Người mẹ đánh giày và đứa con 10 tháng tuổi mưu sinh giữa cái rét Hà Nội

Vì không có tiền cho con đi học lớp mầm non ở Hà Nội, chị Sang (quê Thanh Hóa) cùng con trai 10 tháng tuổi ngày ngày đi đánh giày mưu sinh giữa trời đông giá rét.

Có một triết gia từng nói, đại ý: phụ nữ giống như một túi trà, bạn sẽ không thể nói cô ta mạnh mẽ thế nào cho tới khi đặt cô ta vào nước nóng. Họ mạnh mẽ vì cuộc sống bắt họ phải như thế vì người thân, vì con cái mà họ mạnh mẽ. Câu chuyện về người phụ nữ đánh giày cùng con trai mưu sinh giữa trời đông lạnh giá dưới đây là một trường hợp như thế.

Gương mặt kháu khỉnh của thiên thần bé bỏng là động lực và là niềm vui sống của người mẹ nghèo vất vả. Ảnh: Hồ Hải Hoàng.

Gương mặt kháu khỉnh của thiên thần bé bỏng là động lực và là niềm vui sống của người mẹ nghèo vất vả. Ảnh: Hồ Hải Hoàng.

Hình ảnh cậu con trai mưu sinh cùng mẹ giữa trời đông giá lạnh sau khi được đăng tải đã khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Hồ Hải Hoàng.

Gặp chị Sang (quê Thanh Hóa) – nhân vật trong tấm ảnh cùng con trai 10 tháng tuổi mưu sinh ở một quán cafe trên phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) mới cảm nhận rõ nét hơn về nghị lực cũng như nỗi niềm của chị. Có lẽ không có người mẹ nào muốn thiên thần của mình phải “dãi dầu mưa gió” giữa cái lạnh của Hà Nội, nhưng cực chẳng đã người phụ nữ ấy mới phải làm như vậy.

Cậu bé có gương mặt rất kháu khỉnh.

Trên chiếc xe đẩy của mẹ, cậu con trai gương mặt kháu khỉnh vẫn còn mang bỉm tã nằm ngoan để mẹ đánh giày. Dường như cậu bé hiểu được hoàn cảnh cũng như nỗi niềm của mẹ, cho nên trộm vía – nó chẳng bao giờ quấy khóc, ốm đau. Cu cậu hay bật cười thành tiếng thật to mỗi khi chị Sang cưng nựng hay vỗ về.

Dường như cậu bé hiểu được hoàn cảnh cũng như nỗi niềm của mẹ, cho nên chẳng bao giờ quấy khóc.

Cu cậu ngồi kế bên mẹ, không quấy khóc để mẹ chuyên tâm làm việc.

Đôi tay thoăn thoắt đánh những đôi giày cho khách hàng.

Chị Sang tâm sự vì nhà nghèo nên mới phải để con “phơi sương phơi gió” cùng mình trong tiết trời giá lạnh những ngày cuối đông. Hằng ngày, chị cùng con rong ruổi khắp các ngõ ngách, từ quán ăn uống, cafe đến công viên… hễ chỗ nào đông người là chị đến. “Cần kiếm cơm” của chị là một chiếc làn chứa đồ nghề đánh giày với vài đôi dép xốp, xi, nước xà phòng hòa loãng, bàn chải, khăn lau…

“Tôi làm nghề này ngót nghét 5 năm nay. Hằng ngày, tôi phải dậy từ 4h30 sáng để chuẩn bị đồ nghề, cho con ăn rồi cùng chồng đi đánh giày, tranh thủ lúc nhiều người ăn sáng. Trung bình mỗi ngày tôi đánh được khoảng chục đôi giày, mỗi đôi giá 15 nghìn đồng. Tuy nhiên, có những ngày mưa không đánh được đôi nào, phải về không”, chị Sang chia sẻ.

Đây là bộ đồ nghề của chị Sang.

Mỗi chiếc chổi quét xi là mỗi công dụng khác nhau.

Chị còn chuẩn bị những chiếc dây giày nếu khách có nhu cầu thay.

Và cả những đôi dép nữa.

Người phụ nữ gốc xứ Thanh trải lòng, ai cũng bảo nghề đánh giày bạc, không phù hợp với phận nữ nhi, nhiều tệ nạn, thậm chí không được xã hội coi trọng. Nhưng chị Sang quan niệm thời đại bây giờ không có nghề nào nam giới làm được mà phụ nữ không làm được, mỗi nghề mỗi đặc trưng riêng, không nên so sánh hay phân biệt, chỉ cần làm ăn chân chính, bằng sức lao động của mình thì nghề nào cũng là nghề cao quý.

Tôi biết nhiều người không có cái nhìn thiện cảm về nghề đánh giày. Họ cho rằng nghề đánh giày toàn giang hồ, không tốt đẹp. Nhưng đó là công việc mưu sinh mấy năm nay của chúng tôi. Chúng tôi không chèo kéo ai. Kiếm tiền bằng sức lao động, bằng mồ hôi, nước mắt của mình lúc nào cũng trân quý“, người phụ nữ xứ Thanh cho hay.

Thi thoảng chị được những nhân viên bán quán cafe trông con hộ.

Quần áo và bỉm chị chuẩn bị sẵn cho con.

Được biết cả gia đình nhà chị Sang đều lên Hà Nội hành nghề đánh giày. Trong khi chị Sang làm nghề này được 5 năm thì chồng chị và chị gái chồng có thâm niên hơn chục năm. Do đặc thù của công việc, nên những người đánh giày phải thường xuyên có mặt ở các tuyến phố, kể cả những nơi được xem là điểm nóng của tệ nạn. Đó là lý do khiến nhiều người có cái nhìn không tốt về “nghề xã hội” này.

Với chị, con là món quà tuyệt vời nhất, cực chẳng đã chị mới phải mang con mưu sinh cùng.

Khi được hỏi chị cảm thấy như thế nào khi cho rằng hiện nay nhiều người dùng con để “câu khách”, giống như người đàn ông nhặt rác địu con trên lưng gây sốt mạng xã hội vừa qua, lúc này ánh mắt chị đượm buồn: “Đúng là tôi cũng lo lắng mọi người sẽ phán xét mình như vậy, sẽ nói này nói nọ, nhưng cực chẳng đã tôi mới phải làm như vậy. Tiền học phí lớp mầm non ở Hà Nội rất đắt đỏ, tiền đánh giày của hai vợ chồng làm chỉ đủ ăn và nuôi hai con. Sang năm, tôi sẽ về quê để gửi con đi học, bởi mang con theo như vậy sẽ rất nguy hiểm”.

Những ngày này, hai vợ chồng cố gắng kiếm được nhiều mối đánh giày để sớm được về quê chuẩn bị Tết. Thấy dòng người háo hức chuẩn bị quà Tết, mình cũng nôn nao lắm chứ, nhưng phải cố thôi, còn mấy ngày nữa là được về quê rồi. Tôi nghĩ sự đoàn viên, vui vầy của gia đình là món quà quý giá nhất đối với mẹ tôi nơi chín suối“, chị Sang nhìn về phía xa xăm.

Cường Ngô - Cường Ngô

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/doi-song-xa-hoi/em-10-thang-tuoi-theo-di-danh-giay-muu-sinh-giua-troi-dong-gia-ret-1052703.html