Người phụ nữ biến rác hữu cơ thành 'vàng'

Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở huyện Sóc Sơn đã tự xử lý rác thải hữu cơ tại nhà bằng chế phẩm IMO (vi sinh vật bản địa).

Bà Liên tập huấn điều chế chế phẩm IMO cho hội viên phụ nữ xã Hoa Sơn, Ứng Hòa. (Ảnh do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ứng Hòa cung cấp)

Có được thành công trên là nhờ đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021 - 2023” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn.

Trong cơn bĩ cực tìm ra giải pháp

Bà Nguyễn Thị Liên sinh năm 1953, cựu thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, hiện đang là chủ trang trại giun quế GHT ở thôn Tân Phú, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội chính là người đề xuất và tập huấn cho chị em phụ nữ sản xuất, xử lý rác hữu cơ bằng IMO trong 3 năm qua.

Năm 2015, con trai bà Liên mắc bệnh nan y phải nằm một chỗ, phòng bốc mùi rất nồng nặc (cả mùi phân) cho dù bà Liên đã dùng nhiều cách như lắp quạt nhưng không hiệu quả, đặc biệt vào mùa Hè oi bức phải bật điều hòa, mùi càng khủng khiếp hơn. Bà Liên đã sử dụng chanh, sả, gừng để khử mùi nhưng chỉ làm thứ mùi hỗn hợp đó khó ngửi hơn.

Suốt 5 năm tìm kiếm giải pháp để khử mùi hôi thối trong phòng bệnh của con trai, bà Liên mới biết đến Liên minh Nông nghiệp tử tế do ông Hoàng Sơn Công sáng lập. Trong nhóm Liên minh, bà Liên bị lôi cuốn bởi cụm từ xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) và chỉ sau 3 ngày xịt chế phẩm IMO vào bất kỳ loại rác thải nào hôi thối nhất cũng sẽ hết mùi, thậm chí có mùi “thơm” hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Liên là người khởi xướng mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ nhân rộng mô hình, đến nay đa số hộ gia đình ở xã Phú Cường đều áp dụng IMO để xử lý rác sinh hoạt. Cảnh quan, môi trường xã Phú Cường thêm xanh sạch đẹp hơn rất nhiều một phần nhờ vào mô hình hữu ích mà cô Liên đề xuất.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn)
Trần Thị Hằng

Sẵn nguyên liệu từ trang trại, bà Liên thu gom chuối, đu đủ, cám gạo, men tiêu hóa, đường sữa chua bóp nát, trộn đều và ủ chúng vào trong 3 ngày. Chế phẩm IMO ra đời, bà Liên mang ngay đến để xử lý chất thải sinh hoạt trong phòng con trai và hiệu quả ngay lập tức, mùi hôi thối, tanh bị loại bỏ hoàn toàn.

Không chỉ dừng lại sản xuất chế phẩm IMO để khử mùi phòng con trai, bà Liên còn sử dụng IMO để sản xuất phân hữu cơ để bón cho vườn rau, phong lan. Rồi sản xuất IMO thuốc trừ sâu (từ gừng, tỏi, ớt...) để phun lên cây cối trong vườn nhà. Sâu bệnh gặp phải chế phẩm bị tê rồi dần dần rụng xuống khỏi cây.

Trong trang trại rộng tới 2.000m2, nuôi khoảng 400 con lợn của bà Liên là những chu trình hữu cơ khép kín. Bà Liên nuôi giun quế để cho lợn ăn rồi lại lấy phân lợn nuôi giun quế. Rác thải hữu cơ trong trang trại được chuyển thành phân hữu cơ bằng chế phẩm IMO để làm phân bón cho cây trồng, vườn rau.

Nhân rộng mô hình khắp Thủ đô

Trước năm 2020, Sóc Sơn có bãi rác Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, còn ở các xã thì 2 ngày mới thu gom rác một lần. Các hộ gia đình thường để rác ngoài cổng nên rác bốc mùi và ám vào trong nhà, gây mất mỹ quan xóm làng. Với mong muốn nhân rộng phương pháp xử lý rác hữu cơ bằng IMO, cải thiện môi trường, bà Liên đã chủ động kết nối với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn để trình bày ý tưởng, triển khai ra toàn huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn rất đồng tình và ủng hộ. Ngay lập tức Hội đã đến trang trại của bà Liên khảo sát và xây dựng đề án.

Bà Liên trực tiếp hướng dẫn các chị em phụ nữ điều chế sinh phẩm IMO.

Hội đã tổ chức các buổi tập huấn điều chế sinh phẩm IMO do bà Liên trực tiếp hướng dẫn. Để chị em phụ nữ tin tưởng, bà Liên dùng IMO xịt lên một đống rác hữu cơ to tại xã Phú Cường và chỉ sau 5 ngày, đống rác to như đống rơm đã xẹp xuống và không còn mùi hôi thối. Chỗ phân hữu cơ đó, bà Liên mang đi bón cây trồng và rất tốt cho đất.

Mục sở thị thấy hiệu quả, chị em phụ nữ rất háo hức tự tay điều chế IMO để xử lý rác thải hữu cơ trong gia đình. Hội Phụ nữ huyện đã triển khai đề án Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021 - 2023 và chọn xã Đông Xuân, Phú Cường làm điểm.

Đến nay đề án đã đạt được nhiều thành công, môi trường và cảnh quan công cộng của huyện Sóc Sơn được cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng bãi rác hữu cơ tự phát, bãi rác Nam Sơn cũng được giảm tải đáng kể. Không chỉ dừng lại ở phạm vi huyện Sóc Sơn, bà Liên còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội để nhân rộng mô hình sản xuất và xử lý rác thải IMO tại các quận, huyện.

Gần nhất, ngày 31/5, bà Liên đã tập huấn mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch” tại thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa. Tại hội nghị tập huấn, bà Liên đã hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ cách điều chế IMO, tạo men ủ rơm, rạ sau thu hoạch.

Đặc biệt hơn là công nghệ ủ này, ngoài rơm rạ, các chị em hội viên có thể tận dụng nhiều phế phẩm nông nghiệp khác như thân của các loại cây ngô, đu đủ, bèo tây… để tạo thành phân bón hữu cơ, giàu dinh dưỡng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe con người, mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, giúp chị em nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Hội nghị tập huấn đã làm thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ về tác hại của việc đốt rơm, rạ và tận dụng nguồn rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng có sẵn tại đồng ruộng để chế biến thành phân bón hữu cơ; các biện pháp xử lý, tái chế rơm, rạ, cây trồng sau vụ thu hoạch. Đồng thời góp phần giảm thiểu chi phí trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Được biết, với sáng kiến Sản xuất chế phẩm IMO để xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, bà Liên đã tham gia cuộc thi “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2021 và đạt được giải Nhì (không có giải Nhất).

Nguyễn Văn Công (Thường Tín, Hà Nội)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-phu-nu-bien-rac-huu-co-thanh-vang.html