Người lưu giữ nét xưa Hà Nội

(HNM) - Giữa phố thị Sài thành phồn hoa có một người Tràng An mê mải lưu giữ những giá trị của một Hà Nội xưa cũ. Địa điểm kinh doanh của ông đã trở thành điểm lui tới thường xuyên của nhiều người Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh mỗi khi muốn tìm về những giá trị ngàn năm văn hiến.

Một thời để nhớ

"Lân Lotus" là cái tên gọi thân thuộc mà bạn bè, người quen dành cho ông Phạm Lân, Giám đốc Nhà hàng - Khách sạn Lotus. Gốc người phố Hàng Trống, tính đến nay ông Lân xa Hà Nội đã ngót 40 năm. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được điều vào TP Hồ Chí Minh, phụ trách Tạp chí Điện ảnh. Thời trai trẻ gắn bó với công việc của một nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh, với bề dày kinh nghiệm, khi chuyển sang lĩnh vực báo chí, Phạm Lân đã có những đột phá trong cách nhìn nhận cũng như tư duy làm báo. Ông nói: "Công tác trong ngành báo chí, nhất là tờ báo thiên về tính nghệ thuật đã để lại cho tôi những góc nhìn sâu sắc về quê hương, về tình yêu Hà Nội. Một Hà Nội linh thiêng, hào hoa và cổ xưa luôn ám ảnh trong tâm trí tôi".

Ông Phạm Lân (phải) tiếp bạn bè đồng hương tại nhà hàng của mình.

Trước khi dấn thân vào nghiệp báo chí, phê bình điện ảnh, ông Lân tốt nghiệp khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội). "Lớp Ngữ văn khóa 1963-1967 có hơn trăm người, đủ các lứa tuổi vì ghép từ nhiều lớp khác nhau, nhiều ngành nghề và loại hình nghệ thuật, từ bộ đội, nhân viên các cơ quan, xí nghiệp, sinh viên từ các nước Liên Xô, Đông Đức về…". Trong tâm trí Phạm Lân vẫn nhớ như in những năm tháng ông và bè bạn phải chuyển lớp, chuyển trường để đi sơ tán trong cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ mùa hè năm 1965. "Mọi thứ đều diễn ra rất nhanh và gọn nhẹ. Chúng tôi khẩn trương di chuyển trong đêm, từ trung tâm Thủ đô chỉ trong một thời gian ngắn đã có mặt tại ga Quán Triều (Thái Nguyên). Hành lý mang theo chỉ là những cuốn sách, những tập vở và mấy bộ quần áo. Xuống ga, mọi người lại tất tả đi bộ, băng rừng, vượt suối để vào "căn cứ" ở Tràng Dương (thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)" - ông Lân kể. Những năm tháng đi sơ tán đã để lại trong chàng trai Hà Nội Phạm Lân những cảm xúc đặc biệt. Rời xa phố thị lên chốn "rừng thiêng", kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng giúp đỡ đồng bào), trong đó có những đêm tổ chức liên hoan văn nghệ, diễn kịch vui tươi.

Lưu giữ hồn xưa

Nung nấu ý định làm điều gì đó "đặc biệt" cho Hà Nội nên ngay từ khi bước chân vào thành phố Hồ Chí Minh, cộng thêm nghề báo có điều kiện đi, cảm nhận, chất liệu cuộc sống ngồn ngộn cứ thế ắp đầy trong tâm trí, trong từng ánh nhìn của Phạm Lân. Và mỗi lần đặt chân tới vùng đất mới, tiếp cận với phong tục, tập quán của địa phương, ông lại so sánh, để thêm nhớ, thêm yêu những nét văn hóa đặc trưng của đất kinh kỳ văn vật. Ông luôn đau đáu phải làm được điều gì thật "đặc biệt" với nơi mình sinh ra. Tâm nguyện đó đã thôi thúc ông xây dựng một góc riêng để bản thân mình và bạn bè người Hà Nội và cả những người công tác trong lĩnh vực nghệ thuật, có dịp quây quần, sum họp, mạn đàm về Hà Nội, về tình yêu "băm sáu phố phường". Chính vì lẽ đó mà đến năm 1995, khi thôi công việc làm báo, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, ông đã chọn cho mình một con đường riêng và thành công trong lĩnh vực bất động sản, xuất nhập khẩu trước khi gây dựng nhà hàng - khách sạn Lotus.

"Lotus" dịch ra tiếng Việt nghĩa là hoa sen - Ông Lân giải thích: "Tôi rất thích hoa sen và người Việt thì ai cũng biết đến loài hoa này, còn với người nước ngoài cái tên tiếng Anh "Lotus" cũng dễ nhớ". Nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), nơi được coi là "đất vàng" ở Sài Gòn, nhà hàng Lotus có diện tích 400m2. Theo ông Lân, nhiều người bạn cùng giới kinh doanh đã gợi ý xây dựng nhà cao tầng để cho thuê thu lời, nhưng ông không làm vậy mà chọn con đường kinh doanh nhà hàng theo kiểu gia đình với những món Hà Nội đặc trưng, đồng thời xây dựng hơn chục phòng trọ để đón tiếp, đãi bạn bè trong làng văn nghệ Thủ đô mỗi dịp vào TP Hồ Chí Minh công tác. Một khách quen, người Hà Nội, ông Hoàng Mạnh Chí, công tác ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, hiện đã nghỉ hưu, nhận xét: "Món ăn ở đây cũng không phải là lạ với người Bắc nhưng lại lạ giữa Sài Gòn. Chỉ là những món dân dã từ bao đời nay như canh riêu cá chép, ốc om chuối đậu, giả cầy, cá chép kho riềng, canh rau đay nấu cua đồng, cà pháo, su hào nộm, bún mọc, bún ngan, bún chả... Đặc sản miền Bắc không thể thiếu nem Phùng, chả cốm, chả rươi, phở xào giòn, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ…". "Sáng nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là tôi lên các chợ đầu mối mua thực phẩm, vừa tập thể dục, vừa mua được thực phẩm ưng ý, tươi ngon"- ông Lân cho hay. Sự cầu kỳ, tinh tế trong mỗi món ăn được ông Lân truyền dạy cho các đầu bếp, để vừa bảo đảm sự đơn giản nhưng ẩn chứa nét tinh tế, đậm hương vị đất kinh kỳ Thăng Long.

Không chỉ là một không gian ẩm thực, Lotus còn là một không gian văn hóa khi đã có nhiều hoạt động nghệ thuật được chính ông tài trợ tổ chức ngay tại khuôn viên nhà hàng. Nhiều người yêu Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh không thể quên triển lãm "Hà Nội - Ngày về" do Tạp chí "Xưa và Nay" tổ chức ngay tại không gian đầm ấm của Lotus, với những hình ảnh độc đáo của Thủ đô hàng chục năm về trước, hoặc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Khánh, đêm thơ Vi Thùy Linh, Thảo Phương…

Năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng tác phong của ông Lân vẫn nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng và nhất là vẫn giữ được nếp sống của người Tràng An. Ông nói về nỗi nhớ Hà Nội: "Bao năm xa quê vẫn đau đáu một nỗi niềm yêu Hà Nội không thể diễn tả thành lời. Chỉ biết rằng, quê hương là sự khởi đầu ngọt ngào nhất của cuộc đời.

Cho đến bây giờ, trong những giấc mơ của tôi về tuổi thơ, vẫn vẹn nguyên hình ảnh Hồ Gươm lung linh mây trời, dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa …".

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/550678/nguoi-luu-giu-net-xua-ha-noi.htm/