Người nghệ sĩ ghi lại chiến tranh bằng những bức ảnh

Đó là cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trương Thái, một tay máy Quảng Ninh gắn liền với rất nhiều bức ảnh hào hùng về Vùng mỏ những năm tháng chiến tranh.

Di ảnh NSNA Trương Thái.

Di ảnh NSNA Trương Thái.

NSNA Trương Thái là hội viên Hội NSNA Việt Nam, tước hiệu NSNA Việt Nam xuất sắc E. VAPA, NSNA quốc tế xuất sắc E.FIAP. Ông tên thật là Trương Văn Thanh, sinh năm 1935, quê gốc ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhưng cuộc đời lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng đã định cư, cống hiến cả cuộc đời mình cho Vùng mỏ.

Nhà báo, NSNA Đỗ Kha kể: “Khi tôi về làm báo Vùng Mỏ năm 1963 thì Trương Thái đã là phóng viên ảnh của Ty Văn hóa khu Hồng Quảng. Sau này, tôi được biết anh là Việt kiều từ Thái Lan tình nguyện về nước và được biên chế làm phóng viên ảnh. Hồi ấy, đang là thời kỳ đấu tranh dữ dội của quân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm nên anh được phân công chụp ảnh về phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” từ các công trường, xí nghiệp, đồng ruộng… để làm các bảng thông tin tuyên truyền, làm phim đèn chiếu cho các đội thông tin lưu động đi chiếu ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, bà con dân tộc ít người. Ảnh anh cũng gửi đăng báo Vùng Mỏ, sau anh sáng tác ảnh nghệ thuật”.

Theo NSNA Đỗ Kha, trên hết, và có lẽ là công lao lớn nhất của người nghệ sĩ dũng cảm này là hàng loạt các tác phẩm ảnh báo chí của ông đã chụp tố cáo tội ác chiến tranh. “Sau này xem ảnh anh, tôi biết ở nơi nào có chiến sự xảy ra, nơi nào cảnh đổ nát tang thương là có Trương Thái. Anh đã ghi không biết bao nhiêu cảnh ấy để tỉnh gửi về Trung ương làm tài liệu đấu tranh với phía Mỹ, khi hội nghị Pari đang diễn ra căng thẳng ở Pháp” - NSNA Đỗ Kha nhớ lại.

NSNA Trương Thái là người nghệ sĩ say nghề, cống hiến hết mình vì nghệ thuật, bất chấp khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh. Ông có mặt ở những điểm nóng, những nơi mà máy bay Mỹ trút bom xuống thị xã Hồng Gai, để sáng tác. Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, kể: “Năm 1972, Hội sơ tán vào Đồng Giang (huyện Hoành Bồ). Mỗi lần chuẩn bị ra Tạp chí, chúng tôi phải đi đi về về Hoành Bồ - Hồng Gai rất vất vả. Tôi nhớ có lần đến tìm Trương Thái lấy ảnh đăng tạp chí, hai anh em ngồi trong quán cà phê, trong tiếng còi báo động rú gào… Tôi định ra hầm, Trương Thái bảo: Cứ ngồi, số tôi và ông hôm nay không chết được đâu. Một ngày sau, cũng khoảng giờ ấy, quán đó bị bom phá sập”.

Bức ảnh "Dân quân đảo Ngọc Vừng đánh trả máy bay Mỹ năm 1972" của NSNA Trương Thái.

NSNA Trương Thái thường đi theo đội tháo bom nổ chậm, gồm những chiến sĩ tự vệ của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai để tháo bom và chụp ảnh. Hiện nay ở Bảo tàng Quảng Ninh còn lưu giữ một bức ảnh NSNA Trương Thái chụp đội phá bom đang thực hiện tháo quả bom nổ chậm 250 bảng Anh ở bến ô tô cũ, nay là cổng chợ Hạ Long I. Bức ảnh cùng với 1 chiếc kìm, cánh của quả bom đang được trưng bày như những chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh gieo rắc xuống Vùng mỏ.

Bức ảnh "Tự vệ ngành Than tháo kíp bom do máy bay Mỹ ném xuống khu mỏ" của NSNA Trương Thái, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Một số tác phẩm đáng nhớ của NSNA Trương Thái trong giai đoạn này, như: “Đêm trên công trường thủy lợi”, “Thợ lò mỏ Thống Nhất sản xuất than vì miền Nam ruột thịt”, “Yêu nghề mỏ của bố”, “Ngày mùa ở đảo Hà Nam”, “Đêm trên công trình lấn biển Sông Khoai”, “Đưa nước về đồng” v.v.. Ông còn có nhiều bức ảnh tư liệu quý về Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 và cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, như: “Nhân dân Hòn Gai tuần hành thể hiện quyết tâm giành độc lập” và “Giải lao trên chiến hào”, “Trên mặt trận nông nghiệp sau giải phóng” v.v.. NSNA Trương Thái và NSNA Quang Sơn là hai nghệ sĩ của khu mỏ Hồng Quảng có ảnh triển lãm nhóm đầu tiên cùng với NSNA Đinh Đăng Định khi NSNA Đinh Đăng Định về sáng tác tại Quảng Ninh.

Khi đất nước thống nhất, NSNA Trương Thái lại xách máy đi ghi lại các cảnh ngày vui đại thắng năm 1975, về nhân dân thị xã Hòn Gai xuống đường mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nghệ sĩ Văn Anh, thành viên đội văn công xung kích phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, kể: Năm 1979, Tỉnh Đoàn thành lập đội xung kích trên cơ sở chọn lựa thanh niên từ các sở, ngành trong tỉnh. Trong đoàn chúng tôi toàn các nghệ sĩ, ca sĩ, có thêm NSNA Trương Thái để chụp ảnh chiến trường. Hầu như tất cả các điểm cao ác liệt ở biên giới, chúng tôi đều đặt chân đến để biểu diễn phục vụ bộ đội. Và NSNA Trương Thái luôn song hành với chúng tôi. Nhờ sự có mặt của anh, sau này chúng tôi còn lưu giữ được nhiều bức ảnh quý giá. Sinh thời, anh trân trọng những bức ảnh ấy lắm và đã nhắn nhủ chúng tôi đến để tặng lại”.

Bức ảnh NSNA Trương Thái chụp đội văn nghệ xung kích biểu diễn tại Pò Hèn năm 1979.

NSNA Đỗ Kha cho biết: “Hầu như các tác phẩm ảnh sống động về chiến tranh sau này được NSNA Trương Thái chọn triển lãm nhân dịp Quảng Ninh kỷ niệm 40 năm Chiến thắng trận đầu ngày 5/8 (1964-2004). Đó cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của người nghệ sĩ dũng cảm này”.

Cuối năm 2018, NSNA Trương Thái qua đời để lại niềm tiếc thương cho giới nhiếp ảnh và công chúng yêu nghệ thuật Quảng Ninh. NSNA Đỗ Kha bùi ngùi: “Người ghi lại tội ác chiến tranh bằng ảnh đã ra đi sau nhiều năm bị bệnh trọng, nhưng hình ảnh NSNA Trương Thái thì mãi mãi còn lại trong tôi, cùng với người dân Vùng mỏ thân quen mà anh đã dâng hiến”.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201903/nguoi-nghe-si-ghi-lai-chien-tranh-bang-nhung-buc-anh-2435903/