Người nặng lòng với nghệ thuật chèo

ề khu Bình Lục Thượng, phường Hồng Phong (TX Đông Triều), nhắc đến tên bà Môn hát chèo, tất cả người dân nơi đây đều biết. Dù đã 75 tuổi, Nghệ sĩ Vùng mỏ (NSVM) Nguyễn Thị Kim Môn vẫn rất say sưa và mong muốn gìn giữ được những tinh túy nhất của làn điệu chèo để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân dân gian - NSVM Nguyễn Thị Kim Môn, người luôn nặng lòng với bộ môn nghệ thuật chèo.

Nghệ nhân dân gian - NSVM Nguyễn Thị Kim Môn, người luôn nặng lòng với bộ môn nghệ thuật chèo.

"Lửa" nghề luôn rực cháy

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật chèo vẫn in dấu sâu đậm với người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhắc đến chèo ở Quảng Ninh, mọi người thường nghĩ ngay đến quê hương Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc hẹn gặp với bà Nguyễn Thị Kim Môn - người vẫn luôn giữ "lửa" nghề cho bộ môn nghệ thuật này.

Hẹn gặp bà Môn trong một ngày nắng hè oi ả, khi bà đang tất bật hướng dẫn vở chèo mà bà mới viết cho những thành viên trong CLB Dân ca chèo của TX Đông Triều. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghệ thuật chèo, bà Môn phấn khởi trút bầu tâm sự về cái “nghiệp” mà bà đã theo đuổi và gắn bó hơn nửa đời người.

Vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng đôi mắt bà Môn có sức hút mãnh liệt, dường như chinh phục mọi khán giả yêu chèo. Điều đáng trân trọng nhất ở người phụ nữ này chính là "lửa" nghề với chèo, sự say mê, sáng tạo trong nhiều vai diễn, không kể già, trẻ, chính, phụ. Bà Môn luôn tìm ra những cách riêng để tôn lên hình tượng các nhân vật trong nhiều vở diễn.

Bà Môn sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp ca hát, nhưng người truyền sự yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo chính là mẹ của bà. “Mẹ là người thầy đầu tiên của tôi, khiến tôi đam mê với nghệ thuật chèo. Từ những ngày còn thơ bé, tôi được nghe mẹ hát trống quân, hát chèo, những làn điệu đó đã ngấm sâu vào tôi từ lúc nào không biết. Dần dần, tôi nhận ra mình có đam mê thực sự với bộ môn nghệ thuật này, nên đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương” - Bà Môn tâm sự.

Năm 1960, bà Môn tham gia vào Đoàn nghệ thuật chèo của Đông Triều. Nơi đây cũng chính là “cái nôi” đã giúp bà thêm gắn bó với chèo, dành cả cuộc đời để cống hiến hết mình vì nó. Cũng tại đây, bà đã được 2 người thầy là cụ Nguyễn Ngọc Diệp và Nguyễn Minh Tá trực tiếp dạy hát chèo một cách bài bản (nay 2 cụ đã mất). Với sự nhanh nhạy và với niềm đam mê sẵn có, bà Môn nhanh chóng học được nhiều kỹ năng của nghệ thuật chèo. Từ đó, bà đã cùng Đoàn nghệ thuật chèo của thị xã đi biểu diễn nhiều nơi và luôn dành được sự yêu mến của người xem.

Bà Môn say sưa với những làn điệu chèo.

Bà kể: “Thời xưa còn khó khăn lắm, đi biểu diễn chủ yếu là cho bộ đội xem. Giữa lúc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, đoàn văn công chúng tôi vẫn tích cực đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhằm cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Lúc ấy, chúng tôi mới mười tám đôi mươi, dù không có phương tiện để đi lại, nhưng vẫn cố gắng đem lời ca tiếng hát của mình động viên, khích lệ tinh thần của quân và dân trên quê hương Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Thậm chí, chúng tôi còn phải đẩy máy nổ bằng xe bò, khiêng tăng âm trèo đèo, lội suối đi biểu diễn. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng chúng tôi luôn tự động viên nhau, phải đóng góp chút ít gì đó giúp các chiến sĩ biến khó khăn thành sức mạnh, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước”.

Ngỡ rằng bà Môn được đào tạo bài bản về bộ môn nghệ thuật này qua trường lớp chính quy, nhưng thực tế, bà đến với chèo là vì niềm đam mê và tự học hỏi, tự tìm hiểu. Đặc biệt, khi chất chèo đã ngấm vào “máu thịt”, ngoài say sưa với những câu hát, bà còn tự sáng tác những làn điệu chèo để các thành viên trong CLB Dân ca chèo của thị xã tập luyện, cũng như tham gia nhiều hoạt động, chương trình biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Tính đến nay, bà Môn đã sáng tác được khoảng 50 bài hát chèo với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Các tác phẩm do bà sáng tác đều được sự yêu mến, đón nhận của công chúng và dành được nhiều giải cao tại các hội diễn văn nghệ của thị xã cũng như của tỉnh.

Đã 75 tuổi, bà Môn vẫn miệt mài hướng dẫn những làn điệu chèo cho các thành viên trong CLB Dân ca chèo TX Đông Triều.

Gìn giữ chiếu chèo quê

Lời hát nồng nàn của bà Môn đã chạm đến từng cung bậc cảm xúc của người được thưởng thức. Chẳng cần cầu kỳ, quần lụa, áo the, trống phách đủ đầy mới có thể biểu diễn, bà Môn có thể hát chèo, múa chèo mọi lúc, mọi nơi. Với bà, đâu cũng có thể là sân khấu.

Cũng bởi lẽ đó, bà Môn luôn tìm cách bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương, để tiếng chèo luôn là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.

“Chèo bây giờ khác trước nhiều, có thiết bị điện tử hiện đại hỗ trợ rất nhiều. Nhưng để thổi được cái hồn vào từng lời ca, tiếng hát, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hát tròn vành, rõ chữ, đúng nhịp phách, biết cách luyến láy, biết lấy hơi, giữ hơi... Hát chèo còn đi liền với các động tác múa, điều này sẽ bổ trợ cho bài hát thêm phần sinh động.” - Bà Môn chia sẻ.

Với tâm thế của người nghệ sĩ biểu diễn, bà Môn không chỉ cống hiến cho nghệ thuật chèo những vai diễn đáng nhớ, ngay cả khi đã ở tuổi xế chiều, bà vẫn miệt mài truyền lại niềm đam mê ấy cho thế hệ mai sau.

Bà Môn trăn trở: "Các làn điệu chèo cổ vốn kén người nghe, trong khi ở khu vực nông thôn như chúng tôi thì chủ yếu là truyền miệng từ người này sang người khác, có thể vì thế mà nhiều người dễ quên lãng. Nghệ thuật chèo quý là vậy, nhưng để gìn giữ được thì thật là khó. Không chỉ riêng tôi mà những người đam mê chèo ở đây rất muốn truyền lại cho thế hệ sau những làn điệu chèo cổ, sợ rằng mai này khi những người như chúng tôi không còn, sẽ chẳng có ai kế thừa và phát huy nữa".

Để bảo tồn, duy trì nghệ thuật chèo, những thế hệ gạo cội như bà Môn vẫn đang miệt mài sáng tác lời bài hát mới cho phù hợp với thế hệ ngày nay. Bà nói: "Là người lưu giữ những tích chèo cổ của quê hương, tôi cũng tự tìm hiểu, nghiên cứu và chấp bút để ghi chép, truyền lại cho các thế hệ con cháu. Người dân nơi đây yêu chèo lắm, mọi người hát chèo là để gìn giữ những giá trị văn hóa của quê hương và khao khát được truyền lại cho đời sau."

Tạm biệt ra về, bên tai chúng tôi những lời ca, tiếng hát của bà Môn và các thành viên trong CLB Dân ca chèo TX Đông Triều vẫn ngân vang. Chúng tôi dường như thấu hết những lời tâm sự của người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để theo đuổi nghệ thuật chèo truyền thống. Bà Môn luôn sát cánh cùng những làn điệu chèo, ngay cả khi bộ môn nghệ thuật này đã qua giai đoạn “thịnh” trên sân khấu. Trăn trở, hiểu được cái khó của chèo trong đời sống nghệ thuật ngày nay, bà Môn vẫn không ngừng cống hiến với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật chèo truyền thống.

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202008/nguoi-nang-long-voi-nghe-thuat-cheo-2497955/