Người nặng lòng với sự nghiệp 'trồng người'

Là giáo viên người dân tộc Khmer đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, sau khi nghỉ hưu, thầy Lâm És vẫn nặng lòng với công tác khuyến học.

Nhà giáo nhân dân Lâm És trong một đợt trao học bổng cho học sinh.

Là giáo viên người dân tộc Khmer đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, sau khi nghỉ hưu, thầy Lâm És (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng) vẫn nặng lòng với công tác khuyến học.

Tận tâm

Thầy Lâm És sinh năm 1940, ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) trong một gia đình nông dân Khmer. Thuở nhỏ, thầy rất ham học, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1978, thầy về công tác tại Phòng phổ thông thuộc Ty Giáo dục tỉnh Hậu Giang. Cũng từ năm đó, thầy bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khmer-Việt cho học sinh phổ thông. Đó chính là ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao năm nay mới thực hiện được.

Bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Khmer do thầy chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ SGK được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer cho đến nay. Ngoài ra, thầy Lâm És còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng toàn quốc.

Tính đến nay, thầy Lâm És có 53 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: Bộ sách ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ Tiểu học đến THCS; Bộ sách dành cho trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; Giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở trường Trung học sư phạm, CĐSP; Tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ… Đặc biệt, từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy.

Đánh giá về những bộ sách chữ Khmer do thầy soạn thảo, TS. Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer ở Nam Bộ”.

Không chỉ tập trung đầu tư cho biên soạn sách, thầy Lâm És còn thường xuyên tham gia dạy lớp ngữ văn Khmer cho những nơi có nhu cầu. Mong muốn của thầy là đem kiến thức cho mọi người dân Khmer để bà con nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Trong thời gian công tác, thầy Lâm És là tấm gương cho tinh thần nỗ lực vươn lên. Thầy vừa học vừa làm và hoàn thành chương trình Đại học sư phạm ngữ Văn hệ tại chức tại Đại học Cần Thơ. Năm 1992, khi tách tỉnh, thầy được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho đến khi về hưu. Không chỉ giỏi tiếng Khmer, tiếng Việt, thầy còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Mỗi khi ở Sóc Trăng có tổ chức các loại hình sinh hoạt ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, thầy luôn tham gia đầy đủ, giao lưu bằng tiếng Pháp với mọi người.

Tháng 6/2003, thầy Lâm És nghỉ hưu. Hưu nhưng không nghỉ, thầy tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thầy luôn có mặt ở nhiều địa phương, quan tâm đến công tác khuyến học, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ trên 65 tỷ đồng cho quỹ học bổng “Lương Định Của”, chương trình “Tiếp bước cho em đến trường”, học bổng “Dương Kỳ Hiệp”, học bổng “LawrenSting”, học bổng “Vì em hiếu học”, chương trình “Thêm một cuộc gọi, thêm một trang vở”, học bổng EPE (Pháp)…; trao hàng trăm ngàn quyển tập, hàng ngàn suất học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó học tốt; thưởng cho hàng trăm giáo viên vượt khó dạy giỏi; đồng thời vận động nhân dân hiến trên 300.000m2 để xây dựng trường học.

Là sinh viên được nhận học bổng từ Hội Khuyến học tỉnh, bạn Nguyễn Thanh Tùng (Đại học Cần Thơ) cho biết: “Chúng em là sinh viên nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con đường học tập gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ học bổng của Hội Khuyến học, trong đó có vai trò rất lớn của thầy Lâm És mà chúng em bớt đi một phần nào khó khăn để nuôi ước mơ được đi học, được đến trường. Chúng em xin hứa sẽ ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng với sự tin tưởng và giúp đỡ của mọi người”.

Tấm gương sáng

Khi tôi hỏi trăn trở nhất của thầy hiện nay là gì thì thầy nói nhanh: “Thầy luôn đau đáu về về những học sinh, sinh viên nghèo ở vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa được hỗ trợ, giúp đỡ thỏa đáng như tâm nguyện của mình. Thầy từng tâm niệm còn sức khỏe sẽ còn cống hiến cho cuộc đời nên thầy nghĩ, tuổi tác có thể cao, sức khỏe có thể bị giảm sút nhưng trái tim thầy chưa bao giờ bị già đi. Thầy sẽ tiếp tục đồng hành với công tác khuyến học, sẽ làm hết khả năng của mình để giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như thầy thuở bé được tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường, thực hiện những ước mơ tươi sáng cho tương lai”.

Ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tâm sự: “Thầy Lâm És là tấm gương sáng về sự cống hiến to lớn cho ngành giáo dục nói chung, cho giáo dục trong đồng bào Khmer nói riêng. Sau khi nghỉ hưu, thầy lại tiếp tục đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh. Hàng ngàn suất học bổng của Hội Khuyến học đã chắp cánh cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập. Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao những đóng góp của thầy cho ngành giáo dục tỉnh nhà”.

Cả một đời trọn nghĩa vẹn tình với ngành giáo dục, thầy Lâm És vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1994), Nhà giáo Nhân dân (2002), Huân chương Lao động hạng Ba (2008); trên 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng,…

Cao Xuân Lương

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nguoi-nang-long-voi-su-nghiep-trong-nguoi-post21581.html