Người mẹ trong giáo dục gia đình

'Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền'... Câu hát của trẻ thơ hồn nhiên mà ý nghĩa biết bao! Trong mỗi gia đình, cha mẹ là thầy giáo, cô giáo đầu tiên của các con.

Mỗi gia đình là mái trường đầu tiên của trẻ thơ, trong đó người mẹ có vai trò rất to lớn. Nếu người cha thiên về giáo dục ý chí, nghị lực cho con, thì người mẹ “chín tháng mang nặng đẻ đau”, với lợi thế về giới tính và những khả năng trời phú, lại thiên về việc bồi dưỡng tình cảm, thế giới tâm hồn cho con. Bởi vậy, ca dao cổ mới có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Xưa nay, những gia đình trên thuận dưới hòa, con cái chăm ngoan, lớn lên trở thành những công dân hữu ích của đất nước, nhìn từ góc độ giáo dục gia đình, phần nhiều do công sức của người mẹ. Bởi vậy, thật là chí lý, chí nghĩa, chí tình khi ông cha ta khẳng định: “Phúc đức tại mẫu”. Nhiều gia đình vắng bóng người cha do bổn phận phụng sự việc nước, việc dân hoặc đi làm ăn xa, thì người mẹ vẫn tần tảo lo toan kinh tế, đảm đang nuôi dạy con cái nên người. Người mẹ chăm bẵm, nuôi con khôn lớn, dạy cả chữ nghĩa cho con: “Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân”-nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) đã có câu thơ rất hay như vậy trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng.

Cái cao đẹp của những người mẹ lương thiện Việt Nam là luôn tâm niệm dạy con đạo lý làm người: Yêu nước, yêu đồng bào; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em; sống hiền hòa, có tình có nghĩa với bà con xóm phố; biết “tôn sư trọng đạo”, ứng xử có lễ độ với người lớn và hòa nhã với người cùng trang lứa; biết tôn trọng pháp luật; biết nói điều hay, làm điều tốt. Đấy là thiên chức, là trọng trách của những người mẹ đích thực. Những điều ấy tạo nên thế giới tâm hồn phong phú, đẹp đẽ của người con, thể hiện giá trị văn hóa của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Có những chuyện riêng tư, con cái không tâm sự, không giãi bày với người cha, nhưng lại dễ dàng thổ lộ, gửi gắm nơi người mẹ. Đâu phải chỉ với con gái, mà người con trai cũng thường tìm thấy ở người mẹ một niềm cảm thông, một lời khích lệ, một chỗ dựa tinh thần vững chắc và ấm cúng. Bởi thế, giây phút đầu tiên của sự thành công, hạnh phúc, sung sướng đến tột đỉnh, hay những thất bại, đau xót của cuộc đời, người con trước hết thường nghĩ đến mẹ, thầm gọi: “Mẹ ơi!”, sau đó mới là người cha và những người thân yêu khác. Người mẹ bao giờ cũng là linh hồn, là sức sống của mỗi gia đình, đúng như câu tục ngữ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Đại văn hào người Nga M.Gorki đã viết: “Không có các bà mẹ thì không thể có các anh hùng và nhà thơ”. Phương Tây có câu châm ngôn nổi tiếng: “Đằng sau các bậc vĩ nhân là những người mẹ hiền”. Đó là những câu danh ngôn vô cùng sâu sắc của các bậc thông tuệ. Biết bao người mẹ lam lũ, cần cù, giàu đức hy sinh đã cho con tất cả, chỉ mong con học hành giỏi giang, mai sau thành đạt. Biết bao người mẹ đã cống hiến những người chồng, người con yêu dấu cho các cuộc chiến tranh vệ quốc và trong xây dựng hòa bình. Biết bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà cuộc đời vẻ vang được ghi dấu bằng những bức tượng đài sừng sững, sáng ngời tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng nhân hậu và đức tính thủy chung.

ĐÀO NGỌC ĐỆ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nguoi-me-trong-giao-duc-gia-dinh-552534