Người mang thai hộ được hưởng quyền lợi gì?

Anh A và chị T cưới nhau đã 10 năm nhưng vẫn chưa có con chung dù hai người đã chạy chữa rất nhiều nơi, tốn rất nhiều tiền bạc, công sức. Ai chỉ bảo sao anh chị cũng cố gắng làm theo với hy vọng là chị T có thể mang thai và sinh con. Dù đã cố gắng hết sức nhưng chị T vẫn không thể tự mình mang thai được.

Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản như lao động nữ mang thai bình thường (ảnh minh họa).

Người mang thai hộ phải là người thân thích

Một lần, anh A và chị T nghe người bạn nói về việc pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên rất mừng khi thấy cơ hội có được người con chung. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là ai sẽ chịu mang thai hộ dùm cho anh chị, vì theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Nhân cuộc họp mặt trong đại gia đình cuối năm, anh A và chị T chia sẻ nguyện vọng muốn tìm một người mang thai hộ. Một chút thuận lợi là chị H, chị gái của chị T, mới ly hôn với chồng hơn 1 năm trước, đã có một con gái 8 tuổi, là con chung của chị với chồng cũ, thấy thương em gái nên đồng ý sẽ mang thai hộ cho 2 vợ chồng anh A và chị T.

Được chị H đồng ý mang thai hộ, chị T và anh A mừng khôn xiết và không ngớt bày tỏ sự cảm ơn trước tấm chân tình của chị H. Tuy nhiên, chị H có đôi chút băn khoăn về chế độ thai sản dành cho chị như thế nào vì chị chỉ là người mang thai dùm cho vợ chồng người em gái, chứ không phải là mẹ ruột của đứa trẻ mà chị sẽ mang thai và sinh ra. Câu hỏi đặt ra, chị H có được hưởng chế độ thai sản giống như mang thai con ruột của mình và được quyền lợi gì khác theo quy định của pháp luật hiện hành?

Theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực kể từ ngày 15.3.2015, thì các cặp vợ chồng vô sinh mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý; được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Các cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Khái niệm “người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ" được giải thích tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cụ thể: Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Có được hưởng chế độ thai sản?

Pháp luật cho phép lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản. Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ như sau: 1. Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 2. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. 3. Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

Như vậy, nếu đồng ý mang thai hộ cho vợ chồng người em thì dù không phải là mẹ ruột của đứa trẻ, chị H vẫn được hưởng chế độ thai sản dành cho lao động nữ mang thai hộ như trên. Ngoài ra, chị H còn được hưởng chế độ sau: Khám thai; sẩy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý: tương tự lao động nữ đang đóng BHXH bắt buộc. Nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định cho lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần thai sản; Nghỉ việc hưởng thai sản cho đến khi giao con nhưng không quá 6 tháng (nếu sinh 1 con). Trường hợp kể từ thời điểm sinh con đến thời điểm giao con hoặc thời điểm con chết chưa đủ 60 ngày thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi đủ 60 ngày; Nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản...

Còn chị T nếu có đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được trợ cấp thai sản: Trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con nếu chị H, lao động nữ mang thai hộ, không tham gia BHXH hoặc không đủ điều kiện. Nếu chị H và chị T không tham gia BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà anh A có đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên sẽ được trợ cấp 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con. Trường hợp chị T chết hoặc không đủ sức khỏe chăm sóc con chưa đủ 6 tháng tuổi thì anh A hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng nếu không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của chị T.

TS-LS NGUYỄN THỊ THÚY HƯỜNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/nguoi-mang-thai-ho-duoc-huong-quyen-loi-gi-633041.ldo