Người phát huy giá trị văn hóa vạn chài Vung Viêng

Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long đã phát huy các giá trị văn hóa vạn chài bằng các sản phẩm du lịch độc đáo.

Chúng tôi gặp ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long trong dịp đi khảo sát phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long gần đây. Ông là một trong những người đầu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vạn chài bằng các sản phẩm du lịch. Gắn bó với Vung Viêng đã 11 năm với bao sóng gió, ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm ngư dân.

Ông Tăng Văn Phiến giới thiệu về vẻ đẹp Vung Viêng.

Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc này, ông Phiến cho biết: Tôi vốn là người Hạ Long, tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch của Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2008, trong một dịp đi khảo sát Vịnh Hạ Long, tôi phát hiện làng chài Vung Viêng là một trong những làng chài tiêu biểu trên Vịnh Hạ Long. Sau đó tình cờ tôi lại được sự hướng dẫn của chuyên gia du lịch của một hãng lữ hành lớn của Đức về phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống. Chúng tôi liền bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch.

Tháng 3/2008, HTX Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long ra đời. Sản phẩm đầu tay chính là chèo đò tham quan làng chài với 8 chiếc đò của ngư dân. Sản phẩm được tổ chức với hình thức du lịch cộng đồng, sự tham gia nhiệt tình, chất phác của người dân địa phương. Điều bất ngờ là, sản phẩm tưởng như đơn sơ với thế mạnh là cảnh quan, văn hóa làng chài lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với du khách. Nhờ đó, năm 2009, HTX phát triển lên 60 đò. Vung Viêng trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách quốc tế khi tham quan Vịnh. Giai đoạn 2009-2014, HTX đã đón trung bình 200.000-220.000 khách/năm với chất lượng phục vụ du khách ngày càng nâng cao.

Với kết quả khả quan đó, nhận thấy sức hút của văn hóa vạn chài, năm 2009, ông Phiến cùng các cộng sự lại tiếp tục phát triển cụm bè trung tâm rộng 600m2 ở làng chài Vung Viêng, trước để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, sau là làm nơi tham quan cho du khách. Cụm bè trung tâm được thiết kế đẹp, thân thiện với môi trường có cộng đồng, trường học, nhà trưng bày... Đây thực sự là một "bảo tàng" vạn chài thu nhỏ với nhà trưng bày ngư cụ, các hiện vật cổ sưu tập trong đời sống ngư dân, lớp trình diễn mỹ thuật ứng dụng các sản phẩm tranh giấy Nhật Bản do chính con em ngư dân làm... Về sau, cụm bè còn được bổ sung thêm mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững rộng 600-700m2 tái hiện lại hoạt động nuôi trồng thủy hải sản truyền thống sau khi ngư dân làng chài đã chuyển lên bờ.

Với cách làm tương tự, ông đã xin các cơ quan chức năng tiến hành thử nghiệm nhiều sản phẩm du lịch như: Trải nghiệm đánh cá cùng ngư dân, đua thuyền rồng, tiệc ẩm thực làng chài, trải nghiệm thuyền buồm không động cơ, chèo kayake khám phá làng chài...

Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo đò tham quan Vung Viêng.

Tới nay, ông Phiến và Ban quản trị HTX đã biến Vung Viêng thành điểm đến khám phá văn hóa vạn chài hấp dẫn, đồng thời tạo công ăn, việc làm ổn định cho khoảng 145 người, trong đó 90% là ngư dân. Vung Viêng cũng trở thành điểm đến của các hãng du lịch lớn như: Exotissimo, Bayha, Đông Dương... Sản phẩm du lịch chèo đò cũng được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 5.

Tạ Quân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201901/guong-mat-nguoi-vung-than-nguoi-phat-huy-gia-tri-van-hoa-van-chai-vung-vieng-2416449/