Người nhập cư hồi sinh đồi hoang Italy với đàn dê 200 con

Từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ Ethiopia nhập cư đã xây dựng cuộc sống sung túc và hồi sinh vùng đồi hoang ở miền Bắc Italy với đàn dê gần 200 con.

Vài năm sau khi bỏ chạy khỏi quê hương Ethiopia, Agitu Idea Gudeta đã xây dựng một cuộc sống sung túc với doanh nghiệp sản xuất pho mát và các sản phẩm làm đẹp từ dê tại Italy, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của cô. Ảnh: Reuters.

Vài năm sau khi bỏ chạy khỏi quê hương Ethiopia, Agitu Idea Gudeta đã xây dựng một cuộc sống sung túc với doanh nghiệp sản xuất pho mát và các sản phẩm làm đẹp từ dê tại Italy, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của cô. Ảnh: Reuters.

Bằng sự chăm chỉ và một chút may mắn, Gudeta đã có một đàn dê khỏe mạnh cho năng suất ổn định. Người phụ nữ Ethiopia nay trở thành hình mẫu cho những gì người nhập cư có thể đạt được, chỉ cần cho họ cơ hội. Ảnh: Reuters.

"Tôi tự gây dựng danh tiếng và khiến mọi người biết tới, chẳng có ai phản đối hay chống lại tôi cả", Gudeta nói với Reuters. Tuy nhiên, cô cho biết làn sóng những người di cư mới tới Italy đang vấp phải sự thù địch từ người dân bản địa xuất phát từ "tư tưởng thiên lệch dựa trên sự dối trá". Ảnh: Reuters.

Gudeta xây dựng cơ nghiệp tại vùng núi ở tỉnh Trentino, miền Bắc của Italy. Đây là khu vực ủng hộ mạnh mẽ đảng cực hữu Liên đoàn với thủ lĩnh là tân Bộ trưởng Nội vụ kiêm phó thủ tướng Italy Metteo Salvini, một nhân vật cứng rắn với người nhập cư. Trong ảnh, Gudeta chọn pho mát sữa dê cho khách hàng tại trang trại của mình ở Trentino. Ảnh: Reuters.

Quê hương của Gudeta là Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia. Gudeta buộc phải trốn khỏi quê nhà sau khi cô tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách "thu hồi đất", qua đó những vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị tước đoạt và bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh, Gudeta chăm sóc cho bầy dê tại trang trại ở Italy. Ảnh: Reuters.

Trớ trêu thay, tại "đất khách" Italy, Gudeta được cho phép sử dụng đất công tại vùng núi phía bắc để xây dựng cơ nghiệp, nhờ chính sách cho phép nông dân sử dụng đất công để tránh các vùng đất này bị hoang hóa. "Tôi cải tạo lại đất và các loài động vật, bắt đầu với 15 con dê. Bây giờ tôi đã sở hữu 180 con dê", Gudeta cho biết. Ảnh: Reuters.

Gudeta thuê một người bạn đồng hành trong hành trình di cư tới Italy để làm việc trong trang trại của mình. Cô đang lên kế hoạch thuê thêm 2 người nữa, và gần như chắc chắn đó sẽ là những người nhập cư. Gudeta cho biết người Italy khó có thể làm quen với ngày làm việc nặng nhọc, vắt sữa từ 5 giờ sáng, rồi chăn dê trên những đồng cỏ xuyên núi. "Người nhập cư phù hợp với công việc này hơn bởi đây là công việc nặng nhọc. Những người đã băng qua sa mạc, băng qua đại dương, có sức khỏe thể chất cũng như động lực để thúc ép bản thân", Gudeta nói. Ảnh: Reuters.

Trước làn sóng tội phạm do người nhập cư gây ra cùng tâm lý chống nhập cư ngày càng lan rộng, Gudeta cho rằng cách tốt nhất là giúp tìm ra phần tốt đẹp nhất bên trong mỗi con người. "Một khi người nhập cư đã tới, chúng ta không nên cố tìm cách gạt họ ra bên lề xã hội. Cách này rất tiêu cực và sẽ phản tác dụng", Gudeta cho biết. Trong ảnh, Gudeta bán sản phẩm bơ sữa của mình tại chợ trên phố ở thành phố Trento. Ảnh: Reuters.

Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra Liên đoàn cực hữu hiện là đảng nhận sự ủng hộ rộng rãi nhất tại Italy nhờ quan điểm cứng rắn của đảng này chống nhập cư, trong bối cảnh Italy đã tiếp nhận 650.000 người nhập cư châu Phi trong 5 năm qua. Bộ trưởng Nội vụ Metteo Salvini cho rằng Italy đã phải tiếp nhận quá nhiều người nhập cư và đang tìm cách áp dụng những biện pháp mạnh tay giảm con số này xuống triệt để trong tương lai. Trong ảnh, Gudeta nói chuyện cùng một cư dân bản địa bên ngoài trang trại của cô ở Trentino. Ảnh: Reuters.

Hashtag tuần qua: Những cánh chim đi tìm nhà Bom đạn, biến đổi khí hậu, thu nhập nghèo nàn... là những vấn đề khiến hàng triệu người rời bỏ quê hương và bất chấp sinh mạng để đi tìm miền đất hứa, nơi họ có thể coi là nhà.

Duy Anh
Theo Reuters

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-nhap-cu-hoi-sinh-doi-hoang-italy-voi-dan-de-200-con-post862423.html