Người nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ

Anh Lý Văn Tư, ở xóm Bình Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để sản xuất thành các dòng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè.

Anh Lý Văn Tư tự sản xuất phân hữu cơ bón cho cây chè.

Với diện tích trên 10.000m2, nhiều năm nay, chè là cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình anh Lý Văn Tư. Cũng giống như đa phần những nông dân khác trên địa bàn, trước đây, anh Tư có thói quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Dù nhận thấy ảnh hưởng đến sức khỏe, đất đai ngày càng bạc màu và giá trị thu được từ chè thấp so với chi phí, song phần vì thói quen, phần do thiếu kiến thức nên anh Tư vẫn loay hoay chưa biết thay đổi ra sao.

Đến tháng 5-2022, anh Tư tham gia khóa học khởi sự kinh doanh do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ), Học viện Phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ phối hợp tổ chức. Tại đây, anh học được cách ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý rác thải, tạo phân bón hữu cơ và áp dụng thử nghiệm ngay trên 3 sào chè của gia đình.

Ban đầu, anh làm chế phẩm vi sinh gốc (EM), rồi từ vi sinh “mẹ” nhân ra nhiều vi sinh thứ cấp. Đối với vi sinh gốc, anh dùng nước sạch, đường vàng, sữa chua, men tiêu hóa, men rượu, cám gạo (nếu bón cho cây chè có thể cho thêm cây chùm ngây) cho vào thùng ngâm ủ, dùng que tre, gỗ khấy đều mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày.

Theo anh Tư, nếu làm phân bón hữu cơ thì sẽ lấy 50 lít vi sinh gốc ngâm ủ với các hỗn hợp đỗ tương rang vỡ nhỏ, ốc bươu vàng và các phế phẩm như vỏ trứng gà, thức ăn thừa, xương động vật, rau củ quả... Sau khoảng 10 ngày thành phẩm, nông dân có thể lấy phân hữu cơ hòa với nước để phun tưới cho cây chè. Toàn bộ bã của phần nguyên liệu sau khi ngâm ủ ra các chế phẩm, sẽ được trộn với phân gà, tro bếp để ủ bón cho cây trồng.

Còn để làm thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc, anh Tư sử dụng vi sinh gốc ngâm với tỏi, ớt, cây xuyến chi, măng tre, riềng, lá mật gấu, ủ trong thời gian từ 7-15 ngày. Ngoài ra, anh còn tạo ra các chế phẩm để kích mầm chè, tạo kali tự nhiên từ thân và quả chuối. Sau gần 3 tháng sử dụng các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ tự ủ, anh nhận thấy có sự thay đổi rõ nét. Chè có màu xanh hơn, lá chè dày hơn, sản lượng tăng một phần. Đặc biệt, chè khi pha có vị đậm, ngọt, thơm tự nhiên.

Chỉ sau chưa đầy một năm áp dụng phương pháp canh tác mới, giá bán chè búp khô của gia đình anh Tư đã tăng thêm 100-150 nghìn đồng/kg so với trước đây và cao hơn hẳn các hộ dân trong vùng. Anh cho biết: Không chỉ cây chè, công thức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ này có thể áp dụng, mang lại hiệu quả trên mọi loại cây trồng.

Theo anh Tư, để sản xuất các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ thì về cơ bản là không khó, vì nguyên liệu dễ kiếm, sẵn có trong quá trình sản xuất nông nghiệp, song đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và quyết tâm thay đổi thói quen cũ để áp dụng cách làm mới, tạo ra sản phẩm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Tới đây, anh sẽ nhân rộng phương pháp này với toàn bộ diện tích chè của gia đình mình và tuyên truyền, vận động, chia sẻ để các hộ thành viên Tổ hợp tác chè Vân Tư (do anh làm Tổ trưởng) cũng như người dân địa phương cùng tham gia thực hiện.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202312/nguoinong-dan-tu-san-xuat-phan-bon-huu-co-1ae1932/