Người mẹ hiền của những đứa trẻ bất hạnh

Trong những ngôi nhà mang tên Vành Khuyên, Họa Mi, Sơn Ca, Hải Âu, Vàng Anh… của Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (TP Hải Phòng) luôn rộn vang tiếng cười, ấm áp tình cảm gia đình. Gần 30 năm qua, biết bao mảnh đời bất hạnh đã lớn lên từ tấm lòng yêu thương, che chở, bao bọc của những người phụ nữ trong làng mà các em vẫn gọi đầy trìu mến bằng 'mẹ'.

Bà Lán cùng các con

Bà Lán cùng các con

Hy sinh tuổi trẻ vì các con

Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng một ngày mùa đông, tiếng những đứa trẻ nô đùa mang đến cảm nhận ấm áp của tình người. Bà Lương Thị Hảo, Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng cho biết: Làng được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, bao gồm trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ bị bỏ rơi, khuyết tật; trẻ là con của những phạm nhân đang chấp hành án; trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP Hải Phòng.

Làng đang chăm sóc, nuôi dạy 60 trẻ. Việc nuôi dưỡng được thực hiện theo mô hình gia đình, nhằm giúp các em có một mái ấm thực sự. Với mô hình này, hiện làng có 8 gia đình, mỗi gia đình có 1 mẹ nuôi và 1 dì (em mẹ theo cách xưng hô của người miền Bắc), chăm sóc từ 6 - 8 cháu, thời gian 24/24 giờ.

Mỗi người một hoàn cảnh, một cơ duyên đến với các gia đình của làng, nhưng khi được trò chuyện, tâm sự cùng các mẹ chúng tôi mới thấm hiểu sự hy sinh thầm lặng cùng tấm lòng yêu thương con trẻ và trên hết là cái tâm với nghề của những phụ nữ tại Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng.

Theo sự giới thiệu của bà Phạm Thị Thu Hiếu, Phó Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, tôi có mặt tại gia đình Vành Khuyên do bà Lưu Thị Bích Nữ làm chủ. “Đây là gia đình mẹ Nữ, chị là người rất vất vả vì các con đều là trẻ khuyết tật. Nhà có 8 người con thì cháu bị mù lòa, cháu bị bệnh tim, có những cháu cả ngày chỉ nằm một chỗ không đi lại được”, bà Hiếu chia sẻ.

Quả thực, khi bước vào nhà cô Nữ, chúng tôi không thể cầm lòng bởi hình ảnh một gia đình hiện lên với những đứa trẻ nằm quay quắt, tay chân teo tóp, dị dạng. Nhà đông con nhưng chỉ có một cô con gái trông có vẻ còn nhanh nhẹn. Cô Nữ cho biết: Nhà chừng ấy con, nhưng chỉ cậy nhờ được một đứa. Các con nhà tôi đều tật nguyền, không tự chủ được việc cá nhân, trông chờ vào mẹ chăm sóc.

Giọng cô Nữ như chìm xuống, chậm lại khi nói về những đứa con trong gia đình của mình. Con Hoàng Thị Mi, Nguyễn Văn Lập, Trần Thị Hà… đứa lớn cũng 29 tuổi, đứa bé 5 tuổi, nhưng những đứa trẻ ở gia đình Vành Khuyên dường như không bao giờ trưởng thành.

Cô Nữ người ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, ra với làng từ năm 2004. Nhớ lại ngày đầu đến làng, cô Nữ rưng rưng: Tôi vốn là GV mầm non, sống độc thân; theo lời giới thiệu của người quen đến với làng. Lần đầu ra đây, nhìn thấy các con, tôi không cầm được nước mắt.

Tự nhủ với mình rằng, duyên số đã định, mình sẽ gắn bó với các con ở nơi này đến khi nào không con sức lực thì sẽ về quê, tôi từng chăm sóc các cháu ở trường mầm non nhưng đó là các cháu bình thường. Với các cháu khuyết tật, ban đầu tôi rất bỡ ngỡ và phải học cách chăm sóc và mất một thời gian để làm quen.

Vì nhà có trẻ khuyết tật nên gia đình Vành Khuyên có thêm một dì phụ giúp. Nhưng ở đây các dì chỉ phụ giúp giờ hành chính, đêm hôm thì mẹ con tự xoay xở. Nhiều đêm, các con ốm đau, khóc lóc cả đêm, mình cô Nữ thức trắng chăm con. Thậm chí, các con đi viện thì mẹ đành gửi nhà cho các mẹ, các dì khác để đến viện chăm con.

Cực là vậy, nhưng 15 năm gắn bó với làng chưa bao giờ cô Nữ nghĩ đến chuyện nghỉ việc. “Lúc đầu mình nghĩ đi làm, nghĩ đây là công việc. Sau dần, mình lại nghĩ đây là gia đình, bọn trẻ là con mình. Và mình phải có trách nhiệm với chúng. Chúng đã một lần bị bỏ rơi, giờ mình lại bỏ chúng nữa thì tội lắm, mẹ con bịn rịn quen hơi nhau rồi”, cô Nữ tâm sự.

Với những đứa trẻ lành lặn, hết tuổi 18 hoặc nếu có cơ hội vào đại thì học xong đại học chúng sẽ ra làng. Còn với những đứa con của cô Nữ thì dù có 29 tuổi, chúng vẫn trong hình hài đứa trẻ với trí tuệ ngây ngô, khờ dại. Nói về chúng, lòng cô Nữ như quặn lại, mắt ngấn lệ: Các con không ra khỏi làng, mà nếu có thì là sự ra đi mãi mãi.

Cô Nữ nhiều lần rơi nước mắt trước sự ra đi của những đứa con mà mình ngày ngày vẫn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Cô Nữ xúc động: Mỗi con một bệnh, vì là trẻ khuyết tật nên bệnh trong người nhiều lắm. Từ ngày nhận tổ ấm này, gia đình tôi cũng đã có 4 con vĩnh biệt mẹ ra đi mãi mãi. Mỗi lần nhớ các con tôi lại trào nước mắt.

Bà Bốn đang tỉa rau chuẩn bị cơm trưa cho các con gia đình Hải Yến

Thương con cho trọn vẹn nghĩa tình

Bà Vũ Thị Bốn (SN 1962, quê huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã 24 năm gắn bó với gia đình Hải Yến. Hiện nhà bà Bốn có 6 đứa con. Cháu lớn nhất 19 tuổi đang học Đại học Hải Phòng, cháu bé thì học tiểu học. Tuy các con của bà Bốn đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng vào ngày thường, các con đi học văn hóa tại các trường lân cận nên cũng không có thời gian đỡ đần mẹ việc nhà.

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho tới đêm khuya, biết bao công việc đều một tay bà Bốn lo liệu. Nào là chuẩn bị bữa ăn, lau rửa, giặt giũ; nào là đưa con đi học, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, bà Bốn cho hay, vất vả chăm nuôi là một chuyện, việc dạy dỗ các con đang tuổi mới lớn là điều rất khó khăn.

“Các con ở độ tuổi khác nhau, mỗi đứa một tính. Có khi đi học đã biết rung động tình bạn khác giới nhưng về nhà vẫn ganh đua, chành chọe với các em. Mỗi lần như thế, tôi đều phải giảng dạy các con về tình yêu thương, sự nhường nhịn. Khi hiểu ra rồi, các con biết sẻ chia và đoàn kết hơn”, bà Bốn tâm sự.

Chính từ bàn tay dạy dỗ, chăm lo của bà Bốn mà nhiều con của gia đình Hải Yến đã trưởng thành, thậm chí đi học đại học, làm giáo viên, giảng viên đại học. Luôn xúc động khi nhắc về các con, nhưng bà Bốn vẫn tế nhị khi nhắc tên con vì lý do “con lớn rồi, đủ hiểu biết xã hội, tôi không muốn nhắc tên sợ con tự ti với hoàn cảnh của mình”.

Chia sẻ cảm xúc lần đầu đến làng, bà Bốn nói: Tôi không chồng và cũng chưa từng làm mẹ bao giờ. Lần đầu đến với các con, các con gọi tôi là mẹ xưng con làm tôi vô cùng ngại ngùng. Nhưng dần rồi thành quen. Đến nay, bà Bốn đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì làng chưa tuyển được người mới thay thế nên bà không đành lòng bỏ các con lại để về nghỉ ngơi.

“Hơn nữa, tôi có lời hứa hẹn với 3 con, chúng là những đứa trẻ tôi nuôi từ ngày mới đến làng. Tôi hứa, mẹ sẽ theo các con đến khi các con trưởng thành. Nên tôi sẽ ở đến lúc các con ra làng, tôi yên tâm trọn vẹn nghĩa tình với các con và lúc đó sẽ về nghỉ ngơi tuổi già”, bà Bốn xúc động nói.

Bà Phạm Thị Thu Hiếu cho biết: Bà Bốn là người giàu tình cảm, nhiều kỹ năng nuôi dạy nên các con trong gia đình Hải Yến rất ngoan, đoàn kết và có nề nếp.

Đặc biệt hơn các gia đình khác, gia đình Hải Âu của bà Bùi Thị Lán nuôi thêm một bé sơ sinh. Đó là một bé trai bị bỏ rơi ở đầu làng từ tháng 6/2019. Đến nay, bé đã hơn 6 tháng tuổi và được mẹ Lán đặt tên Bùi Tiến Đạt.

Gia đình do bà Lán làm chủ cũng có 6 đứa con. Chúng đều học tiểu học và cấp 2 gần làng. Mỗi khi đi học về, lũ trẻ lại quây quần bên mẹ, bên em, cứ thế tíu tít cả ngày. Đã lâu rồi bà Lán không về thăm quê. Các con của gia đình Hải Âu đang hồi hộp mong đến Tết Nguyên đán để được mẹ dẫn về quê ăn Tết như mọi năm.

Bà Lương Thị Hảo, Giám đốc của Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng nhận xét: Các mẹ ở mỗi gia đình trong làng đều rất tận tâm với công việc và gắn bó, yêu thương các con. Tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng vì tình yêu thương mà các mẹ gắn bó, che chở cho đàn con của mình.

Với các con ở làng, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để chăm lo cho các con được đi học văn hóa đầy đủ, được tham gia các lớp tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống, cờ vua… Đến nay, làng đã có 3 cháu đỗ đại học, một trong số đó có cháu được trường giữ lại làm giảng viên. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục từ đó nâng cao.

Ngoài ra, các hoạt động hướng nghiệp được nhà trường chú trọng. Nhà trường liên hệ với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để đón đầu các cháu có học lực tốt vào học nghề đồng thời định hướng nghề nghiệp cho trẻ ngay từ khi còn ở làng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/nguoi-me-hien-cua-nhung-dua-tre-bat-hanh-4060196-b.html