Người nhân lên tinh thần Đại đoàn kết

Được phong là Đại đức và được bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Xà Xí khi tuổi đời còn rất trẻ (24 tuổi), Đại đức Chau Bên là vị sư gương mẫu, hỗ trợ nhiệt tình cùng với hệ thống chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp đỡ bà con dân tộc Khmer ở xã Mỹ Đức, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, một xã vùng ven biên giới giáp với nước Campuchia.

Đại đức Chau Bên (bên phải) trao đổi với cán bộ Đồn BPCKQT Hà Tiên.

Thiếu tá Danh Tâm - Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Hà Tiên đã dẫn chúng tôi đến chùa Xà Xí mới, ngôi chùa mà Đại đức Chau Bên Trụ trì.

Ngôi chùa Khetaparivena (Chùa Xà Xí mới), với khuôn viên rộng rãi, cây cối, hoa với chánh điện lớn nổi bật với bộ mái cao được lợp tôn đỏ cổ kính, uy nghi.

Theo Đại đức Chau Bên, sở dĩ chùa có tên là chùa Xà Xí mới vì trước đây có ngôi chùa Xà Xí cũ nằm cách ngôi chùa mới này khoảng 2km, giờ chỉ còn là đống đổ nát vì thời chiến tranh biên giới đã bị phá hủy, cho nên nơi này giờ đã trở thành chứng tích lịch sử. Còn ngôi chùa Xà Xí mới được xây dựng mới hoàn toàn từ năm 2000 với sự hỗ trợ từ hệ thống chính quyền và bà con tăng ni phật tử.

Thời gian qua, chùa Xà Xí mới không chỉ là địa điểm tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của bà con tăng ni phật tử, đồng bào Khmer ở Hà Tiên mà còn là địa điểm du lịch, tham quan đối với nhiều người khi đến với Hà Tiên. Cũng tại ngôi chùa này, mọi hoạt động lớn nhỏ của địa phương trước khi triển khai đến với đồng bào Khmer ở xã Mỹ Đức đều có sự bàn bạc và được sự giúp sức của Đại đức Chau Bên.

Hôm chúng tôi có mặt tại chùa Xà Xí mới, đúng dịp đội ngũ cán bộ Mặt trận xã Mỹ Đức đến đây để làm công tác tuyên truyền chuẩn bị cho đại hội Mặt trận các cấp. Ông Trần Văn Sơ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Đức cho biết, thời gian qua, Đại đức Chau Bên như là người gác cổng hiền lành, dể chịu sẵn sàng mở cửa, dẫn lối để chúng tôi tiếp cận, gặp gỡ bà con đồng bào dân tộc Khmer.

“Các hoạt động, các phong trào nhờ Đại đức Chau Bên tiếp thêm một tay nên hiệu quả rất cao, bà con luôn lắng nghe và làm theo. Là Trụ trì chùa còn rất trẻ, lại mẫu mực nên các hoạt động được triển khai nhanh chóng. Chính vì vậy thời gian qua chúng tôi luôn xem Đại đức Chau Bên và ngôi chùa Xà Xí mới như cánh tay nối dài của chúng tôi đến với bà con đồng bào dân tộc Khmer xã vùng sâu biên giới” - ông Sơ chia sẻ.

Cũng theo ông Sơ, thời gian qua, Đại đức Chau Bên đã giúp sức cùng lực lượng Biên phòng, trong đó nổi bật là công tác tuyên truyền cùng với lực lượng bộ đội biên phòng của địa phương về việc vận động bà con không tham gia vận chuyển hàng cấm, buôn lậu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi qua lại cửa khẩu. Đồng thời, phát động cho phật tử, đồng bào tham gia cùng BĐBP bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới, tố giác tội phạm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Nói thêm về những đóng góp, hỗ trợ của Đại đức Chau Bên cùng với lực lượng BĐBP, Thiếu tá Danh Tâm cho biết: Đại đức Chau Bên có tình cảm gắn bó mật thiết với lực lượng BĐBP. Những năm qua, Đại đức Chau Bên luôn phối hợp tốt với lực lượng của Đồn BPCKQT Hà Tiên và chính quyền địa phương tích cực tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, tín đồ trên địa bàn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là việc chấp hành các quy định pháp luật, liên quan đến biên giới quốc gia, tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, năm 2017, Đại đức Chau Bên đã phối hợp với đơn vị và các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước được 24 cuộc cho 1.086 phật tử dự nghe. Trong đó có gần 100 phật tử là người Campuchia sinh sống giáp ranh biên giới…

Những đóng góp nổi bật của sư Chau Bên cho chùa và bà con nơi đây còn là hoạt động mở lớp dạy chữ Khmer; dạy nghề truyền thống cho hơn 1.000 lượt con em của đồng bào dân tộc trong chùa. Đại đức đã trở thành nhịp cầu lưu truyền, kết nối văn hóa của dân tộc và cũng chính là người lưu giữ các hiện vật từ đồ thờ cúng, điêu khắc, trạm trổ và giá trị nhất là bộ dụng cụ nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer...

Trung Kiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nguoi-nhan-len-tinh-than-dai-doan-ket-tintuc420046