Người 'nặng tình' với du lịch làng nghề

Ở Hà Nội, nhắc đến các địa điểm du lịch là người ta nghĩ ngay đến các làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Duyên Thái, khảm trai Ngọ Hạ, lụa Vạn Phúc…Thế nhưng ít ai biết rằng, để các làng nghề du lịch phát triển như hiện nay, là sự đóng góp từ các tập thể, cá nhân, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông Lại Hồng Khánh - nguyên Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây.

Đưa du lịch làng nghề vào “quỹ đạo”

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng làng Đại Đồng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội)., ông Khánh có một tuổi thơ tận khổ. Sau những tháng ngày bươn chải lận đận, ông Khánh đã gặp được ánh sáng cách mạng và lý tưởng sống cống hiến, sống tận thương với đời. Từng là giáo viên, là chiến sĩ quân giải phóng tham gia chiến đấu gần 10 năm tại chiến trường Đông Nam Bộ…Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1975, ông Khánh về nhận công tác trong ngành giáo dục huyện Phú Xuyên, rồi được phân công đảm nhiệm Chánh Văn phòng UBND, Chánh văn phòng Huyện ủy; Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Phú Xuyên.

Du lịch làng nghề giúp người dân tăng thêm thu nhập

Năm 1997, ông Khánh tiếp tục được điều động về làm Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây. Năm 2000, ông chính thức được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây; năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, ông Khánh được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu… Đối với ông, lúc ấy du lịch là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, xa lạ. Song với bản lĩnh của một người lính, ông đã “xung trận” quyết liệt, không ngừng tìm tòi cái mới, luôn trăn trở và học hỏi những người đi trước, bạn bè đồng nghiệp, tìm đọc nhiều sách vở để tìm ra hướng đi du lịch Hà Tây làm sao phải thật xứng tầm với tiềm năng du lịch đang có.

Khi ấy, ông đã “hiến kế” với UBND tỉnh Hà Tây cũ 3 phương án được coi là “trọng pháo” để phát triển “Du lịch làng nghề”. Từ đấy, du lịch làng nghề bắt đầu hình thành một thương hiệu riêng biệt mà trong đó hơn ai hết ông trở thành là “người lính” người đi tiên phong, người khởi xướng cho sự phát triển du lịch làng nghề. “Thú thật mới đầu gây dựng thương hiệu là một bài toán vô cùng khó khăn. Bao nhiêu việc phải lo lắng, từ khâu lên ý tưởng đến thiết kế logo, tìm địa điểm để trưng bày cho các làng nghề. Nhưng tôi tự nhủ, cần phải mạnh mẽ, dù khó khăn, vất vả thế nào cũng phải thực hiện cho bằng được. Cuối cùng, cứ làm, làm chậm rãi từng khâu một cho đến khi thành công tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Khánh kể.

Sau nhiều năm sống và đi khắp các vùng quê Hà Tây, ông Khánh dần thấm thía một điều rằng, Hà Tây là một mảnh đất không những phong phú về truyền thống văn hóa mà giàu tiềm năng du lịch. Ông bảo, phát triển du lịch làng nghề với ông là một câu chuyện dài kể mãi không bao giờ hết. Thời gian còn làm Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây ông đã mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh Hà Tây cũ 3 ý tưởng mà ngành du lịch cần phải tập trung khai thác, bởi nó sẽ là đòn bẩy, tạo ra một cú hích, một bước đột phát lớn trong chiến lược phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Đó là du lịch theo hướng di tích lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; du lịch làng nghề.

Ông Khánh lý giải, đối với du lịch lịch sử, tỉnh Hà Tây có đến hàng trăm di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó phải kể đến 11 di tích nổi bật nằm trong hệ thống những di tích đặc biệt quan trọng như chùa Hương, chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, Đình Tây Đằng… cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với hàng trăm lễ hội mang tầm cỡ quốc gia. Còn đối với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí ở khu vực tỉnh Hà Tây lại chủ yếu tập trung ở vùng đất Ba Vì với các điểm thắng cảnh du lịch như Ao Vua, Khoang Xanh, Tản Đàn, Hồ Tiên Sa, Suối Mơ, vùng đất Mỹ Đức có Chùa Hương và Quan Sơn…

Ông Lại Hồng Khánh (đứng giữa) - người đưa khái niệm du lịch làng nghề đến gần hơn với mọi người

“Từ những tiềm năng đó, tôi mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh Hà Tây để tìm ra hướng phát triển cho làng nghề truyền thống chứ nhiều lúc nhìn các nghệ nhân làm lụng vất vả, các mặt hàng đẹp mắt, có sức cạnh tranh cao mà không biết tiêu thụ ở đâu tôi xót xa lắm, trong khi đó chúng ta có quá nhiều tiềm năng để có thể xây dựng một thương hiệu độc lập, thậm chí vươn tầm thế giới. Vì thế, cần phải biến làng nghề thành điểm đến du lịch hấp dẫn, du khách có thể đến thăm quan ngay tại chỗ, cảm nhận tại chỗ, mua sản phẩm tại chỗ. Qua đó tạo ra hơi thở mới cho làng nghề phát triển”, ông Khánh chia sẻ.

Đổi thay từ du lịch làng nghề

Để tạo bước đột phá, năm 2001, ông Lại Hồng Khánh đã trực tiếp đề xuất chương trình về du lịch làng nghề với UBND tỉnh và Tổng cục Du lịch với tên gọi là “Hội du lịch làng nghề tỉnh Hà Tây lần thứ nhất”. Tuy nhiên, lúc bấy giờ dường như khái niệm “Du lịch làng nghề” vẫn là một cái gì đó rất mới lạ đối với mọi người, bởi lẽ chưa có mô hình và chưa có khái niệm cụ thể, rõ ràng.

Biểu tượng (logo) của Hội du lịch làng nghề Hà Tây là hình ảnh 3 dải lụa, sóng lượn hình chữ S ( tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam). Với một dải lụa màu đỏ, tượng trưng cho du lịch lịch sử văn hóa; dải lụa thứ hai là màu xanh, tượng trưng cho du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; dại lụa thứ ba, màu vàng tượng trưng cho du lịch làng nghề. Phía trên 3 dại lụa đó là hình tượng nón làng Chuông quen thuộc của người dân xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Nhìn một cách bao quát, có thể hình dung logo gần giống với một cô gái cái đẹp, khoác lên mình chiếc áo tứ thân lộng lẫy, mớ ba mớ bảy.

Sản phầm làng nghề truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các chương trình du lịch, hội chợ làng nghề

Trong lần tổ chức đầu tiên, mỗi làng nghề có một gian hàng để trưng bày sản phẩm truyền thống, đồng thời tổ chức không gian ẩm thực làng nghề; không gian làng nghề, linh hồn làng nghề, tạo sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nhiều làng quê trong cả nước và du khách thập phương đến tham quan, thưởng thức và khám phá. Chương trình “Hội du lịch làng nghề Hà Tây lần thứ nhất” ngày ấy thành công ngoài sức tưởng tượng, tạo tiếng vang lan tỏa khắp nơi. Nghe tiếng, nhiều địa phương cũng lặn lội cất công tìm đến để học hỏi kinh nghiệm về mô hình tổ chức, cũng kể từ đó khái niệm “Du lịch làng nghề” bắt đầu hình thành và trở thành một thương hiệu sâu rộng trong cả nước…

Tạo được nhiều sự thành công như vậy, ông Lại Hồng Khánh lại nói rất ít về những việc mình làm. Thế nhưng chúng tôi biết, với chừng đó thời gian và sức cống hiến ông đã thực sự để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt nhân dân các làng nghề. Bây giờ nhìn cơ sở hạ tầng ngày càng được củng cố; làng nghề có thêm nhiều điều kiện để phát triển; khác du lịch nước ngoài ngày càng đông, đến tham và mua sản phẩm làng nghề ngày càng nhiều. Đã có nhiều chuyên luận, nhiều đề tài, công trình khoa học nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà sử học, nhà kinh tế về phát triển du lịch làng nghề.

Mặc dù du lịch làng nghề đã phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên nhìn chung, loại hình du lịch làng nghề Việt Nam còn phát triển manh mún, tự phát và chưa xứng tầm với tiềm năng. Chính vì thế, vấn đề tìm và ứng dụng các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở nước ta là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành như các cơ quan quản lý văn hóa. Vì nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-nang-tinh-voi-du-lich-lang-nghe-78836.html