Người mắc nợ thực tế

Nhà viết kịch Ngọc Thụ - người từng đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, nhờ những cống hiến của ông cho sân khấu, với lưng vốn 105 vở kịch. Ông cũng đã xuất bản trên 10 đầu sách, in kịch bản cũng có, in những tham luận, tiểu luận về đời sống, về sân khấu cũng có. Nhưng dường như ông chưa có ý định nghỉ ngơi và bằng lòng với khối lượng tác phẩm đồ sộ của mình.

Thời điểm giữa năm 2018, nhà viết kịch Ngọc Thụ vừa cho ra mắt độc giả cuốn sách dày hơn 500 trang, nhan đề “Nghĩ và viết”. Dù đã ở tuổi trên 70, nhưng ông vẫn đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban sáng tác của Hội nghệ sỹ sân khấu, và ông đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác thành công cho các nghệ sỹ của Hội. Những chuyến đi thực tế về khắp mọi miền của tổ quốc, đặc biệt là những vùng nóng kinh tế, văn hóa, xã hội đã giúp các tác giả kịp thời ghi nhận nhịp sống, lao động, phát triển và đổi thay của từng vùng đất, sáng tác những vở diễn sống động cho sân khấu.

Nhà viết kịch Ngọc Thụ với tác phẩm "Nghĩ và viết"

Rất nhiều những chuyến đi, đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Sau đó, không chỉ các vở kịch ra đời, mà tiếp nối còn là những trăn trở, suy tư, những điều Ngọc Thụ muốn lên tiếng, muốn thay đổi. Không dừng ở sân khấu, ông tiếp tục viết những tiểu luận, tham luận trong các hội thảo khoa học, văn học nghệ thuật, để nói lên những suy tư của mình trước thời cuộc, những mong có thể tác động đến các nhà quản lý, để có thể chung tay tạo nên những thay đổi tiến bộ, nâng cao trình độ văn hóa, góp sức làm giàu quê hương, đất nước, phát triển nền nghệ thuật tiên tiến, đổi mới, phù hợp thị hiếu đương thời và phục vụ tinh thần nhân dân tốt hơn.

Tất cả những điều bên ngoài vở kịch, có thể liên quan đến sân khấu hoặc không, đều được Ngọc Thụ đưa vào vuốn “Nghĩ và viết”.

Ông chia sẻ rằng, nếu không viết ra những điều suy tư, trăn trở sau mỗi chuyến đi thực tế, thì ông như mắc nợ với thực tế. Trong một lần dẫn đoàn đi thực tế vùng than Quảng Ninh, Ngọc Thụ viết: “Qua 14 công ty, Đoàn viết kịch chúng tôi đến Cửa Ông – Hà Tu – Hà Lầm – Cọc Sáu – Dương Huy – Quang Hanh… đâu cũng gian nan, vất vả, đổ mồ hôi lấy sản lượng than, nhưng đâu cũng đều có những người, những nhân tố sinh động đầy ắp mà anh em đoàn đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Thấp thoáng tín hiệu của phong cách điều hành kiểu kinh tế tri thức đã được thể hiện rõ trong công tác của những người quản lý ở những đơn vị. Định hướng về cổ phần hóa đã được quán triệt xuống và đã có một vài công ty thực hiện bước thử nghiệm.

Từ thực tế đó, những đề cương sáng tác của các nghệ sỹ đã được hình thành nét ban đầu. Nhà văn Nguyễn Anh Biên đã có đề cương vở “Người đi trong lòng đất”; Phạm Văn Quý với vở “Ốc đảo Mông Dương”; Thanh Đạm vở “Ngọn đèn thợ mỏ”; Ngọc Thụ với vở “Trữ lượng đáy moong”… Những ý tưởng sáng tác này đã thai nghén từ những cảm xúc, từ ghi chép gặp gỡ ở các công ty. Các tác giả đều hứa quyết tâm hoàn thành trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống mỏ. Đây không những là lời hứa sau một chuyến đi, đây là cảm hứng sáng tác của những người đã mắc nợ thực tế.”

Để mỗi chuyến đi thực tế sáng tác được thành công, là trưởng đoàn, Ngọc Thụ luôn biết ai là người có năng lực sáng tác để lựa chọn vào danh sách chuyến đi, ngoài ra, ông cũng biết cách quan hệ khéo léo, thấu tình đạt lý với cơ sở, để anh em sáng tác được tiếp xúc nhiều nhất với những điểm nóng của sự việc, gặp gỡ những nhân vật sâu sắc để thu thập được tư liệu giá trị.

Bản thân ông, là một người viết khỏe, hiệu quả, tài năng, ông có khiếu phát hiện ra vấn đề, tinh tế tạo hình tượng tiêu biểu từ những chi tiết dù là nhỏ nhất, có thể dễ dàng bị bỏ qua. Cái tài đó của ông thật đáng nể, nhưng để bắt chước nào có dễ gì. Đơn cử một lần đi Bắc Ninh thực tế, ông để ý thấy phía sau tượng đài Lý Công Uẩn có dẻo đất mọc toàn cây xấu hổ, ông bèn hỏi một nhân vật ở địa phương về đặc điểm của loài cây này, và hoa của nó. Khi về, ông đã xây dựng thành công hình tượng cây hoa xấu hổ trong vở kịch về đất và người Bắc Ninh, nhân cách hóa cây hoa này với tính cách người Bắc Ninh, và nhờ óc tưởng tượng của mình, ông đã tạo nên mối quan hệ hữu cơ thật độc đáo.

Có những lúc, tôi bắt gặp ông ngồi giữa ngôi nhà quen thuộc của mình ở phố Mai Hắc Đế, nét mặt đăm chiêu. Quanh ông, các cháu nội, ngoại đùa nghịch ầm ĩ, ti vi vẫn mở oang oang, con gái và con dâu ông bận bịu nấu ăn lách cách, tiếng máy xay sinh tố nổ rung tường… Nhưng dường như ông đang ở nơi khác. Mọi hoạt động xung quanh không tác động được đến ông. Tôi hiểu rằng đó là lúc ông tiếp tục trôi theo dòng chảy tư duy của mình, để một vở kịch mới sẽ thành hình, hoặc một tiểu luận, một ý tưởng nào đó cho sân khấu sẽ xuất hiện. Ở tuổi xưa nay hiếm, Ngọc Thụ chưa thấy mình già, ông vẫn tiếp tục đi, và tiếp tục mắc nợ thực tế…

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nguoi-mac-no-thuc-te-515022.html