Người phụ nữ can đảm trông giữ nghĩa trang hằng đêm, rơi nước mắt khi nhắc chuyện gia đình

Suốt 10 năm qua, chị Trần Thị Mỵ (SN 1978, ở Lương Sơn, Hòa Bình) vẫn cần mẫn với công việc trông coi nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình). Khó khăn, áp lực và không ít lần 'rợn tóc gáy', thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày gắn bó với công việc đặc biệt này.

Người phụ nữ nhỏ thó hằng đêm trông giữ nghĩa trang

Không khí ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) đang đến rất gần, những ngày này, các bà, các mẹ, các chị không khỏi hân hoan và hạnh phúc khi nhận được những lời chúc, những bó hoa tươi thắm từ những người thân yêu của mình.

Thế nhưng, ngoài kia còn rất nhiều những người phụ nữ vẫn đang miệt mài với công việc, bởi cuộc sống mưu sinh trăm ngàn vất vả, bởi đặc thù công việc khiến họ quên đi ngày của chính mình. Điển hình như trường hợp của chị Trần Thị Mỵ (SN 1978, ở Lương Sơn, Hòa Bình).

Chị Trần Thị Mỵ - người phụ nữ đang làm công việc trông coi nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình)

Chị Trần Thị Mỵ - người phụ nữ đang làm công việc trông coi nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình)

Hàng đêm, người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn ấy vẫn cầm đèn phin đi trông coi nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), lau dọn mộ cho người đã khuất, thậm chí nếu có ai mới mất chuyển về nghĩa trang chị lại đến trước chuẩn bị, rồi về cuối cùng khi họ đã an táng xong.

Đã 10 năm gắn bó với công việc này tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), chị Mỵ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng chỉ có một thứ duy nhất không thay đổi đó là công việc chị đang làm.

Do đặc thù công việc, chị Mỵ gần như phải thức thâu đêm

Do đặc thù công việc, chị Mỵ gần như phải thức thâu đêm, đi xung quanh các hàng mộ ở khu vực mình quản lý để trông nom, lau dọn nếu có bụi bẩn hoặc dẹp bỏ những vật thể lạ ở trong khuôn viên mộ phần. Đôi khi, chính chị Mỵ còn thay người nhà thắp hương cho những ngôi mộ mới chuyển về an táng. Ngoài bảo vệ nghĩa trang, mỗi khi có người đã khuất chuyển về nghĩa trang, chị lại làm thêm công việc chuẩn bị từ phông bạt, bàn ghế, nước nôi…thậm chí là kiêm cả chân hướng dẫn gia đình lên miếu, chùa thắp hương.

“Có người về an táng lúc sáng sớm tinh mơ, thì tôi phải có mặt trước đó từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị. Sau khi an táng xong tôi lại dọn dẹp sạch sẽ mới ra về. Mùa đông nhiều đêm mưa rét, một mình mặc áo mưa vẫn lọ mọ giữa các hàng mộ 4-5 tiếng, có ngày tới 3 phần mộ đưa vào, một mình làm hết... những người quen biết của tôi đều phục tôi. Bản thân tôi thì không cảm thấy vất vả, tôi thấy vui khi được làm công việc đặc biệt này, hơn thế nữa là giúp gia đình những người đã khuất lo được hậu sự chu toàn”, chị Mỵ chia sẻ.

Công việc không phải ai cũng dám làm, thế nhưng, chị Mỵ vẫn quyết định gắn bó vì cái duyên khó nói

Tổ bảo vệ nơi chị Mỵ làm việc có 5 người thì chỉ có duy nhất chị là nữ. Có lẽ, không phải ai cũng có đủ can đảm để làm công việc này, thế nhưng, vì một lý do nào đó, người ta vẫn chọn để bám trụ. Còn với chị Mỵ, chị chọn gắn bó để kiếm tiền nuôi con ăn học và hơn nữa cũng là cái duyên.

Chị Mỵ chia sẻ, phụ nữ làm bảo vệ đã ít, nhưng lại làm bảo vệ ở nghĩa trang thì chắc ai nghe cũng rùng mình. Thời gian đầu mới làm, chị cũng sợ “rợn tóc gáy”, thế rồi, sau một thời gian, chị cũng đã quen với công việc hiện tại.

“Các cụ thương” vẫn để cho mình được phục vụ nên nghĩ đó là cái duyên với công việc này. “Trước có những người đàn ông làm công việc này, nhưng đêm cứ bị “trêu” suốt, mang cả theo tỏi bên người nhưng cuối cùng phải nghỉ hoặc chuyển công việc khác”, chị Mỵ nói.

Công việc nào cũng có khó khăn, thế nhưng, chị Mỵ luôn dốc tâm làm việc tròn trách nhiệm

Công việc nào cũng có khó khăn, áp lực, chị Mỵ cũng không tránh khỏi điều này. Hơn 10 năm làm nghề, người phụ nữ ấy không ít lần phải cắn răng chịu những lời nói khó nghe của gia đình những người đã khất. Những lúc đó, chị lại tự nhủ rằng, họ đang tang gia bối rối nên thông cảm và chia sẻ với gia đình họ, chứ không dám nói lại nửa lời. Qua đi cảm giác tủi hờn ấy, chị Mỵ lại tập trung vào công việc, không bao giờ để hai từ “dối trá” ở trong đầu, luôn nghĩ cố gắng làm hết sức, đúng bổn phận, trách nhiệm của mình.

Can đảm trông giữ cả nghĩa trang, thế nhưng nhắc về gia đình, chị lại yếu mềm bật khóc

Vốn người phụ nữ can đảm, dám trông coi nghĩa trang ban đêm nhưng khi nhắc về gia đình nước mắt chị Mỵ lại rơi. Công việc khá thuận lợi nhưng cuộc sống gia đình lại không mấy suôn sẻ. Hiện hai vợ chồng chị đã ly thân, chị chuyển về ở với mẹ đẻ, một mình nuôi hai con.

“Trước tôi làm khu công nghiệp xa nhà, lương thấp chẳng đủ sống, rồi con nhỏ ốm đau xin nghỉ liên tục. Vì lý do đó tôi mới xin làm công việc này để được gần nhà, gần các con và có tiền trang trải cuộc sống”, chị Mỵ kể.

Cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ khiến người phụ nữ có lúc chạnh lòng.

Không có chồng sát cánh, chị dành hết tình cảm cho 2 con, bất chấp mọi khó khăn, vất vả, chỉ mong sao con được ăn học tới nơi, tới chốn. Dù là ca đêm nhưng không vì thế mà người phụ nữ này phó mặc con cho bà ngoại. Hàng đêm, trong màn đêm mịt mù, với những ánh đèn lay lắt phát ra từ các ngôi mộ, chị Mỵ tay vừa cầm đèn pin, vừa gọi về động viên con học tập, rồi đi ngủ đúng giờ.

“Ngày còn nhỏ có những hôm con khóc vì thương mẹ, muốn mẹ về mà tôi rơi nước mắt, muốn chạy luôn về ôm con vào lòng nhưng vì công việc nên đành hai mẹ con động viên nhau. Giờ con đã 12 tuổi, hiểu chuyện hơn nên không đòi mẹ về như trước, nhưng hôm nào cũng điện thoại cho nhau”, người mẹ này kể.

Dù bận công việc, chị vẫn tranh thủ gọi về nói chuyện với con gái hằng ngày

Khi nhắc về dịp 8/3, chị Mỵ cho biết, ngày này chị vẫn phải đi trực, thế nhưng, chị vẫn sẽ cố gắng bố trí để có thời gian về bên con gái, mua tặng con món quà hoặc đưa con đi chơi.

Khi nhắc về con gái, ánh mắt người mẹ lại ánh lên niềm vui xen lẫn tự hào. Chị kể: "Vài năm nay thấy mẹ vất vả nên những ngày 8/3 hay sinh nhật mẹ, cháu đều lấy tiền tiết kiệm ăn sáng để mua quà tặng mẹ. Với tôi sức khỏe con là món quà lớn nhất, còn những món quà vật chất cũng là nguồn động viên để tôi cố gắng làm việc tốt, kiếm tiền lo cho con”.

Phương Linh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/chuyen-nguoi-phu-nu-can-dam-trong-giu-nghia-trang-hang-dem-202303080725547155.html