Người nghệ nhân mê đóng ghe ngo

Từ lòng yêu thích đua ghe ngo, ông Kim Crụp, ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cố gắng học cách thiết kế và trở thành thợ đóng ghe ngo. Những chiếc ghe ngo do ông Kim Crụp đóng đều có thành tích trong các lần thi đấu nên cái tên 'Kim Crụp đóng ghe ngo' nổi tiếng trong và ngoài tỉnh trong nhiều năm qua.

Ông Kim Crụp bên ghe ngo chùa Pôthi Thlâng, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: ĐA LIN

Đến trung tâm huyện Kế Sách hỏi ông Kim Crụp ai cũng biết, bởi vì khi còn trẻ ông vốn là một vận động viên và tay thổi còi nổi tiếng trong đội ghe ngo chùa Pôthi Thlâng, xã Thới An Hội. Đây là một trong những đội ghe ngo có nhiều thành tích nhất của huyện Kế Sách. Từ lòng yêu thích môn thể thao đua ghe ngo, ông đã tìm đến huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang học cách đóng ghe ngo. Sau hơn một năm theo học, ông đã mở trại đóng ghe ngo và mời ông Huỳnh Rớt người đóng ghe ngo nổi tiếng ở Kiên Giang về Sóc Trăng cùng nhau hợp tác. Từ đó, ông bắt đầu đóng ghe ngo chùa Pôthi Thlâng và ghe ngo tham gia thi đấu đạt được giải nhì của tỉnh.

Tiếng lành đồn xa, cái tên “Kim Crụp đóng ghe ngo” được các tỉnh, thành biết đến và tìm đến. Ông Kim Crụp cho biết: “Đóng ghe ngo khác với đóng ghe bình thường vì các cây đóng ghe ngo chỉ lấy phần vỏ cây, còn phần ruột thì bỏ. Cây đóng ghe ngo có tuổi thọ càng lớn thì càng tốt nên khó nhất là đi mua cây làm gỗ đóng ghe. Tôi đóng ghe đa số dùng cây sao nên ghe có độ bền, sử dụng được lâu năm”. Gỗ đóng ghe ngo là gỗ sao và để có cây sao tốt, chất lượng để đóng ghe, ông Kim Crụp phải đi nhiều tỉnh như: An Giang, Tiền Giang, thậm chí là sang nước bạn Campuchia để mua về đóng. Đến giờ, ông Kim Crụp cũng không nhớ là mình đã tham gia đóng ghe ngo cho bao nhiêu chùa, ông chỉ nhớ đóng ghe ngo cho tỉnh Trà Vinh là nhiều nhất. Ông Kim Crụp nói: “Ghe ngo Càng Long của tỉnh Trà Vinh có thành tích suốt 15 năm qua là do tôi đóng. Ghe ngo tốc độ nhanh hay chậm ngoài người bơi thì cách lựa chọn cây cần câu cũng rất là quan trọng. Ghe ngo có độ dài từ 30 đến 32m nên cây chọn làm cần câu phải có độ tuổi nhiều năm và đem về phải phơi trong nhà từ 1 đến 2 năm cho cây khô thì mới cột làm cần câu ghe ngo".

Vừa là vận động viên bơi, huấn luyện viên ghe ngo, ông Kim Crụp vừa hiểu rất rõ về ghe ngo. Khi đóng ghe ngo, ông tỉ mỉ từng bảng vẽ, chọn ván đóng ghe nên mỗi chiếc ghe đều có độ bền, chất lượng về tốc độ. Vào những năm 90, ghe ngo chùa Pôthi Thlâng do ông đóng từng nổi tiếng nhất của làng đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng và quốc tế. Ông Kim Crụp và đội ghe ngo Pôthi Thlâng từng tham gia hội thi đua ghe ngo quốc tế do nước Thái Lan tổ chức và đạt thành tích cao. Hiện nay, ghe ngo chùa Pôthi Thlâng có thành tích quốc tế. Ông Kim Crụp tâm sự: “Ghe ngo là môn thể thao truyền thống của dân tộc Khmer và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên đây là niềm tự hào. Bản thân tôi là thợ đóng ghe ngo nên càng tự hào hơn về môn thể thao của dân tộc Khmer, nó đã được lưu giữ và phát triển đến nay”.

ĐA LIN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-nghe-nhan-me-dong-ghe-ngo-57588.html