Người Mông ở Pú Nhung

Hoàng hôn.

Ánh nắng cuối cùng trong ngày vẫn còn vàng sậm như mật ong, hong tận chót đỉnh dãy Pú Nhung. Tôi cũng đã kịp vào nhà người Mông trước lúc ông mặt trời đi ngủ. Nhà chỉ có hai người. Bà cụ là Sùng Thị Pà và ông cụ là Vừ Gà Lử. Ông là con cả của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Sùng Thị Blây và là anh trai người Anh hùng liệt sĩ thiếu nhi Vừ A Dính. Ông bà có đến 14 con trai, con gái. Nhưng bây giờ, người thì đi công tác xa, người ở lại bản thì cũng đã lấy chồng ở riêng. Chỉ còn hai ông bà ở với nhau trong một căn nhà rộng, dài, dài dằng dặc, cao lừng lững 6 gian, 2 chái, có đến 63 chiếc cột cái, cột con, bám chặt xuống nền nhà như chân rết. Ông Vừ Gà Lử có cái chất của người du kích kháng Pháp, cái chất của ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Pú Nhung ngày trước và cả cái chất của người Mông nữa.

Tôi ngủ lại nhà ông Vừ Gà Lử. Nhưng không phải ngủ trong nhà mà nằm cùng với ông ở cái chòi trên mặt ao.

Nửa đêm. Dãy núi Pú Nhung sừng sững cao như thành chắn bỗng dưng lặng ngắt. Trên đỉnh núi, mây trắng đục ở đâu đó dạt về quằn quại. Một quầng màu hồng nhạt bừng sáng trùm lên đỉnh núi. Rồi trăng lên. Trăng từ từ nhô cao và neo lại chặt cứng ở đỉnh núi. Trăng tròn, to như cái mâm đồng thau. Đỏ đòng đọc.

Minh họa: TÔ NGỌC.

Minh họa: TÔ NGỌC.

Ông Vừ Gà Lử bất chợt nhỏm người ngồi dậy thật nhanh. Ông kêu lên thảng thốt. Tiếng kêu đập vào vách núi vọng lại một thứ giọng lạ, liên hồi, dồn dập:

- Tun cư Vư A Zinh nư lo! Tun cư Vư A Zinh nư lo! (em Vừ A Dính đang về).

Kêu xong, ông cứ ngồi nhìn trăng, nhìn lên đỉnh Pú Nhung. Nhìn mãi.

***

Ngày xưa, nhà tao ở trên đỉnh núi kìa...

Ngày xưa. Cái ngày xưa ấy không xa lắm. Dạo đó, rừng còn rậm rạp chứ không trọc lốc như bây giờ. Người Mông ở Pú Nhung làm nhà ở chót vót trên đỉnh núi cao. Nhà nào thấp cũng làm chênh vênh bên sườn núi. Đứng ở thung lũng nhìn lên, nhà chỉ bé như cái tổ chim.

Thằng Pháp đóng đồn Phiêng Ty. Cái đồn to lù lù, đen trùi trũi, dây thép gai lởm chởm nhọn hoắt như cứa nát những cái “tổ chim”-cái nhà người Mông ở Pú Nhung. Đêm nào cũng vậy, bà Sùng Thị Blây-mẹ tao cứ giật mình thon thót bởi tiếng súng bắn cầm canh, bắn bất chợt ở đồn.

Đêm ấy, tao còn nhớ tao phát năm tín hiệu lạ thường. Tiếng cuối hơi kéo dài ra.

- Tắc kè... Tắc kè...

Bà Blây-mẹ tao-biết con trai từ hang đá trở về. Bà đặt đĩa dầu trẩu đang cháy nơi gian giữa. Bà kéo liếp ngó ra ngoài. Trăng mười tám treo lơ lửng phía núi Chủa Minh ở phía tây. Sương lạnh buông ướt đẫm lá cây. Thấy báo yên, tao lách người vào. Mẹ tao run lập cập. Không biết có phải do luồng gió núi lạnh ùa vào hay bà sợ vì thấy tao ướt sũng sương đêm. Tao bảo ngay:

- Mẹ đánh thức thằng Vừ A Dính dậy. Có việc đi Tuần Giáo ngay.

- Để qua đêm thôi. Hôm qua tao đi nương, đường đầy vết chân hổ. Mà thằng Pháp ở đồn Phiêng Ty đã cấm không cho ai ra khỏi bản.

- Gấp lắm! Chúng bịt hết các nẻo vào hang rồi. Chẳng biết trên chỉ đạo thế nào? Ai cũng đòi vác súng kíp ra sống mái với cái đồn Phiêng Ty.

Mẹ tao cùn cụt đi xuống bếp cời nồi mèn mén đang ủ ra. Vừ A Dính đã thức giấc, ngồi cạnh ổ cỏ mùa xó khô, hai tay dụi dụi mắt.

Trăng bắt đầu xế bóng thì Vừ A Dính và tao ra khỏi nhà.

Bà Blây dường như đã quá quen với những lần chia tay chồng, chia tay con trong những đêm như thế này. Bà chỉ âm thầm thở dài, nén nỗi buồn thương vào lòng. Vừ A Dính lầm lũi bước đi. Một đoạn đường, đầu tóc đã nhòe nhoẹt đẫm sương khuya. Không thể dùng dằng được nữa, tao phải quay về hang đá, còn Vừ A Dính cắt rừng theo đường tắt đến Tuần Giáo. Tao bảo:

- Em đi đường cẩn thận.

Bỗng nhiên lúc ấy tao ngọt ngào thế. Gọi em xưng anh với Vừ A Dính. Nó là em ruột tao mà ngày thường cứ mày mày, tao tao.

- Thôi, anh Lử đừng nói nữa. Cầm nắm mèn mén này-giọng Vừ A Dính cũng nghẹn tắc-Em... không... ăn đâu.

Bỗng có tiếng xoạch... phạch. Hai anh em tao giật mình. Té ra con yểng đậu vào vai Vừ A Dính. Chắc là quên không đóng cửa lồng hay Sùng Thị Đớ đã thả ra vì không muốn chồng lẻ loi đi một mình trong đêm. Con yểng ấy, Vừ A Dính nuôi đã được mấy năm. Con chim khôn lắm. Dính dạy nó đã nói được: Có người lạ... Dính đã về...

Kể đến đây, ông Vừ Gà Lử bật khóc. Hai gò má xương xẩu, già nua của ông nước mắt cứ lăn dài. Ông lặng đi trong dòng hồi tưởng...

***

Vừ A Dính bị bắt khi đã hoàn thành nhiệm vụ, đang trên đường từ Tuần Giáo về Pú Nhung. Bọn Pháp trói giật cánh khuỷu Vừ A Dính bắt dẫn đi tìm Việt Minh. Vừ A Dính dẫn đi lòng vòng suốt cả ngày. Lên núi. Xuống núi. Đến chỗ nọ không có lại dẫn đến chỗ kia. Con chim yểng của Vừ A Dính cứ lách chách lách chách bay theo. Nắng mùa hạ, quan quân Pháp đi cả ngày mệt, khát mà chả thấy Việt Minh đâu. Dụ dỗ ngon ngọt cũng chẳng nghe, dọa nạt, đánh đập mãi Vừ A Dính cũng không sợ. Trước sau, nó một mực không khai nơi ở của Việt Minh.

Bọn chỉ điểm dẫn Pháp về nhà Vừ A Dính, gặp cái gì cũng đốt, gặp ai cũng giết. Chị gái và 3 em trai Vừ A Dính cũng bị bắn trong ngày hôm đó. Tất cả các nóc nhà trong bản đều bị đốt trụi, mấy chục người nữa bị giết. Cả dãy núi Pú Nhung đỏ lửa...

Vừ A Dính bị bắn chết mà con yểng vẫn không chịu bay đi. Nó cứ lượn đi lượn lại chấp chới quanh cây đào. Thỉnh thoảng, con yểng kêu những tiếng nghe thảm lắm. Cứ khi bọn lính canh mệt quá thiếp đi thì nó lại kêu gắt lên cắt ngang giấc ngủ của chúng. Thằng Mùa Chứ Xá chỉ vào con yểng đang đậu trên cành đào treo xác Vừ A Dính, bảo thằng Vàng Khua Thào, lính khố đỏ ác nhất bọn:

- Khốn nạn! Mày có nghe thấy con chim kia đang hót gì không?

- Hình như nó hót: Dính đã về. Dính đã về.

- Không phải đâu. Tao biết con yểng này của thằng Vừ A Dính đấy. Nó hót, nó chửi chúng ta là: Lính dã man. Quân giết người.

- Mẹ nó. Tao bắn.

Mùa Chứ Xá kê súng: Tòm... Tòm. Hai tiếng súng rơi tõm vào không trung. Con yểng bay sang cây khác đậu xa hơn một chút. Rồi lại lách chách hót: Lính dã man. Quân giết người. Xá cầm súng đuổi theo. Nó mải rượt ngắm, bắn con yểng nên đạp phải hòn đá cập kênh, lăn từ đỉnh xuống lưng chừng núi. Gốc nứa dân bản phạt nhọn để rào nương chọc trúng người nó làm máu chảy lênh láng. Thằng Xá được chữa chạy xong thì quan thầy không dùng nó nữa, quẳng về quê ở tận Mường Lay.

Không thể diễn tả hết nỗi đau của mẹ Sùng Thị Blây. Đau đớn lắm! Thực ra chỉ biết chúng bắt và bắn Vừ A Dính ở trên đỉnh núi Pú Nhung, nhưng chẳng biết chỗ nào. Dãy núi cao sừng sững, dài dằng dặc, trùng điệp lúc ấy bọn địch đang làm chủ. Chúng co về đồn Phiêng Ty. Được một người lính mách bảo thì ông Vừ Gà Lử mới tìm được xác Vừ A Dính. Lúc ấy, ông đành phải chôn Vừ A Dính ở ngay gốc cây đào. Chôn em xong, ông mới thấy con yểng cũng đã chết xõa cánh trên cành cây đào. Ông chôn luôn nó bên cạnh mộ Vừ A Dính.

Vừ A Dính bị bắn ngày 15-6-1949, đúng tròn hai năm sau, ngày 15-6-1951, bà Sùng Thị Blây cũng hy sinh. Cơ sở cách mạng và đội vũ trang bị địch vây chặt trong rừng. Người mình trong hang đói quá, không có muối, không có gạo, đánh liều mò về bản lấy thì bị rơi vào ổ phục kích. Chúng lùng sục dữ lắm, lại tuyên bố chỉ cần thấy ai mang một hạt ngô trong người cũng là tiếp tế cho Việt Minh. Bắn bỏ ngay. Không khí ngột ngạt trùm xuống Pú Nhung. Anh em đằng mình có nguy cơ bị vây bắt, bị phục kích, bị chết đói, chết dần chết mòn. Bà Sùng Thị Blây cứ lặng lẽ bí mật lúc vờ đi chợ Tuần Giáo mang tài liệu giấu trong gùi măng đắng, lúc giả đi rừng, đi nương mang mèn mén vào hang cho đội vũ trang. Nhưng cuối cùng chúng cũng bắt được bà. Chúng bảo bà: “Mày đi rừng mà nấu mèn mén nhiều thế. Một mình mày ăn khỏe bằng 20 người cơ à?”. Biết không thoát khỏi tay chúng, bà lặng lẽ chịu đựng mọi cực hình tra tấn...

Tôi chợt nhớ lại hôm làm việc với ủy ban nhân dân xã xong, anh Vừ Dũng Khá kéo tôi đi dạo, đến bên mấy quầy tạp hóa. Chị Mùa Thị Sình bán hàng thổ cẩm, người thấp đậm. Anh Vừ Dũng Khá đi học trường nội trú từ bé, rồi làm cán bộ huyện, ít về nhà nhưng chị vẫn nhận ra. Tôi hỏi chị Sình chuyện Pú Nhung xưa. Chị chỉ vào anh Vừ Dũng Khá, bảo:

- Lúc ấy, mày mới 3 tuổi chưa biết đâu, tao thì hơn 10 tuổi rồi. Tao nhớ bọn địch ở đồn Phiêng Ty bắt mẹ mày xong, chúng lùa dân bản ra chỗ đất trống kia kìa. Chúng nó bắc chảo gang, nổi lửa. Chúng chỉ vào đám dân bản rồi bảo bà: “Chỉ cần nói tên một người tiếp tế cho Việt Minh thôi là tha ngay”. Bà Blây lắc đầu. Người Mông ta là thế. Đã theo ai là theo đến cùng. Chúng lập tức mổ bụng, moi gan bà Blây-mẹ mày...

Vậy là nếu kể cả ông Vừ Chồng Lầu, chồng bà Blây hy sinh nữa thì nhà Vừ A Dính bị địch giết chết 8 người. Bà Sùng Thị Blây hy sinh. Phong trào cách mạng ở Tuần Giáo tạm thời lắng xuống. Không khí nặng nề, tang tóc bao trùm xuống Pú Nhung. Nhưng ở các bản đã lác đác có thêm nhiều người vác dao quắm trốn nhà vào rừng. Thời kỳ đó, ta đang chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Bọn địch càn quét, khủng bố dữ dội nhưng rất hoang mang. Với lại không còn đường lùi nữa rồi. Ôm súng trong rừng chờ chết là chết thật. Cái chết của bà Sùng Thị Blây như tiếp thêm sức mạnh cho dân bản Pú Nhung, cho đội vũ trang. Đội vũ trang huyện tập trung lại, vạch mặt tội ác của giặc, nêu gương gan dạ anh hùng của Vừ A Dính, của bà Blây rồi bàn cách nhổ đồn Phiêng Ty. Cái đồn Phiêng Ty bị nhổ phăng, giải phóng Pú Nhung. Thừa thắng, đánh tràn ra giải phóng luôn cả vùng ngoại thị Tuần Giáo.

***

Bà Sùng Thị Blây bị giết nhưng đến bây giờ vẫn không biết xác chúng chôn ở đâu hay ném ở đâu. Anh Vừ Dũng Khá cất rất nhiều công dò hỏi, đi tìm hài cốt mẹ vẫn không thấy. Chỉ biết tên người Thái ở Bống Lao, Tuần Giáo cũng tham gia vụ giết người dã man ấy nhưng hắn không nói. Chẳng biết sao hắn thù hận dai dẳng thế, hay hắn sợ hãi bị trả thù, cũng có thể hắn mất tính người. Mỗi lần gặp, mặt hắn cứ lạnh lùng, mắt u tối và một mực câm lặng suốt mấy chục năm trời không nói. Một ngày đẹp trời, đột nhiên hắn cho người nhắn anh Khá đến. Anh linh cảm có một điều không bình thường sắp xảy ra. Anh tức tốc tới. Hắn đang hấp hối, đôi mắt hắn mệt mỏi và mờ đục chứ không còn lạnh lẽo, u tối nữa. Thấy anh bước vào bên giường, hắn cố gồng người lên:

- Mày... tha... lỗi! Mộ... bà Blây...ơ... ở...

Nhưng hắn cũng không kịp nói hết câu. Bí ẩn về nơi chôn cất bà Blây hắn lại mang theo xuống dưới mồ. Lúc ấy, anh Vừ Dũng Khá tức giận và thất vọng vô cùng, nhưng anh cũng kịp nhìn thấy nước mắt hắn ứa ra nơi khóe mắt.

Truyện ký của SƯƠNG NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nguoi-mong-o-pu-nhung-573471