Người Mỹ số hóa những lá thư thời chiến của binh sĩ Việt Nam

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, 6 cuốn nhật ký và 30 bức thư của binh sĩ Việt Nam được người Mỹ lưu giữ rất cẩn thận suốt 48 năm qua.

Nhân kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giao lưu Những trang viết từ chiến trường và giới thiệu cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, bà Trần Hồng Dung, nhà văn Trần Trọng Giá tại buổi giao lưu.

Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng - người sưu tầm, biên soạn bộ sách Những lá thư thời chiến Việt NamNhật ký thời chiến Việt Nam chia sẻ, ý tưởng thực hiện những lá thư này bắt đầu sau cuộc gặp gỡ với nhà văn người Mỹ Andrew Caroll.

“Sau khi trải qua một vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà đang sống, Andrew Caroll mất những lá thư của người yêu, khi đó anh nhận ra giá trị của các lá thư lớn như thế nào. Chúng không chỉ vài trang viết ngẫu hứng mà một phần cuộc đời của con người. Thông qua phương tiện đại chúng, Caroll sưu tầm những lá thư thời chiến của người Mỹ và đi khắp các thành phố tìm tư liệu rồi xuất bản cuốn sách War Letters năm 2001”, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Sau cuộc gặp với Andrew Caroll, dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn Đặng Vương Hưng công bố Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Chỉ sau một tháng, ông nhận cả vạn bức thư, hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký từ khắp mọi miền đất nước gửi về.

Nhà văn Đặng Vương Hưng

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, công việc viết văn giúp ông “ngộ” ra rằng: Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất riêng tư lại mang đến thông tin và tư liệu quý báu; có thể gợi mở đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.

Nhà văn rất mừng vì sức lan tỏa của cuộc vận động. Ông tiết lộ, đã nhận thông tin về các cuốn nhật ký và thư từ của binh sĩ Việt Nam được người Mỹ lưu giữ cẩn thận suốt 48 năm qua.

"Sau cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, người Mỹ mang về hàng nghìn di vật của quân giải phóng nước ta. Tôi được biết, các tư liệu này đã số hóa thành những bộ hồ sơ đầy đủ thông tin từ họ tên, quê quán, trận đánh của người viết. Nhóm sưu tầm bên Mỹ đang có tổng cộng 6 cuốn nhật ký và 30 lá thư. Dự kiến cuối tháng 5, câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi giao nhận các kỷ vật”, nhà văn Đặng Vương Hưng tiết lộ.

Những lá thư nhắc giới trẻ không quên quá khứ

Bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý CLB Mãi mãi tuổi 20 cho rằng, cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam nhắc nhở chúng ta nhiều việc cần làm. Trước mắt là tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hành trình tri ân anh hùng liệt sĩ; sau đó là những việc làm thiết thực bù đắp phần nào sự hy sinh, mất mát của các anh hùng, giúp đỡ gia đình và thân nhân họ.

Không phải từ số liệu khô khan, toàn cảnh các cuộc kháng chiến của dân tộc được tái hiện qua những lá thư, nhật ký của chính người trong cuộc.

Mong muốn thế hệ sau hiểu thêm lịch sử, thấm thía hơn về sự cống hiến của cha ông, Đại tá Trần Trọng Giá - Thường trực Hội đồng quản lý CLB Trái tim người lính, cho rằng các bạn trẻ cần tìm hiểu những câu chuyện và nhân chứng lịch sử.

“Tôi có bố và anh trai tham gia kháng chiến chống Pháp và đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đã để lại máu xương tại chiến trường. Vì vậy, mỗi trang viết, dòng nhật ký hay kỷ vật của họ đều giúp tôi cùng người thân nhớ lại những ngày tháng xưa và quý trọng cuộc sống hôm nay. Giống như khi đọc Những lá thư thời chiến Việt Nam, độc giả sẽ có cái nhìn nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từ đó thêm trân quý lịch sử và những con người làm nên lịch sử", Đại tá Trần Trọng Giá chia sẻ.

Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không ngại ngùng, hổ thẹn…” - đây là những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt viết cho vợ trước Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trung đoàn do ông chỉ huy đã giành chiến thắng trong trận đánh đồi C1 nổi tiếng, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-my-so-hoa-nhung-la-thu-thoi-chien-cua-binh-si-viet-nam-2140181.html