Người Mỹ tự hào lý do thắng Liên Xô?

Tại sao cuối cùng Mỹ lại thắng Liên Xô? Những lợi thế nào giúp làm nên chiến thắng? Kinh nghiệm đó có thể giúp Mỹ chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc?

Tại sao Mỹ thắng Liên Xô?

Tờ Foreign Policy của Mỹ mới đây đăng tải bài viết của giáo sư Stephen M.Walt, Trường Hành chính Công Kennedy trực thuộc trường Đại học Havard, phân tích về mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.

Bài viết có tiêu đề "Cuộc Chiến tranh Lạnh ngày hôm qua sẽ chỉ ra cách để đánh bại Trung Quốc ngày hôm nay".

Trong bài viết, giáo sư Stephen M.Walt cho rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc hiện được nhiều người ví như một cuộc "chiến tranh lạnh" mới.

Theo ông, quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng trên mọi phương diện, từ bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông đến cuộc chiến thương mại vẫn chưa có lối thoát.

Bài viết trên Foreign Policy

Bài viết trên Foreign Policy

Tuy căng thẳng Mỹ-Trung và đối đầu Mỹ-Xô có những điểm khác nhau nhưng Mỹ có thể rút ra những bài học hữu ích từ quá khứ và vận dụng chúng để đưa ra các quyết định chính sách ngày nay.

Giáo sư Walt đặt câu hỏi: Tại sao cuối cùng Mỹ lại thắng Liên Xô? Những lợi thế nào giúp làm nên chiến thắng? Các nhà lãnh đạo Mỹ đã khai thác những lợi thế đó như thế nào? Kinh nghiệm đó có thể giúp Mỹ chiếm thế thượng phong so với Trung Quốc trong những thập kỷ tới ra sao? Trả lời cho các câu hỏi này, giáo sư Walt đã rút ra 5 bài học.

Thứ nhất: Hãy chắc chắn có những đồng minh xứng đáng. Theo đó, Mỹ đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh một phần vì nền kinh tế thị trường của Mỹ có quy mô lớn, đa dạng và hiệu quả hơn nền kinh tế tập trung của Liên Xô. Bên cạnh đó, các đồng minh chính của Mỹ cũng giàu có và thịnh vượng hơn các nước đối tác của Liên Xô.

Mặc dù Liên Xô là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào thời đó và có một sức mạnh quân sự đáng “ngưỡng mộ”, song các đồng minh của Liên Xô lại yếu hơn nhiều so với các đồng minh của Mỹ.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ tập trận chung với binh sĩ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ

Bài viết dẫn lại đánh giá của nhà ngoại giao Mỹ George Kannan chỉ ra, chìa khóa dẫn đến thành công lâu dài chính là giữ cho "các trung tâm quyền lực công nghiệp" (ví dụ như Tây Âu và Nhật Bản) đứng trong hàng ngũ của phương Tây và xa rời Liên Xô.

Một trong những mục tiêu trực tiếp của việc thành lập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xây dựng một mạng lưới đồng minh ở châu Á là nhằm tạo đối trọng với Liên Xô, tạo nên một sự vượt trội về quyền lực theo hướng có lợi cho phương Tây.

Ngoài ra, Mỹ đã tận dụng được chính sách “chia để trị”. Đây chính là trường hợp Tổng thống Richard Nixon đã bắt tay với Trung Quốc năm 1972 khiến Moscow bị cô lập thêm.

So sánh với chính sách trong quá khứ, bài viết cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phạm nhiều sai lầm về mặt đối ngoại như rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phát động cuộc chiến thương mại với gần như cả thế giới, kể cả những đồng minh của Mỹ ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), hay việc ông Trump “xúc phạm” các lãnh đạo châu Âu, đe dọa chiến tranh thương mại…

Tổng thống Mỹ D. Trump bị lãnh đạo các nước đồng minh "quây" tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018

Bên cạnh đó, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng được đánh giá là một sai lầm lớn của chính quyền Tổng thống Trump, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Mỹ về độ tin cậy và sáng suốt. Việc Washington để Israel, Saudi Arabia và Ai Cập rảnh tay hành động không giúp Mỹ có được bất kỳ lợi thế chiến lược nào.

Theo đánh giá của giáo sư Walt, Mỹ vẫn phải tài trợ cho quốc phòng châu Âu, trong khi châu Âu mở rộng mạng lưới khách hàng ở Trung Đông và vẫn có lập trường thiếu cứng rắn đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, thay vì “chia để trị “ như trong thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Trump lại đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.

Ngược lại, chính Moscow lại đang áp dụng chính sách "chia để trị" đối với NATO và Liên minh châu Âu (EU). Mỹ dường như đã quên mất bài học quan trọng này của Chiến tranh Lạnh, nhưng các đối thủ của Mỹ thì lại không.

Bài học hay chỉ trích?

Một bài học quan trọng khác được nhắc tới là việc đầu tư vào khoa học, công nghệ và giáo dục. Theo đó, có được một nền kinh tế công nghệ tiến bộ nhất thế giới là một lợi thế vô cùng lớn của Mỹ, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa giúp quân đội Mỹ vượt qua đối thủ Liên Xô.

Bừng tỉnh sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 năm 1957, chính quyền Mỹ đã thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng và tạo điều kiện cho giáo dục trong lĩnh vực quốc phòng.

Giảng dạy ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài để đào tạo những chuyên gia có khả năng giúp hình thành chính sách đối ngoại từng là điểm quan trọng trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vệ tinh Sputnik 1 của Liên Xô

Tuy nhiên, Tổng thống Trump bị đánh giá là có vẻ ít quan tâm đến khoa học, kể cả lĩnh vực môi trường, và từng hai lần tìm cách loại nghiên cứu khoa học khỏi các khoản trợ cấp liên bang.

Về chính sách đối ngoại, giáo sư Walt đánh giá, Tổng thống Trump dường như thấy rằng không cần thiết phải có các chuyên gia để thực hiện các dự án đề ra. Ví dụ điển hình được nêu ra là việc ông Trump bổ nhiệm con rể của mình giữ trọng trách đối ngoại ở Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, vị giáo sư Mỹ đánh giá Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, dù vẫn thua Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã đào tạo một đội ngũ chuyên gia đông đảo để thi hành chính sách đối ngoại, trong khi Mỹ giảm số nhân viên của Bộ Ngoại giao và Tổng thống Trump trông cậy vào những nhân vật không theo ngành đạo tạo phù hợp.

Quân đội Trung Quốc phô diễn lực lượng trong một cuộc duyệt binh quy mô lớn hồi năm 2017

Những kinh nghiệm khác được đề cập trong bài viết gồm: Cởi mở, minh bạch và trách nhiệm; "Thủ thế trong góc võ đài" từng là một chiến lược khôn ngoan; và cuối cùng là kinh nghiệm liên quan tới cái gọi là “giá trị Mỹ”.

Nói về việc “thủ thế”, bài viết đề cập tới cố võ sĩ quyền anh lừng danh Mohamed Ali với chiến lược "thủ thế trong góc võ đài" trước khi phản công đối thủ George Foreman trẻ hơn, cao hơn và mạnh hơn. Ali phản công khi thấy đối thủ bắt đầu kiệt sức, và nhờ chiến lược đó ông đã giành chiến thắng.

Trong những năm 1950, phần lớn đồng minh của Mỹ là những cường quốc công nghiệp. Trong khi đó, các đồng minh của Liên Xô tương đối yếu về kinh tế. Giống như Ali, Mỹ đã “thủ thế”, để Liên Xô sa lầy vào cuộc chiến Afghanistan từ năm 1979.

Nga có đang sa lầy tại Syria?

Theo Giáo sư Walt, bài học rút ra là để đối thủ hao tổn tài chính mà lợi ích thì không nhiều, nhưng Mỹ cũng đừng để bị cuốn vào trường hợp như vậy.

Với bài học này, bài viết cho rằng Tổng thống Trump "ném tiền" của Lầu Năm Góc "qua cửa sổ" để tổ chức lễ diễu binh, tiếp tục gửi lính đến Afghanistan dù đang đàm phán rút quân, hỗ trợ Saudi Arabia tham chiến ở Yemen, suýt gây chiến với Iran…

Giáo sư Walt cho rằng nếu thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang là chiến tranh lạnh, Washington không nên phí thêm thời gian, tiền bạc và mạng sống cho những vấn đề thứ yếu, mà phải tập trung xử lý mối quan hệ song phương quan trọng này.

Tổng thống Trump vẫn chưa hiểu được rằng để chống Trung Quốc quyết liệt hơn nữa thì Mỹ phải bớt gây hấn ở nơi khác và cần vận động những nước khác ủng hộ nỗ lực của Mỹ chứ không phải là đánh lại họ.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-my-tu-hao-ly-do-thang-lien-xo-3385595/