Người Nhật săn cá heo đáp ứng 'cơn khát cá' của Trung Quốc

'Taiji đang tạo một ấn tượng đầy độc ác, nhưng đó không phải điều chúng tôi muốn', thị trưởng Taiji nói.

Tám chiếc thuyền đánh cá dần hiện ra nơi đường chân trời. Một bầy cá heo khoảng chục con phá tan lớp băng trên mặt biển Taiji, trung tâm của hoạt động săn bắt cá heo diễn ra hàng năm tại Nhật Bản bất chấp sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế.

Những người ngư dân đập vào các cột được đặt ngập một nửa dưới nước để tạo một bức tường âm thanh ngầm, dụ cá heo vào một vũng hẹp dọc bãi biển Thái Bình Dương dày núi và thảm thực vật khoảng 130 km về phía Đông Nam Osaka.

Cuộc thảm sát kín đáo khuất dưới một lớp bạt dựng tạm

Ngay khi đàn cá heo tiến vào, lưới được giăng ra khắp bãi. Những con cá heo ngày càng co cụm vào nhau, cá heo con bơi sát bên mẹ. Một tiếng đập lớn vang lên. Ngay sau đó là một cuộc thảm sát kín đáo khuất dưới một lớp bạt dựng tạm. Khắp vùng vịnh, nước nhanh chóng nhuốm màu máu.

Đó là một ngày đầu tháng 9 - đợt đi săn thứ hai - mười một con cá heo Risso bị xẻ thịt. Cá heo con được thả ra đại dương, gần như cầm chắc cái chết khi không có sự đồng hành của cá mẹ.

Đỉnh điểm tai tiếng là khi bộ phim tài liệu “The Cove” (Tạm dịch: Bãi cá) về đánh bắt cá heo ở Taiji gây chú ý toàn cầu với giải Oscar 2009. Tuy nhiên, ngành thương mại thịt cá heo không phải phương thức hái ra tiền duy nhất nuôi sống nền ngư nghiệp đánh bắt này ở Taiji.

Những thuyền đánh cá đậu sát bãi cá với lưới giăng sẵn để bẫy cá heo tại Taiji, Nhật Bản ngày 2/9 - một hoạt động săn cá heo thường niên đang gây phẫn nộ toàn cầu. Ảnh: Washington Post.

Những thuyền đánh cá đậu sát bãi cá với lưới giăng sẵn để bẫy cá heo tại Taiji, Nhật Bản ngày 2/9 - một hoạt động săn cá heo thường niên đang gây phẫn nộ toàn cầu. Ảnh: Washington Post.

Trong hai ngày sau đó, mười ba con cá heo mũi chai bị bắt sống - những con cá đang lớn và sung sức được chọn ra từ đàn cá bởi một nhóm huấn luyện viên thủy cung người Nhật đi cùng các ngư dân.

Mỗi con cá đáng giá 500 USD nếu lấy thịt. Một con cá heo mũi chai, loài vật dễ huấn luyện nhất có giá từ 8.000 tới 10.000 USD, và hơn 40.000 USD sau khi huấn luyện, theo các chuyên gia.

Những con cá heo đang khỏe mạnh này chủ yếu được gửi sang Trung Quốc, nơi có nền giải trí thủy cung đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những đạo luật quốc tế đang quay lưng với việc đánh bắt cá heo tại Taiji.

Trong năm 2017 và 2018, riêng Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 200 cá heo và cá voi sống từ Nhật Bản , heo thống kê thương mại.

Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng đối với cá heo và cá voi sống từ Nhật Bản.

“Taiji đã khai sinh ra nền công nghiệp nuôi nhốt cá heo”, Rachel Carbary, thành viên của Ric O’Barry’s Dolphin Project, một tổ chức dẫn đầu bởi nhà hoạt động cùng tên xuất thân là người huấn luyện chú cá heo “Flipper” nổi tiếng, cho hay. Carbary, người tới Taiji để quay livestream vụ săn bắt, là người sáng lập tổ chức Empty the Tanks (tạm dịch: Xóa sổ bể cá), một chiến dịch nhằm chấm dứt hoạt động nhốt cá heo và cá voi.

Theo quy định hạn ngạch, ngư dân Taiji được đánh bắt 1.749 cá heo hoặc cá voi nhỏ thuộc chín loài khác nhau trong suốt mùa đánh bắt kéo dài sáu tháng.

Taiji là nguồn cung cá heo dồi dào cho nhiều thủy cung khắp nơi trên thế giới trong nhiều thập kỉ - bao gồm Nhật, Saudi Arabia, Mexico, Thái Lan, Nga và nhiều nơi khác. Chúng cũng được mua lại bởi Hải quân Mỹ nhằm huấn luyện dò mìn cũng như cho các nhiệm vụ khác.

Thống kê xuất khẩu cá heo và cá voi Nhật theo thị trường xuất khẩu. Ảnh: Washington Post.

Tuy nhiên, sự phản đối từ công chúng đã dẫn đến lệnh cấm của Tổ chức Vườn thú và Thủy cung Thế giới (WAZA) đối với việc nhập khẩu cá heo được săn bắt tại Taiji của các nước thành viên. Những vụ đánh bắt ngày nay tại Taiji chủ yếu phục vụ nhu cầu từ Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, chỉ một trong hơn 85 công viên thủy cung là thuộc WAZA.

Naomi Rose, một nhà khoa học nghiên cứu động vật biển có vú tại Viện Phúc lợi động vật đặt tại Washington D.C., đã thông qua những video quay trực tuyến và sự kiện cô tổ chức tại Trung Quốc để gia tăng nhận thức về các vấn đề sức khỏe và stress mà những động vật này gặp phải khi bị giam giữ.

Cá heo thường bơi 40 km một ngày trong tự nhiên và sống trong các quần thể phức tạp, cô nói, do đó, không đáng ngạc nhiên khi chúng không thể thích nghi với việc nuôi nhốt. Thái độ của người dân Trung Quốc có thay đổi, cô nói, nhưng đất nước này vẫn chưa trải qua giai đoạn “Blackfish”, ám chỉ sự ảnh hưởng mạnh mẽ gây ra bởi bộ phim tài liệu năm 2013 do Mỹ thực hiện về một chú cá voi sát thủ bị giam cầm.

“Vấn đề ở đây là Trung Quốc quá đông dân nên tiềm năng khách hàng đối với những hoạt động thủy cung kiểu này rất lớn”, Naomi cho hay.

Cá heo được bắt giữ ở Taiji đang được huấn luyện trước khi bị bán cho các công viên thủy cung. Các thủy cung tại Trung Quốc đã trở thành nguồn khách hàng chính cho hoạt động bắt nhốt cá heo hàng năm ở đây. Ảnh: Washington Post.

Tại Taiji, săn cá heo và cá voi là “một phần của cuộc sống”

Thị trấn Taiji, tọa lạc tại vùng bờ biển phía đông nam của đảo chính Nhật Bản, sống dựa vào nghề săn cá heo và cá voi từ đầu thế kỉ 17.

Nhưng những khắc họa kinh hoàng về việc xẻ thịt cá heo trong phim tài liệu “The Cove” đã đổ dồn những ánh mắt lên án khắp thế giới vào cộng đồng bé nhỏ, gắn bó khăng khít này.

Các nhà hoạt động từ Tổ chức Chống săn bắt cá voi (Sea Sheperd Conservatory Society) đã tuần hành dọc thị trấn trong trang phục áo thun đen và mang theo cờ hình đầu lâu xương chéo. Người dân địa phương cáo buộc các nhà hoạt động liên tục truy lùng họ, đẩy máy quay video vào mặt họ và cho các học sinh nhỏ tuổi xem hình ảnh những con cá voi và cá heo đã chết.

Phái dân túy cánh hữu Nhật cũng tập hợp lại và thể hiện sự phản đối đối với các cuộc biểu tình tại Taiji.

Những ngày này, thị trấn Taiji khá bình yên, nhưng với một sự cảnh giác. Cảnh sát theo đuôi Carbarry khi cô đi quay phim, trong khi một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản đậu ngoài khơi để bảo vệ hoạt động săn bắt cá heo.

“Người dân Taiji đã tham gia đánh bắt cá heo, cá voi hơn 400 năm nay rồi; nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi,” Yoshifumi Kai, người điều hành cấp cao của Hiệp hội Nghề cá Taiji, cho hay.

“Chúng tôi không có nền công nghiệp nào khác ở đây, và quỹ đất thì có hạn. Ở nơi thế này, chẳng có cách nào để kiếm sống nếu không dựa vào biển”.

Nhưng mọi chuyển đang dần thay đổi.

Những nhà hoạt động biểu tình chống săn bắt cá heo tuần hành ngang qua Tàu nghiên cứu Cá voi Daichi Kyo Maru tại Taiji, ngày 1/9. Ảnh: Washington Post.

Các nhà hoạt động của Sea Sheperd không còn tới đây. Một phần là vì các cơ quan nhập cư Nhật Bản đã cấm nhiều người trong số họ nhập cảnh vào nước này.

Năm nay, thay chỗ họ là một nhóm gồm hơn 30 nhà hoạt động vì quyền lợi động vật người Nhật, những người đã diễu hành ôn hòa tại Taiji vào ngày 1/9 trong khi hô vang khẩu hiệu và giương biểu ngữ để phản đối việc giết và bắt nhốt cá heo.

Trên đường đi, họ diễu hành qua Bảo tàng Cá voi Taiji. Bên trong, những khách du khắp Nhật Bản vô tư trầm trồ trước những chú cá heo đang biểu diễn xiếc để được thưởng mồi cá trong tiếng nhạc rock, trong khi trẻ em xếp hàng để được vuốt ve chúng.

Phát biểu sau một buổi biểu diễn gần đây, một vào gia đình cho biết họ hiếm khi hoặc không bao giờ ăn thịt cá voi hoặc cá heo, nhưng tất cả người được phỏng vấn đều tỏ ý bảo vệ “nền ẩm thực Nhật”.

“Ăn thịt này là một phần của văn hóa chúng tôi, vốn đã như vậy rồi,” một người đàn ông 50 tuổi đến từ thành phố Wakayama gần đó cho hay. “Người nước ngoài nghĩ rằng động vật dễ thương, nhưng vẫn ăn thịt bò, thịt lợn và những thứ tương tự”, một người đàn ông chỉ để lộ tên họ là Go, cho hay, “vậy khác nhau chỗ nào?”.

Cuộc đấu tranh nhằm giành lại hình ảnh của thị trấn

Thị trưởng Taiji, Kazutaka Sangen là một nhà hoạt động chính trị có mối quan hệ thân cận với lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do của Nhật và giới vận động hành lang bảo vệ cá heo đầy bảo thủ và quyền lực tại đây. Chính sự ủng hộ đó khiến Taiji đứng vững trước những chỉ trích từ nước ngoài và huy động được sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như cơ quan di trú.

Tuy nhiên Sangen cũng cho rằng mối quan hệ của trị trấn đối với cá voi nên được thay đổi.

“Taiji đang tạo một ấn tượng đầy độc ác, nhưng đó không phải điều chúng tôi muốn”, ông nói.

Sangen có kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến Taiji thành một trung tâm nghiên cứu học thuật lớn về cá voi và cá heo. Thay vì nuôi cá heo trong những bãi quây nhỏ, ông muốn giăng lưới khắp vịnh Moriura gần đó. Chiếc lưới này sẽ tạo ra một bãi quây khổng lồ có kích thước khoảng 40 sân bóng đá, một nơi mà khách du lịch có thể bơi và chèo thuyền kayak cùng cá heo còn các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu cần thiết.

Sau 10 hoặc 15 năm, lưới sẽ được gỡ bỏ với hy vọng cá heo sẽ tiếp tục quay trở lại.

Các nhà sinh học biển phương Tây không thích kế hoạch này, cho rằng đây chỉ là một hình thức khác để khai thác cá heo nuôi nhốt.

Nhưng theo Jay Alabaster, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về săn cá heo đang sống tại Taiji, thị trấn đang dần bắt kịp với sự thay đổi thái độ trên toàn cầu về cách ứng xử của con người đối với cá heo và cá voi.

“Taiji đang muốn hướng tới trở thành nơi mà ngay cả những nhà hoạt động giận dữ nhất cũng sẽ chấp nhận được”, ông nói. “Thị trấn này chỉ cần thêm chút thời gian”.

Cùng lúc, Carbary cũng nói việc săn bắt cá heo tại Taiji nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn.

“Đây không phải chỉ là vấn đề của Taiji; đây là một vấn đề toàn cầu, bởi nền công nghiệp nuôi nhốt này diễn ra trên toàn cầu,” cô cho hay. “Mọi người cần hiểu rằng nếu họ định đi nghỉ dưỡng ở Mexico và muốn bơi với cá heo nuôi nhốt, họ đang ủng hộ hành vi nuôi nhốt này và những mùa săn bắt cá heo sẽ còn tồn tại vì thế”.

An Nguyễn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-nhat-san-ca-heo-dap-ung-con-khat-ca-cua-trung-quoc-post997216.html