Người Mỹ không chịu lớn sau mỗi thảm bại

Một tướng Mỹ từng tham chiến ở cả Iraq và Afghanistan cho rằng chính sự ngạo mạn đã ngăn cản người Mỹ áp dụng các bài học thua cuộc trước đó.

Tại sao người Mỹ thua?

Người Mỹ dường như đã “quen” với những cuộc chiến thất bại, nơi mà họ tuyên bố hàng loạt mục tiêu “cao cả”, tiến hành với lực lượng hùng mạnh cùng trang thiết bị vũ khí áp đảo về mọi mặt. Sau mỗi thất bại như vậy, nước Mỹ lại được đọc thêm những cuốn sách giải thích về nguyên nhân thua cuộc của mình.

Mới đây nhất là trường hợp các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Tướng 3 sao của Mỹ, Daniel Bolger, người từng chiến đấu ở cả hai quốc gia trên, đã viết một cuốn sách với tiêu đề “Why we lost” (tạm dịch: Tại sao chúng ta thất bại). Trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Bolger cho rằng chính sự ngạo mạn đã ngăn cản người Mỹ áp dụng các bài học được rút ra từ các cuộc chiến trước.

Lính Mỹ bị thương trong một vụ tấn công ở Kabul, Afghanistan

Tại Afghanistan, khi lính Mỹ đến các làng mạc cùng với lực lượng an ninh của Afghanistan, họ thấy lực lượng này chưa thể tự đảm đương mọi việc, phải phụ thuộc nhiều vào lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, dân làng không tin tưởng lính Mỹ, không muốn sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài. Vì thế, lực lượng Mỹ không thể lấy thông tin từ người dân, khó làm nhiệm vụ.

Mỹ cũng không thể xác định được kẻ thù ở Afghanistan nên không có được chiến thuật hợp lý. Ban đầu, Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan để trả đũa các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 mà mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành.

Do không xác định được vị trí của đội ngũ chỉ huy của al-Qaeda, quân Mỹ đã mở rộng mục tiêu mà họ có thể tấn công là quân Taliban, vốn đã giúp al-Qaeda và đang suy yếu về vũ trang. Cuối cùng, lính Mỹ đã nhắm tới một kẻ thù mới không hề tấn công nước Mỹ trong vụ 11/9.

Binh sĩ Mỹ đạp cổng nhà một người dân ở tỉnh Diyala, Iraq

Chiến dịch tấn công Taliban nhanh chóng giành thắng lợi ban đầu nhưng Mỹ lại chưa tính toán kỹ đến những vấn đề có thể nảy sinh về sau. Với sự hỗ trợ của NATO, Mỹ quyết định hỗ trợ việc thành lập chính phủ mới ở Afghanistan để thay thế Taliban, nhưng thời hạn nhiệm vụ không rõ ràng.

Giữa lúc đó, Mỹ phát động thêm cuộc chiến xâm lược Iraq. Tướng Daniel Bolger nhận định đây là một sai lầm nghiêm trọng. Lòng tự hào đã ngăn Mỹ ra lệnh rút quân khỏi Afghanistan và Iraq.

Theo tướng Daniel Bolger, Washington đã không chịu áp dụng bài học ở Việt Nam cho dù họ hiểu và đã rút ra bài học đó: trong một cuộc chiến tranh du kích, khi kẻ thù không thua tức là họ đã thắng, còn Mỹ thua.

Ông Bolger cũng thừa nhận đó là thất bại của ông, một vị chỉ huy ở cả chiến trường Afghanistan và Iraq. Với tính ngạo mạn, người Mỹ vẫn tin rằng quân đội Mỹ sẽ có cách để chiến thắng.

Người Mỹ ngạo mạn vì quá tự tin vào sức mạnh kinh tế và bộ máy chiến tranh của mình?

Tướng Daniel Bolger cho rằng vào năm 1965, Mỹ biết Pháp đã thua trận ở Việt Nam giai đoạn 1945-1954 nhưng vẫn tự nhủ “Chúng ta đâu phải là người Pháp”. Rồi đến lượt Mỹ thua! Còn ở Afghanistan, Mỹ biết Liên Xô đã thất bại trong những năm 1979-1989, thế nhưng Washington lại tự nhủ “Chúng ta đâu phải là người Nga”.

Tướng Daniel Bolger nhấn mạnh rằng lẽ ra Mỹ phải rút lui sau khi gạt được Taliban ra khỏi bộ máy quyền lực ở Afghanistan, và NATO lẽ ra không nên can thiệp vào Afghanistan. Mỹ lẽ ra cũng không nên điều quân đến Iraq, phong tỏa bằng không quân và hải quân có lẽ là tốt hơn.

Sức ép lớn hơn từ Nga-Trung

Những đánh giá của một tướng Mỹ được đưa ra tại thời điểm các căn cứ có binh sĩ Mỹ tại Iraq liên tục bị tấn công trong khi báo chí Mỹ mới đây cho công bố các tài liệu cho thấy giới chức Mỹ lừa dối về cuộc chiến ở Afghanistan. Nhìn rộng ra ở khu vực Trung Đông, giới phân tích cho rằng chính sách của Mỹ đang bị “đánh chìm” dù vẫn đổ nhiều tiền của và sức lực vào đây.

Chính quyền của Tổng thống Trump cam kết chấm dứt “những cuộc chiến không có hồi kết” ở khu vực Trung Đông nhưng Tướng Mike Milley, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lại nhấn mạnh đến Iran và Syria. Thay vì cắt giảm các lực lượng ở khu vực, Mỹ đã điều động thêm 14.000 binh sĩ đến Vùng Vịnh kể từ tháng 5, bao gồm hơn 3.000 binh sĩ đến Saudi Arabia.

Mỹ tuyên bố rút quân rồi lại bất ngờ đưa quân và vũ khí hạng nặng tăng cường tới Syria với lý do dầu mỏ

Ngoài ra, Tổng thống Trump đã hai lần hạ lệnh các lực lượng của Mỹ rút khỏi Syria, song ngay sau đó quân đội Mỹ lại vội vàng điều động lực lượng vũ trang hạng nặng để “bảo vệ” các cơ sở dầu mỏ của Syria. Giới phân tích coi những tuyên bố và hành động kiểu này của Mỹ ở Trung Đông là “sự mơ hồ về chiến lược” nhưng cũng có ý kiến coi đây là chiến thuật “lật lọng” mà Washington từng thực thi ở nhiều nơi.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã tỏ rõ quyết tâm trong cuộc đấu “nước lớn”, chỉ rõ Nga và Trung Quốc là các đối thủ và “mối đe dọa” hàng đầu trong các chiến lược an ninh và quốc phòng của mình. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với khoản nợ quốc gia 23.000 tỷ USD, Mỹ không còn sức lực để tiếp tục vai trò “cảnh sát toàn cầu”.

Trong khi chinh sách đối ngoại được cho là gặp “trục trặc” thì các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ bị đánh giá là vẫn sa lầy trong lối tư duy thời Chiến tranh Lạnh, dẫn đến việc triển khai chiến lược trở nên rối rắm. Giới phân tích thậm chí coi việc Mỹ điều động binh sĩ để “bảo vệ” nguồn cung dầu mỏ bị hạn chế của Syria là hành động “nực cười”.

Về cuộc chiến “chống khủng bố” do Mỹ phát động, trang phân tích Á-Âu cho rằng những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda được đặc biệt được tạo ra bởi chính chủ nghĩa can thiệp của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Theo trang phân tích này, sự trì trệ trong chính sách tiếp tục đẩy Mỹ sa lầy trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, ở các nước Afghanistan, Syria, Iraq, Libya, Yemen, Somalia, Chad và Mali, trong khi đó lại làm gia tăng cuộc đối đầu với Iran.

Người Mỹ có hết ngạo mạn sau màn thể hiện của Nga ở Trung Đông?

Sự suy giảm vai trò của Mỹ ở Trung Đông còn được giới phân tích nhìn nhận từ góc độ cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Theo đó, cả hai đều rất muốn cho Mỹ thấy những hạn chế của sức mạnh Mỹ ở khu vực.

Những ví dụ điển hình được kể đến như Nga-Trung đã lên án việc Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, bảo vệ Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), tham gia tích cực các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, và tiếp tục bảo vệ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Bên cạnh đó, Nga cũng không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự và đánh thẳng vào những sơ hở của Mỹ như cuộc chiến ở Syria hay vụ đột kích các mỏ dầu ở Saudi Arabia mới đây.

Sau tất cả, người Mỹ đang có thêm nhiều cuốn sách “Why we lost”. Danh sách những bài học ngày càng dài nhưng có vẻ như người Mỹ vẫn chưa lĩnh hội được gì nhiều, mà một trong những nguyên nhân căn bản vẫn xuất phát từ thái độ “ngạo mạn” từ những người quá tin vào sức mạnh vượt trội của mình và áp đặt các “giá trị” trong không ít trường hợp mang tính hai mặt.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-my-khong-chiu-lon-sau-moi-tham-bai-3393783/