Người Mỹ từng đọc nhiều như nào

Mặc dù việc đọc tiểu thuyết không được coi là một cách sử dụng thời gian hữu ích, người Mỹ vẫn say sưa đọc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock.

Vào cuối thế kỷ XVIII, mục sư Samuel Miller hãnh diện khoe rằng số lượng đầu báo ở Mỹ nhiều hơn 2/3 số lượng đầu báo ở Anh, nhưng dân số Mỹ chỉ bằng một nửa nước Anh.

Năm 1786, Benjamin Franklin quan sát thấy rằng người Mỹ quá bận rộn với việc đọc báo và những cuốn pamphlet (những cuốn sách cỡ nhỏ, ít trang bàn về các vấn đề thời sự) đến nỗi họ hiếm có thời gian dành cho sách. Nhưng họ dường như luôn có thời gian dành cho cuốn American Spelling Book (tạm dịch: Chính tả kiểu Mỹ) của Noah Webster, vì nó đã bán được hơn 24 triệu bản trong giai đoạn từ năm 1783 đến 1843.

Ta không nên bỏ qua lưu ý của Franklin về những tập pamphlet và những tờ broadside (văn bản được in trên khổ giấy lớn dùng để quảng cáo và đưa tin). Alexis de Tocqueville lưu ý đến thực tế này trong cuốn sách Democracy in America (tạm dịch: Nền dân chủ Mỹ) xuất bản năm 1835: "Ở Mỹ, các đảng phái không viết sách để phản bác quan điểm của nhau, họ xuất bản những tập pamphlet - loại tài liệu được lan tỏa trong một ngày với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc và sau đó hết giá trị thông tin".

Ông có ý nhắc đến cả báo chí lẫn pamphlet khi đưa ra nhận xét sau: "Việc phát minh ra súng ống khiến những kẻ lệ thuộc trở nên ngang hàng với tầng lớp quý tộc trên chiến trường, nghệ thuật in ấn giúp mọi tầng lớp được tiếp cận với cùng một nguồn tri thức, bưu điện vận chuyển cùng một loại thông tin tới tận cửa mái nhà tranh cũng như cánh cổng cung điện".

Vào thời điểm Tocqueville đang đưa ra các nhận xét về nước Mỹ, việc in ấn đã lan rộng đến các vùng miền của đất nước. Miền Nam chậm hơn so với miền Bắc, không chỉ trong việc hình thành các trường học mà còn ở việc sử dụng máy in. Trước năm 1736, ở Virginia không có tờ báo nào được xuất bản định kỳ cho đến khi tờ Virginia Gazzette ra đời. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, tốc độ thể hiện quan điểm thông qua tài liệu in ấn diễn ra tương đối nhanh chóng.

Ví dụ, tuyển tập Federalist Papers (tạm dịch: Những bài báo liên bang) gồm tổng cộng 85 bài luận của Alexander Hamilton, James Madison và John Jay (tất cả đều dưới bút danh Publius). Ban đầu, những bài viết này xuất hiện trên một tờ báo New York trong giai đoạn 1787-1788, nhưng được đọc rộng rãi ở miền Nam cũng như miền Bắc.

Khi nước Mỹ bước sang thế kỷ XIX, mọi vùng miền của nó đã hình thành một nền văn hóa hoàn toàn dựa trên các tài liệu in ấn. Từ năm 1825 đến năm 1850, số lượng người đăng ký đến thư viện đọc sách đã tăng gấp 3 lần. Cái gọi là "thư viện thợ máy và người học việc" - nghĩa là thư viện dành cho giai cấp công nhân - cũng nổi lên như một yếu tố thúc đẩy dân trí.

Vào năm 1829, Thư viện Người học việc ở New York có 10.000 cuốn sách, phục vụ 1.600 người học việc. Đến năm 1857, thư viện này phục vụ 750.000 người. Được Quốc hội hỗ trợ hạ giá cước bưu điện vào năm 1851, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các tờ báo giá 1 xu, ấn phẩm xuất bản định kỳ, tài liệu tôn giáo và những cuốn sách đóng bìa giá rẻ. Từ năm 1836 đến năm 1890, 107 triệu bản in McGuffy Reader (đầu sách được sử dụng rộng rãi như sách giáo khoa đầu thế kỷ XX) đã được phân phối đến các trường học.

Mặc dù việc đọc tiểu thuyết không được coi là một cách sử dụng thời gian hữu ích, người Mỹ vẫn say sưa đọc. Về các tiểu thuyết của Walter Scott, được xuất bản từ năm 1814 đến năm 1832, Samuel Goodrich viết: "Việc Walter Scott ra tiểu thuyết mới sẽ khiến nước Mỹ sôi sục hơn cả những trận chiến của Napoleon... Mọi người đều đọc những tác phẩm này, từ những cá nhân trí thức nhất đến những cá nhân giản dị nhất".

Các nhà xuất bản rất nóng lòng muốn cung cấp những cuốn sách có tiềm năng bán chạy. Đôi khi, họ gửi tin báo đến các tàu thuyền chở hàng, cho biết rằng, chỉ trong vòng một ngày, tiểu thuyết mới nhất của Bulwer-Lytton hoặc Dickens đã bị sao chép thành rất nhiều bản. Không có luật bản quyền quốc tế, những bản in vi phạm bản quyền tràn lan mà không có lời phàn nàn nào từ công chúng hay các tác giả được đối đãi như danh nhân.

Khi Charles Dickens đến thăm Mỹ vào năm 1842, người ta tiếp đón ông như cách ta tung hô các ngôi sao truyền hình, siêu sao bóng bầu dục và Michael Jackson. "Tôi không thể tả cho anh sự chào đón mà tôi nhận được", Dickens viết cho một người bạn. "Chưa bao giờ có một vị vua hay hoàng đế nào trên Trái Đất lại được đám đông tung hô đến vậy, được tiếp đón ở những buổi dạ hội và những bữa tiệc tối lộng lẫy, được các cơ quan công quyền nhiều nơi chờ đợi...

Nếu tôi đi ra ngoài bằng xe ngựa, đám đông sẽ vây quanh và hộ tống tôi về nhà. Nếu tôi đi tới rạp hát, mọi người sẽ đồng loạt đứng lên". Một người phụ nữ bản địa, Harriet Beecher Stowe, không được chú ý đến như vậy - và tất nhiên, ở miền Nam, nếu như xe ngựa của bà ấy bị đám đông bao quanh, đám đông đó sẽ không đưa bà ấy về nhà. Tuy nhiên, cuốn Túp lều bác Tom của bà ấy đã bán được 350.000 bản trong năm đầu tiên xuất bản, tương đương với doanh số 4 triệu bản ở Mỹ ngày nay.

Neil Postman & 1980 Books/NXB Thanh niên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-tung-doc-nhieu-nhu-nao-post1416820.html