Người mẹ - 'Ngôi nhà đầu tiên, người thầy đầu tiên'

Đã có nhiều bài ca, bài thơ về người mẹ rất hay, sâu sắc. Nhưng người mẹ với vai trò là 'ngôi nhà đầu tiên, người thầy đầu tiên' dường như được nhắc đến nhiều nhất.

Ngôi nhà đầu tiên của con người là bụng mẹ. Điều này đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một ngôi nhà không chỉ che nắng, che mưa, ngăn rét một cách an toàn hơn bất kỳ ngôi nhà nào, mà còn được tiếp tế mọi chất dinh dưỡng. Đã vậy, “ngôi nhà” này còn bị đau đớn khi bé con ngày một lớn, biết nghịch ngợm, quẫy đạp. Nguy cơ về sức khỏe, thậm chí tỷ lệ tử vong của người mẹ trong quá trình mang thai vẫn xảy ra. Nguy cơ đáng ngại hơn đến từ tư duy bất bình đẳng gây ra mất cân bằng giới tính nam nữ, có năm lên đến 120 - 130 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Cũng vì tư duy này mà có những bà mẹ đã sinh tới 7-8 người con, vẫn còn bị ép cố đẻ con trai để có người nối dõi tông đường cho nhà chồng.

Để bảo vệ “ngôi nhà đầu tiên”, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân người phụ nữ có nhiều việc phải làm để giảm hơn nữa các tỷ lệ trên, cả về sự chăm sóc, cả về tư duy bình đẳng…

“Người thầy đầu tiên” lâu nay nhiều người vẫn hiểu là người đầu tiên dạy chữ khi các bé đi học. Nhưng từ khi bé mới lọt lòng, người mẹ đã dạy con nhiều điều, bắt đầu từ ăn uống, vệ sinh, đi lại, tập nói… Điều quan trọng nhất là dạy con có đức hiếu lớn nhất - biết kính trọng ông, bà, bố, mẹ, người lớn trong gia đình, họ hàng, làng xóm, biết yêu quý anh, chị, biết nhường nhịn các em, biết nhân nghĩa với bạn bè, biết phân biệt, học hỏi cái tốt, tránh cái xấu.

Có một bài học lớn cho con cái là tấm gương của người mẹ đối với ông, bà, đối với người khác. Những bài học đầu đời của người mẹ ghi dấu ấn suốt đời với con cái. Bài hát “Gánh mẹ” chắc nhiều người biết. Thuở con còn ấu thơ, mẹ tần tảo gánh con. Nay mẹ già con gánh mẹ vì tuổi già như chiếc lá trên cây, kẻo lá rụng thì con sẽ có tội. Con gánh mẹ để sau này con của con sẽ gánh con!

Với vai trò ngôi nhà đầu tiên, người thầy đầu tiên và biết bao nguyên nhân khác, thì bình đẳng nam nữ là tất yếu.

Nữ giới không chỉ là “một nửa thế giới” (ở Việt Nam chiếm trên 50%), mà còn chiếm tỷ trọng lớn hơn nữa theo xu hướng ở những vùng, địa phương có tỷ suất di cư thuần (xuất cư nhiều hơn nhập cư) - nam giới xuất cư nhiều hơn nhập cư. Theo đó, ở nhiều làng quê trong các vùng, địa phương, số nữ nhiều hơn nam, họ vừa phải làm hậu phương vững chắc cho chồng đi làm nơi xa, lo ruộng đồng, vừa lo chăm sóc con cái, bố mẹ.

Tuổi thọ trung bình của nữ giới cao hơn của nam giới (76,4 tuổi so với 71,1 tuổi). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của nữ thấp hơn của nam, nhưng chênh lệch đã giảm dần (năm 2010 là 91,6% so với 95,9%; năm 2021 là 94,5% so với 96,9%). Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ tăng lên, nhưng chênh lệch so với nam giới giảm xuống (năm 2010 là 22,7 tuổi so với 26,2 tuổi; năm 2021 là 24,1 tuổi so với 28,3 tuổi). Tỷ trọng trong lực lượng lao động của nữ thấp hơn nam và chênh lệch so với nam tăng lên (năm 2010 là 48,6% so với 51,4%, năm 2021 là 46,5% so với 53,5%).

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc so với dân số của nữ thấp hơn của nam, nhưng chênh lệch giữa tỷ lệ giữa của nữ so với của nam đã tăng lên dần (năm 2010 là 54% so với 58,9%, năm 2015 là 55,1% so với 60,1%, năm 2021 là 46,2% so với 53,5%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của nữ giới đã tăng lên; tuy còn hơn của nam, nhưng chênh lệch đã giảm (năm 2010 là 13,8% so với 16,9%, năm 2015 là 20,1% so với 23,6%, năm 2021 là 26,6% so với 30%).

Tỷ trọng lao động nữ trong tổng số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh đã tăng lên, tuy của nữ còn thấp hơn của nam (năm 2015 là 46% so với 54%, năm 2020 là 46,7% so với 53,3%). Tỷ lệ giáo viên nữ trong trường phổ thông đạt 73,3%; tỷ lệ học sinh nữ trong các trường phổ thông đạt 48,8%, riêng trung học phổ thông 53,2%. Nữ giáo viên đại học chiếm 49,9%, nữ sinh viên đại học chiếm tới 53,8%.

Tuy nhiên, về bình đẳng giới hiện nay cũng còn những hạn chế. Nổi bật nhất là tỷ lệ giới tính khi sinh (số bé trai/bé gái) dù đã giảm xuống từ vài năm nay, nhưng vẫn còn khá cao và kéo dài (năm 2015 là 112,8/100, năm 2020 là 112,1/100, năm 2022 ước 112/100), trong đó một số vùng còn cao hơn (như Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi phía Bắc). Điều này sẽ gây ra những bất ổn về cân bằng giới tính. Tỷ lệ nữ ở một số vùng, ngành, cấp còn ít.

Phía sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ. Điều đó cho thấy đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp của chồng là rất lớn. Song phụ nữ dường như bị mặc định chỉ đóng vai trò trợ giúp chồng, mà không phải là chủ thể của thành công. Tỷ lệ nữ doanh nhân thành đạt còn tương đối ít. Đây cũng là một sự bất bình đẳng cần thay đổi.

Minh Nhung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-me---ngoi-nha-dau-tien-nguoi-thay-dau-tien-d185049.html