, Giấy khen. Với việc được xác nhận là Kỷ lục Việt Nam ông Bình chia sẻ thêm rằng, "Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm hơn với việc được phong tặng này. Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là "cái nôi cổ vật" của cả nước. Vì thế, tôi mong rằng, bằng những hiện vật mình đã sưu tầm, nhiều người sẽ biết đến với cái nôi văn hóa của xứ Nghệ và cùng chung tay góp phần để bảo tồn, phát huy và giữ gìn...

Hơn 30 năm sưu tầm đồ cổ, tôi chưa bán ra bất kỳ món cổ vật nào. Tôi ấp ủ sẽ mở một bảo tàng của riêng mình để giới trẻ, những người mê cổ vật có thể đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu văn hóa của người Việt từ đời xưa để lại"- ông Bình nói.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-luu-giu-hon-viet-qua-co-vat-169240126091510989.htm