Người níu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái

Luôn đau đáu về nỗi lo bản sắc của đồng bào mình đang dần bị mai một, suốt 30 năm nay, ông Phúc miệt mài sưu tầm những cổ vật, vật dụng gắn liền với văn hóa Thái. Đến nay, ngôi nhà sàn của ông gần như là một bảo tàng thu nhỏ, với hơn 1.000 hiện vật được trưng bày.

Hành trình sưu tầm vật dụng người Thái

Nhiều năm nay, căn nhà sàn của ông Vi Văn Phúc (77 tuổi), ở khối 2, thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An), trở thành điểm đến quen thuộc của những đoàn khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái. Dù rất bận rộn, tuổi cao, sức khỏe cũng đã không được như xưa nhưng mỗi lần khách đến, ông Phúc đều rất nhiệt tình giới thiệu từng hiện vật. Ngôi nhà sàn cạnh Quốc lộ 7 từ lâu được xem như một bảo tàng miễn phí cho các du khách mỗi lần ghé thăm huyện Con Cuông.

“Nhiều khi cũng mệt lắm, không rảnh rỗi, nhưng cứ có du khách đến là tôi vẫn cố gắng giới thiệu với họ. Đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ, mỗi lần thấy các cháu đến là tôi như quên đi mỏi mệt. Tôi rất muốn các cháu hiểu được văn hóa người Thái như thế nào”, ông Phúc nói.

Ông Phúc là cán bộ về hưu, hiện là người có uy tín của khối. Ông sinh ra ở Mường Quạ (xã Môn Sơn) – vùng đất nổi danh có bề dày văn hóa Thái. Ông Phúc sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà có đến 4 thế hệ với gần 30 người cùng sinh sống. Ngày đó, đàn ông thì cày bừa, đánh cá, phụ nữ thì quay tơ, dệt vải… Chính vì thế, từ nhỏ những tập tục, lối sống của đồng bào Thái đã ăn sâu vào tâm trí ông.

Ông Phúc bên một góc của khu vực trưng bày các vật dụng nông cụ. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Phúc bên một góc của khu vực trưng bày các vật dụng nông cụ. Ảnh: Tiến Hùng

Không như nhiều người vùng cao thời điểm đó, ông Phúc được ăn học đàng hoàng. Dù ngày ấy, kinh tế chẳng khấm khá là bao, đường sá đi lại cũng rất khó khăn. Để tới được trường học, phải ra thị trấn cách nhà chừng 20km. Năm 18 tuổi, ông Phúc rời quê hương ra Hà Nội học. “Vất vả lắm. Thời chiến, nên mỗi lần ra Hà Nội học, tôi lại phải cuốc bộ ra tới Thanh Hóa mới bắt được xe”, ông Phúc kể lại.

Học xong, ông Phúc được bố trí công tác ở TP. Vinh. Ông kể rằng, những ngày đi học rồi ra trường đi làm, dù sinh sống dưới thành phố, nhưng ông vẫn không thể quên được nếp sống của đồng bào mình. Hình ảnh người mẹ quay tơ, dệt vải, những tiếng khua luống sinh động vẫn văng vẳng trong tâm trí ông. Kèm theo đó là những nỗi lo về nét văn hóa của đồng bào mình đang dần bị mai một. Mỗi lần về thăm quê, ông rất buồn khi nhận thấy nhiều phong tục tập quán tốt đẹp đã không còn. Nhiều người thậm chí còn không biết nói tiếng Thái. Những vật dụng từng gắn liền với đời sống dần bị vứt bỏ. Kể từ đó, ông quyết định bắt đầu hành trình đi sưu tầm để lưu giữ hiện vật, cổ vật của người Thái.

“Tôi muốn con cháu sau này biết được phần nào cuộc sống của cha ông ngày trước. Vì thế, tôi bắt đầu sưu tầm từ những năm đầu thập niên 90, khi gia đình chuyển nhà từ Môn Sơn ra thị trấn Con Cuông. Đầu tiên là tôi chuyển căn nhà sàn đặc trưng của người Thái từ quê ra, sau đó mới bắt đầu sưu tầm những vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào mình”, ông Phúc nói.

Là cán bộ, thường xuyên đi công tác nên ông Phúc cũng khá thuận lợi cho việc sưu tầm. Mỗi lần đến vùng quê nào đó, thấy vật dụng nào ưng ý, ông đều hỏi mua. Cũng có nhiều đồ vật, người dân họ tặng sau khi biết được những mục đích tốt đẹp của ông Phúc.

Ông Phúc hiện sở hữu 5 bộ cồng chiêng. Ảnh: Tiến Hùng

Bảo tàng vô giá

Có mặt tại nhà sàn của ông Phúc, không khỏi ngạc nhiên trước số lượng các hiện vật cũng như vẻ đẹp của chúng. Căn nhà sàn với tổng diện tích hơn 300m2 gần như chật kín hiện vật từ tầng trệt cho đến tầng 2. Ông Phúc nói rằng, dù chưa kiểm đếm chính xác, đến nay ước tính hơn 1.000 hiện vật được trưng bày trong ngôi nhà này.

Hình ảnh đầu tiên khi đặt chân vào nhà sàn là khung cửi và chiếc quay tơ gần 100 tuổi mà mẹ ông từng sử dụng. Đó chính là những vật dụng gắn liền với thời niên thiếu của ông Phúc. Cạnh đó là luống giã gạo trông khá mộc mạc. Khi thấy chúng tôi tò mò, ông Phúc liền dùng chày khua luống, phát ra những âm thanh khá thú vị. Ông còn nhiệt tình giới thiệu, khua luống (khắc luống) là một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào người Thái, có nguồn gốc từ đời sống lao động sản xuất, gắn liền với hoạt động giã gạo. Trong quá trình giã gạo, để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau mà tiếng kêu phát ra nghe vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới... Dần theo thời gian, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của bản Thái...

Luống giã gạo của người Thái. Ảnh: Tiến Hùng

Những hiện vật ở ngôi nhà sàn độc đáo của ông Phúc chủ yếu là dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hàng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay… Tất cả được ông trưng bày thành nhiều nhóm khác nhau. Có góc dành cho nhóm văn hóa tâm linh; nơi lại là nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm công cụ sản xuất; nhóm săn bắt đánh bắt; nhóm đan lưới, đan lát; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục... Gần như không có một vật dụng nào của người Thái còn thiếu trong bộ sưu tập này.

Bước lên tầng 2, hình ảnh đầu tiên là những chiếc ghế dài làm bằng gỗ được ông Phúc sắp xếp dọc lối đi. Theo quan sát, những chiếc ghế đều được chạm khắc khá tỉ mỉ, với hình con cá sấu. Bên trên mặt ghế cũng có rất nhiều hình chạm khắc sinh động. Ông Phúc cho hay, đó chính là những chiếc ghế trong nhà quan người Thái được làm từ hơn 100 năm trước mà ông mua lại trong một chuyến công tác ở huyện Quỳ Châu.

Bên trên những dãy ghế đặc sắc đó được ông Phúc treo những bộ cồng chiêng. Dù chưa có cuộc khảo sát nào, nhưng với 5 bộ, có lẽ đây là người sở hữu nhiều bộ cồng chiêng nhất Nghệ An hiện nay. Đi sâu vào trong nhà là dày đặc những vật dụng được sắp xếp cẩn thận. Cái thì treo trên tường, cái đặt trên kệ, những vật dụng dễ bị hư hỏng theo thời gian thì được ông trưng bày trong tủ kính. Từ sưu tập nhạc cụ gồm khắc luống, khèn bè, kèn chiêng, cồng, trống dùng trong ma chay, cưới hỏi, lễ, tết cho đến bộ dụng cụ cất giữ tư trang gồm ống, rương, chum, bầu, cà bem (cho đàn ông), lớp cặp (cho đàn bà). Rồi còn bộ dụng cụ săn bắn, hái lượm gồm dao, bẫy, nỏ, súng chi mai…

Một cánh cửa nhà quan người Thái mà ông Phúc sưu tầm được. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, ông còn sưu tầm được những cuốn văn tự được viết bằng chữ Thái cổ từ hàng trăm năm trước. Theo ông Phúc, nỗi lo lớn nhất của ông đó là hiện nay, nhiều bộ phận người Thái trẻ đã không còn biết nói tiếng Thái cũng như chữ viết của đồng bào mình. “Tôi lo lắm. Vì thế mà tôi luôn nhắc nhở các con, khi về nhà cố gắng phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, để con cháu biết được”, ông Phúc nói. Để lưu giữ bản sắc, trong cuốn gia phả của dòng họ do chính ông viết, ông Phúc còn lồng ghép rất nhiều nội dung bên trong với hy vọng con cháu sau này biết được. Đó chính là những ghi chép về tập tục của đồng bào Thái, đặc biệt là trong ma chay, cưới hỏi…

Ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Con Cuông cho biết, bộ sưu tập của ông Phúc chính là “bảo tàng vô giá” đối với đồng bào người Thái nói riêng. “Hành trình hơn 30 năm đi sưu tầm của ông Phúc thật đáng trân quý. Ông Phúc chính là người lưu giữ bản sắc văn hóa cho người Thái”, ông Tài nói.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Thái ở Việt Nam có dân số hơn 1,8 triệu người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam. Tại Nghệ An, hiện có gần 340.000 người Thái sinh sống, chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh và 19,0% tổng số người Thái tại Việt Nam. Đây là dân tộc thiểu số chiếm đa số ở Nghệ An.

Tiến Hùng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-niu-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc-thai-post266380.html