Người nâng giá trị miểng dừa

Anh Nguyễn Thanh Liêm, 34 tuổi, ngụ tại khu phố 2, thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre là người làm ra những sản phẩm độc đáo và ngộ nghĩnh; trong đó bình trà khổng lồ làm bằng nguyên liệu miểng dừa được công nhận đạt kỷ lục Việt Nam.

Xuất khẩu... miểng dừa sang Mỹ

Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, lúc nhỏ Nguyễn Thanh Liêm vừa học, vừa bán bánh mì dạo hoặc đẩy xe ba gác mua bán miểng gáo dừa. Tốt nghiệp phổ thông, Liêm thi vào trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng với hy vọng sẽ tiếp nối nghề sửa chữa máy nổ của cha nhưng rồi bị trượt. Là anh lớn trong gia đình, Liêm đành phải đi học nghề để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 3 đứa em. Nghề của Liêm học bấy giờ là thợ tiện và chạm khắc gỗ. Năm 1993, anh ra nghề và mở tiệm ngay tại nhà, chuyên gia công chạm khắc hoa văn cho bàn ghế, tủ thờ, giường ngủ bằng gỗ...

Năm 2001, có một người Việt định cư tại Mỹ trong một lần về TP.HCM đã xuống tận cơ sở của anh Liêm ở Mỏ Cày để tham quan và đặt vấn đề hợp tác. Khi về Mỹ, ông đã gửi sang một số mẫu bằng sành, sứ và đặt anh làm bằng miểng dừa với số lượng ít để đưa sang Mỹ bán thử. Thấy bán được, vị khách này đã quay trở lại VN ứng trước vốn cho anh để sắm thêm thiết bị, máy móc và tăng dần lượng hàng xuất sang Mỹ.

Túi xách phụ nữ làm bằng miểng dừa - Ảnh: H.P

Từ số lượng mỗi lần 5-10 thùng đi bằng đường hàng không, chuyển sang đi đường tàu với số lượng tính bằng container. Sau gần 10 năm, vị khách này vẫn còn đặt hàng xuất sang Mỹ hàng trăm mẫu mã, với giá trị hợp đồng hơn một tỉ đồng mỗi năm. Cứ vài tháng là cơ sở của Liêm lại chuyển đi một container và mặt hàng đang bán chạy nhất là móc khóa, túi xách, bóp phụ nữ bằng... miểng gáo dừa.

“Bí quyết” để thành công

Thông qua nhiều đơn vị khác, cơ sở của anh Liêm cũng xuất hàng đi nhiều nước với doanh thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Hiện đơn giá bán sỉ sản phẩm thấp nhất là 3.000 đồng/món (móc khóa) và cao nhất là 150.000 đồng/bộ bình trà. Với 8 lao động trực tiếp tại xưởng và hơn 100 lao động ở một số nơi mà chủ yếu là phụ nữ, anh Liêm cho biết mỗi lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ 20.000 đồng/ngày trở lên. Riêng số lao động tại xưởng, người có thu nhập cao nhất là 2 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh Liêm thật lòng: “Lúc đầu tôi cứ tưởng ngành nghề này đơn giản nhưng thực ra thì cạnh tranh rất quyết liệt. Ngoài kỹ thuật sắc sảo và óc sáng tạo, theo tôi còn có chiến lược kinh doanh. Cụ thể là lúc nào tôi cũng phải nghĩ tới mặt hàng mới, mẫu mã mới. Phải thường xuyên thăm dò thị trường và làm xong mặt hàng này thì chuẩn bị ngay mặt hàng kế tiếp. Thậm chí, khi tung ra mặt hàng mới thì phải chuẩn bị sẵn số lượng lớn. Nếu không, chỉ trong vài ngày sẽ bị... ăn cắp mẫu mã ngay, trở tay không kịp”.

Cũng theo anh Liêm thì ngoài mẫu mã đẹp còn phải chú trọng đến nguyên phụ liệu. Chẳng hạn như: vải, dây kéo, chỉ may, phải sử dụng loại tốt và có độ bền cao. Ngay cả khi mua dừa cũng phải cẩn thận, chọn những cây có tuổi từ 70 năm trở lên. Theo anh Liêm thì ngoài đặc điểm da xù xì, những cây dừa từ 70 năm trở lên có dăm màu đen hoặc đỏ trong khi những cây dừa ít tuổi hơn thì dăm màu trắng.

Xưa nay ở vùng quê, những cây dừa già cỗi, không còn cho trái, thường bị đốn bỏ để bắc cầu hoặc xẻ ra làm vách đối với gia đình nghèo, vì không còn giá trị. Còn bây giờ, chỉ với 2-3m thân cây dừa phần gốc, người dân có thể bán được hàng trăm ngàn đồng theo giá từ 90.000 - 120.000 đồng/m dài. Còn miểng dừa, thay vì bị bỏ hoặc làm chất đốt, nay người dân có thể bán với giá 1.500 đồng/kg.

Hoàng Phương

Nguồn Tiền Phong: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200913/20090323160634.aspx