Người mẹ sốc khi học bạ toàn điểm 10 của con bị Trường Ams loại hồ sơ

Chị Đ.T.P. tự tin mang hồ sơ chỉ toàn điểm 10 của con đi dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), nhưng hai ngày sau, hồ sơ của con chị bị trả về.

Bảng điểm tuyệt đối vẫn trượt vì môn âm nhạc chỉ "hoàn thành"

Con chị Đ.T.P. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa hoàn thành chương trình tiểu học tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội. Học bạ 5 năm tiểu học của con chị không có điểm nào dưới 10.

Tổng 17 đầu điểm kiểm tra định kỳ cuối năm ở bậc tiểu học (gồm toán, tiếng Việt lớp 1, 2; toán, tiếng Việt, tiếng Anh lớp 3; toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý, tiếng Anh lớp 4, 5) đạt tuyệt đối 170 điểm.

Lớp 1, 3, 4, 5, cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Lớp 2 cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập".

Bên cạnh đó, cháu còn đạt nhiều thành tích nổi trội như Huy chương Vàng cuộc thi toán AMO, Huy chương Đồng cuộc thi toán tiếng Anh SEAMO, Huy chương Bạc môn toán và Huy chương Vàng môn tiếng Anh vòng quốc gia cuộc thi ASMO, Huy chương Bạc cuộc thi toán TIMO, Huy chương Vàng cuộc thi toán SASMO.

Ngày 29/5, chị P. nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho con trong tâm thế tự tin. Tuy nhiên đến trưa ngày 31/5, chị nhận được tin nhắn thông báo trả hồ sơ của nhà trường.

Lý do là con có môn âm nhạc ở mức "Hoàn thành" tại năm lớp 2, tức con chị không "hoàn thành tốt các môn học" theo quy định về điều kiện tuyển sinh của trường.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rơi vào trường hợp tương tự chị P. Hồ sơ của con chị đạt 167 điểm (tổng 17 đầu điểm bắt buộc). Nhưng lớp 1, cháu có hai môn âm nhạc và mỹ thuật ở mức "Hoàn thành", xếp loại học bạ lớp 1 không có danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện".

Chị Phạm Mai Hạnh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hồ sơ của con chị bị loại cũng vì kết quả học tập lớp 1 môn âm nhạc chỉ đạt "Hoàn thành".

Các phụ huynh có con bị loại hồ sơ vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vì lý do giống nhau như trên hiện lên đến hơn 100 người, theo chia sẻ của chị Đ.T.P. Một số phụ huynh cùng hoàn cảnh rủ nhau nộp đơn kiến nghị lên nhà trường về tiêu chí tuyển sinh.

4 năm tuổi thơ của con, 4 năm thanh xuân của mẹ "đổ sông đổ bể"

Nếu như chị Đ.T.P. nộp hồ sơ dự tuyển cho con chỉ với mục đích trải nghiệm thì chị Nguyễn Thị Mai Hương và chị Phạm Mai Hạnh đã dành 4 năm miệt mài đồng hành cùng con chuẩn bị cho một học bạ toàn 10 để vào được ngôi trường mơ ước - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Thế nhưng, 4 năm vất vả của cả con lẫn mẹ đã "đứt gánh" ở chặng cuối cùng khi quy chế tuyển sinh của trường thay đổi.

Kể từ năm học 2019-2020, sau nhiều năm tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh lớp 6 bằng phương thức xét tuyển (vòng 1) kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực (vòng 2).

Tuy nhiên, mỗi năm, điều kiện xét tuyển của trường lại thay đổi.

Học sinh làm bài khảo sát vào lớp 6 năm 2022 (Ảnh: Hoàng Chung).

Học sinh làm bài khảo sát vào lớp 6 năm 2022 (Ảnh: Hoàng Chung).

Năm 2019, thí sinh dự tuyển cần có học bạ lớp 3, 4, 5 đạt "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Lớp 1, 2 chỉ xét điểm của hai môn toán, tiếng Việt.

Năm 2020, thí sinh dự tuyển cần có học bạ lớp 2-5 đạt "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Học bạ lớp 1 chỉ cần kết quả đánh giá định kỳ cuối năm về năng lực và phẩm chất Đạt.

Năm 2021, do dịch bệnh, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam sử dụng phương thức xét tuyển. Trong đó, điều kiện dự tuyển là học sinh có học bạ cuối các năm ở tiểu học đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên. Trong đó, hai năm học lớp 4, 5, học sinh phải đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Trường cũng đưa ra danh sách 19 cuộc thi mà học sinh đạt giải sẽ được cộng điểm khuyến khích.

Năm 2022, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam quay lại phương thức xét tuyển kết hợp thi đánh giá năng lực. Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Theo đó, thí sinh dự tuyển cần có học bạ cuối năm lớp 1 đạt "hoàn thành chương trình lớp 1"; Học bạ cuối năm lớp 2, 3, 4, 5 được khen thưởng danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Năm 2023, điều kiện dự tuyển trở nên khắt khe hơn. Ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, công văn đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023-2024 ghi rõ:

"Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên".

Như vậy, ngoại trừ kỳ tuyển sinh chỉ dùng phương thức xét tuyển năm 2021, kỳ tuyển sinh năm nay yêu cầu học bạ "hoàn hảo" từ lớp 1, khác với các kỳ tuyển sinh năm 2019, 2020 và 2022.

Sự thay đổi lớn này khiến nhiều phụ huynh bị lỡ dở chuyến đò cuối cùng cập bến ngôi trường trong mơ dù đã kỳ công rèn giũa, học tập cùng con suốt 5 năm.

"Hầu hết các phụ huynh muốn con vào lớp 6 trường Ams đều chuẩn bị từ rất sớm, khi con đặt chân vào lớp 1. Những năm trước đây, nhà trường xét học bạ từ lớp 2, lớp 1 chỉ tính điểm hai môn toán, tiếng Việt, như thế là hợp lý.

Bởi lớp 1 là năm đầu đời bỡ ngỡ. Một sự không hoàn hảo ở môn mỹ thuật, âm nhạc hay thể dục không thể là căn cứ để đánh giá đứa trẻ này kém hơn đứa trẻ khác và ngược lại", chị Mai Hương nêu quan điểm.

Chị Phạm Mai Hạnh cho biết, chị cảm thấy bị tổn thương trước sự thay đổi đột ngột trong quy định tuyển sinh của nhà trường.

Trong 4 năm qua, chị Hạnh cho con đi học ở các trung tâm luyện thi danh tiếng nhất Hà Nội. Hầu hết các trung tâm đều xa và con chị phải đi xe buýt.

Ngoài văn hóa, con chị Hạnh học thêm các môn nghệ thuật, được thầy cô có chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt là khả năng thanh nhạc.

Với các môn học trên lớp, ngày nào chị Hạnh cũng học bài cùng con. Trước mỗi kỳ thi học kỳ, chị Hạnh ngồi ôn tập từng câu hỏi trong đề cương với con để đảm bảo con đã nắm thật kỹ bài và sẽ được điểm 10.

Học bạ của con chị Hạnh lẽ ra rất hoàn hảo nếu như không có môn âm nhạc ở mức "Hoàn thành" của năm lớp 1.

Khi nhận hồ sơ bị trả về của con ngày 29/5, chị Hạnh "đã sốc": "Tôi tổn thương vô cùng. Con tôi cũng tổn thương như thể nó đã bị lừa vậy. Tôi thấy có lỗi với con vì bắt con đánh đổi bao nhiêu thời gian vui chơi thư giãn để đến phút cuối con bị tước mất cơ hội. 4-5 năm tuổi thơ của con và 4-5 năm thanh xuân của mẹ".

Chị Hạnh cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Quy định tuyển sinh của trường không nhân văn. Một đứa trẻ chỉ cần có một sự không hoàn hảo trong học bạ do sự đánh giá không có căn cứ rõ ràng bằng điểm số trong năm học đầu đời thì sau đó dù có cố gắng bao nhiêu, có xuất sắc như thế nào đi nữa cũng vĩnh viễn bị tước mất cơ hội được vào ngôi trường mà nó ước mơ.

Đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cách mà nó bị tước mất cơ hội? Tại sao không trao cho những đứa trẻ đó cơ hội khi vẫn còn một vòng thi đánh giá năng lực để chúng thể hiện khả năng học tập thực sự của mình thay vì những con số trong học bạ?

Giáo dục khai phóng cần khai phóng ở ngay khâu tuyển sinh với tiêu chí nhân văn hơn."

Đặt bài thi đánh giá năng lực lên trên học bạ sẽ công bằng với thí sinh hơn

Trước câu chuyện tuyển sinh "nóng" của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) - chia sẻ góc nhìn với phóng viên Dân trí :

"Theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 và Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham chiếu vào tình hình thực tế, để một học sinh được đánh giá hoàn thành xuất sắc tất cả các môn không nhiều. Rất ít học sinh có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí ở tất cả các môn học và năng lực, phẩm chất để đạt được danh hiệu này.

Vì thế, việc căn cứ vào cả quá trình 5 năm tiểu học để xem xét điều kiện học bạ có phần khắt khe. Việc căn cứ vào tất cả các môn học của cả 5 năm tiểu học phải hoàn thành xuất sắc để làm tiêu chí bắt buộc thì càng khắt khe hơn.

Với một ngôi trường danh tiếng như Hà Nội - Amsterdam, trong bối cảnh chúng ta vừa mới trải qua ba năm học mà thầy cô, học sinh vừa dạy học vừa căng mình chống dịch, nhiều thời điểm học sinh không thể đến trường học trực tiếp, phụ huynh và học sinh muốn vào học đều có sự chuẩn bị đường dài mới đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Vậy nên chăng, điều kiện hồ sơ tuyển sinh được thống nhất qua các năm để phụ huynh và học sinh không rơi vào cảnh bị động và lỡ dở vào mỗi kỳ tuyển sinh mới?

Nhà trường vẫn còn một vòng thi đánh giá năng lực. Nếu xem học bạ là tiêu chí quan trọng thì e là ước mơ, cơ hội của nhiều em học sinh bị đóng lại ngay từ khi mới bắt đầu.

Đặt bài thi đánh giá năng lực lên trên học bạ sẽ công bằng hơn và giúp nhà trường lựa chọn được những thí sinh thực sự ưu tú.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các trường THCS khi xây dựng quy chế tuyển sinh nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ các trường tiểu học. Bởi hơn ai hết, các thầy cô dạy tiểu học là người hiểu rõ nhất các tiêu chí đánh giá và cách đánh giá học sinh lứa tuổi này cả về kiến thức, kỹ năng lẫn năng lực, phẩm chất".

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-me-soc-khi-hoc-ba-toan-diem-10-cua-con-bi-truong-ams-loai-ho-so-172230601203843367.htm