Người nâng tầm một tổ chức

Tấm gương sáng về trí tuệ, sự năng động sáng tạo, sâu sát thực tế và tinh thần hết lòng vì sự phát triển của nông nghiệp, sự giàu có của nông dân và sự phồn vinh, tiến bộ của nông thôn… của 'người anh cả' ngành nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu sẽ mãi mãi là hành trang quý giá để cán bộ, hội viên cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển, đưa đất nước tiến lên.

Ông Nguyễn Ngọc Trìu thăm vườn cây cho hiệu quả kinh tế cao ở Thái Bình

Vẫn biết không ai có thể sống mãi nhưng khi nghe đồng chí Chánh văn phòng Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) thông báo, bác Trìu mất rồi, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, vì mới cách đây ít ngày, Chi bộ tổ chức Lễ trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bác, tuy tuổi đã cao (90 tuổi) và bệnh nhưng bác vẫn đến dự để nhận sự ghi nhận hơn 70 năm cống hiến cho Đảng, cho Dân của mình.

Thế là người chiến sĩ cách mạng giàu lòng nhân ái, nặng lòng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năng động sáng tạo trong công việc, sâu sát thực tế - Cụ Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV-V-VI, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nguyên Chủ tịch HLVVN đã đi xa.

Tôi là thế hệ sau, chỉ được tiếp xúc và gần gũi bác khi bác về làm Chủ tịch HLVVN năm 1992. Tuy vậy, trong hơn 20 năm được ở gần bác, tôi học hỏi được nhiều điều ở “người anh cả” của ngành nông nghiệp hiện nay, người ủng hộ đề xuất và sau đó là người lãnh đạo HLVVN thông qua những chuyến đi thực tế với bác và qua những câu chuyện bác hoặc lãnh đạo các địa phương hoạt động thời bao cấp, “khoán 100” rồi “khoán 10” giờ về “Làm vườn” kể.

Khi HLVVN mới thành lập, nhiều người trong xã hội cho rằng, HLV là của mấy ông già “về vườn” (với quan niệm, “về hưu” là “về vườn” - NV). Khi đó, đi đến đâu, nói chuyện với lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo và hội viên HLV các cấp, ngoài những vấn đề về vai trò của mô hình kinh tế VAC trong tăng dinh dưỡng cho bữa ăn, tăng thu nhập cho gia đình nông dân, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; trong tận dụng đất đai, lao động, vốn liếng, góp phần tái cơ cấu và nối dài tay cho ngành nông nghiệp… bác đều nhấn mạnh thêm: Quan niệm “về hưu” giống “về vườn” là không đúng. Xưa dùng từ “về vườn” là để chỉ những ông quan bất đồng quan điểm hoặc không được trọng dụng hoặc mắc lỗi mà phải về địa phương. Còn các đồng chí lớn tuổi công tác tại HLV hiện nay là những đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đến tuổi phải nghỉ theo quy định của pháp luật nhưng thấy sức mình còn, trí tuệ mình có, muốn giúp Dân, giúp nước nên tham gia Hội.

Nói về HLV, ông luôn nhấn mạnh, Hội là tổ chức quần chúng tự nguyện, do vậy công tác vận động quần chúng là đặc biệt quan trọng. Để vận động quần chúng làm theo thì phải giúp họ thấy được hiệu quả, lợi ích khi tham gia Hội, vì vậy song song với tuyên truyền thì phải xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật.

Khi HLV mới ra đời, mô hình kinh tế VAC cũng rất đơn sơ. Chỉ là vườn rau, vườn quả, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, ao cá quanh nhà, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bữa ăn nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của gia đình nên quy mô thường nhỏ hẹp.

Sau khi đi thực tế nắm bắt tình hình, ông khuyến cáo, muốn tăng thu nhập, làm giàu thì phải mở rộng quy mô sản xuất, ở trung du miền núi phải phát triển vườn đồi, vườn rừng, ở đồng bằng phải đưa vườn ra đồng, ở thành phố có thể phát triển vườn chậu, vườn giàn, vườn treo, vùng trũng có thể làm vườn ụ,… Từ những chỉ đạo của bác, phong trào làm vườn ngày càng mở rộng về quy mô, vùng sản xuất hàng hóa hình thành. Và làm vườn (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản) từ HLV lan tỏa sang thành hoạt động quan trọng của các tổ chức xã hội chính trị (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh), vào cả nhà chùa, trường học, nhà thờ,… Không chỉ có vậy, mô hình kinh tế VAC được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc khuyến cáo và áp dụng tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi.

Bằng việc liên tục tổ chức tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho hội viên tham quan những mô hình hiệu quả, nên kỹ thuật nghề VAC của hội viên được nâng cao, nhờ đó họ có thu nhập cao hơn các hộ khác tại địa phương. Đó là lý do về sự phát triển nhanh chóng của tổ chức hội quần chúng tự nguyện, hoạt động không có sự hỗ trợ thường xuyên về tài chính của Nhà nước. Số lượng hội viên tăng nhanh chóng, từ 125 hội viên ở 12 xã, 4 huyện, 4 tỉnh thành phố khi thành lập đã phát triển lên gần 1 triệu hội viên hiện nay ở gần 7000 xã, trên 500 huyện. “Là tổ chức thành viên đông hội viên nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật”, cố Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vũ Tuyên Hoàng nhận xét. Thành phần hội viên vô cùng đa dạng, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, thành phần xã hội. Không chỉ nông dân, người về hưu mà cả thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, trí thức, nhà sư, chức sắc tôn giáo, các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp, doanh nhân,..

Chính bởi vậy, cụ Đặng Vũ Khiêu, một nhà văn hóa tặng ông câu đối ở hai giai đoạn khác nhau nhưng tất cả đều toát lên một ý nghĩa, đây là người vì sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể là, “Dĩ nông vi bản tân Công Trứ; Đãi sĩ như kim tiểu Mạnh Thường” khi ông là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và “Danh vọng hão huyền như mây khói; Làm vườn cây trái để ngàn năm” khi là Chủ tịch HLVVN. Sinh thời ông vẫn nói giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương được Đảng, Nhà nước tặng cũng quý vì đó là sự ghi nhận của tổ chức nhưng lời khen của người dân, sự đánh giá của người dân mới là phần thưởng cao quý nhất.

Tấm gương sáng về trí tuệ, sự năng động sáng tạo, sâu sát thực tế và tinh thần hết lòng vì sự phát triển của nông nghiệp, sự giàu có của nông dân và sự phồn vinh, tiến bộ của nông thôn… của “người anh cả” ngành nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu sẽ mãi mãi là hành trang quý giá để cán bộ, hội viên cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển, đưa đất nước tiến lên.

Nguyễn Anh Tuấn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nguoi-nang-tam-mot-to-chuc-post10270.html