Người nuôi cá tra kiệt sức

Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL đã chủ động nuôi giảm mật độ tới 50% so với năm 2008. Hầu hết không còn nợ ngân hàng mà nợ cơ sở bán thức ăn thủy sản với lãi suất cao

Ngày 23- 6, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị ra mắt phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo (BCĐ) Sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì, với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước VN và lãnh đạo UBND các tỉnh, TP có sản lượng nuôi cá da trơn lớn trong khu vực. Trước đó, ngày 18-5, trước tình hình cá da trơn liên tục vướng đầu ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập BCĐ này. Diện tích nuôi tăng, tiêu thụ giảm Trong khoảng 7 năm gần đây, nhất là từ năm 2006 đến nay, nghề nuôi cá tra đã phát triển mạnh ở ĐBSCL và cả nước. Năm 2006, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL chỉ 3.797 ha, năm 2008 đã tăng lên đến 5.700 ha. Diện tích đã thu hoạch đến ngày 19- 6 là 1.133 ha, với sản lượng 312.337 tấn, năng suất bình quân 240 tấn/ha. Không tính lượng cá tồn đọng gần 7.000 tấn, sản lượng đến kỳ thu hoạch tính đến nay đã gần 120.000 tấn. Theo Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2009, giá cá tra giảm dần do thị trường xuất khẩu giảm. Nếu như đầu tháng 3-2009, giá cá tra tăng mạnh ở mức 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg đã giúp người nuôi có lãi khoảng 2.000 đồng/kg, thì đến tháng 5 và 6- 2009, giá cá tra đã sụt giảm mạnh do sản lượng tồn đọng năm 2008 rất lớn, khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến không mặn mà với việc thu mua. Người nuôi cá tra vẫn loay hoay tìm đầu ra. Ảnh: N.Trinh Trong khi đó, giá thức ăn còn tăng lên 300 đồng - 500 đồng/kg, khiến người nuôi cá tra càng kiệt sức vì bị đẩy vào thế bế tắc. Sản lượng tiêu thụ cá tra trong khu vực hiện chỉ đạt khoảng 10.000 tấn/tuần, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm phó BCĐ, cho rằng BCĐ phải lấy khả năng xuất khẩu để làm chuẩn cho những khâu khác, trong đó có sản xuất. Theo ông Năng, phải công bằng hơn trong việc phân bố chỉ tiêu sản lượng nuôi cá tra ở các tỉnh, TP. “Đây là BCĐ chứ không phải... ban chỉ đại” - ông Năng phát biểu. Cần cứu cả DN lẫn người nuôi Theo Bộ NN-PTNT, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL đã chủ động nuôi giảm mật độ tới 50% so với năm 2008, nên sản lượng có thể sẽ sụt giảm khoảng 200.000 tấn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, chế biến xuất khẩu cũng đang gặp một số khó khăn do nhiều cơ quan có thẩm quyền ở các nước có xu hướng dựng lên rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu để bảo hộ nền sản xuất thủy sản trong nước. Đây là lý do khiến DN VN rơi vào tình trạng tồn đọng cá tra trong thời gian dài. Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất hàng tồn kho năm 2008 cho các DN chế biến thủy sản. Không chỉ cứu DN, lãnh đạo nhiều địa phương còn đề nghị nên cứu cả người nuôi, bởi họ hầu như không còn nợ ngân hàng mà nợ cơ sở bán thức ăn thủy sản với lãi suất cao. Các địa phương đều kiến nghị BCĐ nên đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ lãi xuất hoặc cho vay lãi suất bằng 0% từ nay đến cuối năm 2009 để người nuôi quay lại với cá tra. Làm thiết thực, không theo kiểu phương hướng Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, ngành ngân hàng cần xem xét lại chính sách hỗ trợ lãi suất để không tăng nợ xấu trong người nuôi cá tra. Bộ trưởng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP ở ĐBSCL phải nhanh chóng rà soát, thống kê lại sản lượng cá tra tồn đọng để báo cáo lên Chính phủ nhằm có hướng tháo gỡ khó khăn cho DN lẫn người nuôi. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta phải làm thiết thực chứ không làm theo kiểu phương hướng nữa”. Bên cạnh yêu cầu sớm thành lập Hiệp hội Cá tra, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh ngay quy hoạch vùng và sản lượng nuôi cá da trơn, bởi muốn tăng giá trị xuất khẩu cá tra, nguồn cung phải thấp hơn cầu.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090624120831408p0c1014/nguoi-nuoi-ca-tra-kiet-suc.htm