Người nông dân đầu tiên đưa cây dâu tây về trồng ở Văn Chấn

Do có điều kiện rong ruổi đến nhiều miền quê ở các tỉnh phía Bắc để tìm các mùa hoa cho ong lấy mật, nên ông Hùng sớm có cơ hội nhận ra hiệu quả cũng như đặc điểm sinh trưởng của việc trồng dâu tây, cộng với đức tính chí thú làm ăn ông đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp của gia đình và thuê thêm đất đưa cây dâu tây về trồng đầu tiên ở huyện Văn Chấn.

Vườn dâu tây nằm ngay ven đường thu hút mọi người dừng chân trải nghiệm.

Vườn dâu tây nằm ngay ven đường thu hút mọi người dừng chân trải nghiệm.

Hiệu quả kinh tế hơn nhiều loại cây trồng khác

Kể từ trước Tết Nguyên đán cho đến những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, khi di chuyển trên quốc lộ 32 đoạn qua tổ dân phố Hà Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, du khách và nhân dân qua đường bất ngờ khi thấy vườn dâu tây rộng mấy ngàn mét vuông đang vào mùa thu hái nằm ngay ven đường, thu hút nhiều người thích thú dừng chân trải nghiệm và mua những hộp dâu tây đỏ tươi về làm quà.

Ông Hùng, 50 tuổi – chủ nhân của vườn dâu tâu tây đầu tiên ở huyện Văn Chấn kể, là người nông dân luôn ý thức trong lòng suy nghĩ phải nỗ lực thật nhiều để cải thiện cuộc sống cho gia đình nên trên chặng đường thiên lý đưa ong đi tìm mật ở nhiều vùng quê, ông luôn chú ý tìm hiểu những mô hình làm ăn mới của bà con địa phương khác về học hỏi.

3 năm trước, trong một dịp chăn ong ở xã Cò Nòi (Mai Sơn – Sơn La) ông thấy mô hình trồng dâu tây của bà con ở đây rất đáng để đưa về quê để thực hiện, bởi điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở vùng núi Sơn La có nhiều nét tương đồng với huyện miền núi Văn Chấn nơi ông đang sinh sống; hơn nữa quả dâu tây có giá cao và dễ tiêu thụ trên thị trường.

Anh Hùng giới thiệu những trái dâu tươi ngon hái tại vườn.

Sau khi đã tìm hiểu tương đối kỹ càng quy trình trồng và chăm sóc cây dâu tây, tháng 10/2021 ông Hùng bắt tay vào cải tạo gần ngàn mét vuông vườn tạp của gia đình, tiến hành xới đất, đánh luống, lắp đặt đường ống tưới nước nhỏ giọt, mua giống và màng phủ… để trồng 2.000 cây dâu tây thử nghiệm.

Ngay năm đầu vườn dâu phát triển tốt, cho quả đều, chất lượng ngon, củng cố niềm tin cho anh về sự phù hợp của cây dâu tây với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Anh Hùng nhẩm tính: “Không kể biếu xén, ăn uống rả rích, đến hết vụ tổng thu được hơn 70 triệu đồng, trong khi bỏ ra đầu tư hết 40 triệu đồng, như vậy hiệu quả kinh tế cũng hơn nhiều loại cây trồng khác trước đây”.

Nhiều thương lái hỏi mua nhưng không đủ sản lượng để bán

Nhạy bén trước tín hiệu khả quan đó, từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2022 anh tiếp tục cải tạo vườn tạp và thuê mảnh đất để trống nằm sát đường quốc lộ để mở rộng diện tích trồng dâu tây lên khoảng 5.000 m2 với khoảng 12.000 gốc, gấp 6 lần so với vụ trước. Theo chia sẻ của anh, do có kinh nghiệm hơn và suất đầu tư bình quân giảm xuống do mở rộng qui mô nên tổng chi phí vụ này chỉ hết khoảng 200 triệu đồng.

Là người quen biết anh đã dăm năm nay, kể từ ngày anh mang sản phẩm mật ong về tham gia gian hàng nông sản của tỉnh Yên Bái giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô, hơn nữa anh tỏ ra bất ngờ khi thấy chúng tôi không quản thời tiết giá lạnh đột ngột bao trùm toàn miền Bắc vào những ngày cận Tết lặn lội tới tận nơi xem vườn dâu tây của mình, nên sau này khi tôi dò hỏi anh mới bật mí: Trước Tết nửa tháng thu bói lác đác với sản lượng nhỏ, sau Tết thu đại trà hơn có ngày cao nhất lên đến 20 triệu; đến nay (20/2) tổng thu đã đủ thu hồi vốn.

Sản lượng chỉ đủ để bán cho khách qua đường và bà con địa phương.

Theo ông Hùng, vườn dâu tây của mình còn cho thu được khoảng 60 ngày nữa, nhưng thời gian này sẽ có mưa nhiều làm thối quả, nên sản lượng thu hái và doanh thu sẽ giảm nhiều so với hiện nay. Nếu thuận lợi vụ này trừ chi phí ông sẽ thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng từ vườn dâu tây.

Khi phóng viên hỏi khâu tiêu thụ thế nào? Ông cho biết, vào chính vụ vườn dâu chỉ cho thu hái tối đa 50 – 70kg mỗi ngày nên chỉ đủ bán lẻ trực tiếp cho bà con địa phương và du khách qua đường; nhiều thương lái đặt mua xỉ nhưng không có đủ sản lượng để bán.

Được biết, với mức giá dao động từ 150 – 300 nghìn đồng/kg tùy loại to nhỏ được người tiêu dùng nhận xét là mềm hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, cộng với chất lượng đảm bảo, lại được trải nghiệm trực tiếp sản phẩm tại vườn dâu tây – đây chính là lực hút để những trái dâu tây chín đỏ của gia đình ông Hùng không phải đi tìm mối tiêu thụ sản phẩm.

Để có được vườn dâu tây thế này, theo ông công đoạn nào là khó nhất? Phóng viên đặt câu hỏi. Thoáng chút suy nghĩ, ông quả quyết khó nhất là khâu phát hiện và phòng trừ bệnh. “Cây dâu trồng được chừng 01 tháng thường dễ bị bệnh nấm rễ và đột ngột chết xanh, do vậy cần theo dõi thường xuyên và kịp thờ mua thuốc chuyên dụng về chữa trị cho cây” – ông Hùng chia sẻ.

Tuy gặp chút khó khăn và lo lắng về khâu phòng trừ bệnh cho cây, nhưng ông Hùng tự tin khẳng định vẫn tiếp tục duy trì diện tích trồng như hiện nay, và sẽ mở rộng thêm khoảng hơn ngàn mét vuông nữa trong năm nay. Còn về nghề nuôi ong lấy mật ông vẫn duy trì như cũ, bởi khi đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây dâu tây rồi thì ở nhà vợ con sẽ đảm nhiệm được.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho hay, mô hình trồng dâu tây của ông Hùng là mô hình trồng dâu tây thứ 2 của tỉnh và là mô hình đầu tiên của huyện Văn Chấn, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn duy nhất mô hình của ông Hùng đang hoạt động. Đây là cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chú ý để hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con nhân rộng trồng vào vụ đông ở những nơi có điều kiện.

Phạm Quỳnh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/nguoi-nong-dan-dau-tien-dua-cay-dau-tay-ve-trong-o-van-chan-d190556.html