Người phụ nữ dân tộc thiểu số năng động, làm kinh tế giỏi

Không cam chịu cuộc sống đói nghèo, chị Cầm Thị Hương, dân tộc Thái, ở khu phố 3, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) đã nỗ lực phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động và tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Chị Cầm Thị Hương (bên trái) cùng kế toán của nhà máy thống kê số lượng gạch đã sản xuất trong ngày. Ảnh: Xuân Anh

Chị Cầm Thị Hương sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Xuân Lẹ. Thương bố mẹ vất vả, chị đã từ bỏ ước mơ ngồi trên ghế giảng đường đại học, ở nhà giúp đỡ gia đình. Năm 1995, chị Hương xây dựng gia đình với anh Lê Gia Mậu ở thị trấn Thường Xuân. Sau khi kết hôn, anh chị được bố mẹ cho ra ở riêng, tài sản duy nhất chỉ là căn nhà cấp bốn, hai vợ chồng loay hoay với đủ mọi nghề, để lo cho con cái ăn học. Với đức tính cần cù và quyết tâm vượt khó, sau một thời gian mưu sinh, gia đình chị Hương đã tiết kiệm được một số vốn để phục vụ chuyển đổi công việc. Nhận thấy việc sản xuất gạch không nung được người dân tin dùng, chị đã bàn bạc với chồng thuê đất để xây dựng nhà máy. Năm 2017, chị Hương đã đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất.

Những năm đầu đi vào hoạt động, chị gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu vốn, không có thị trường tiêu thụ. Nhưng với ý chí quyết tâm, chị đã vay vốn của ngân hàng, bạn bè, mua sắm máy móc hiện đại, lựa chọn vật liệu đầu vào có chất lượng để sản xuất. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sau một thời gian, gạch không nung của gia đình chị được nhiều khách hàng lựa chọn.

Năm 2019, gia đình chị Hương tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà máy và sản xuất thêm loại gạch không nung dùng lát vỉa hè, sân vườn ở các khu đô thị. Năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19, không bán được sản phẩm, sản xuất cầm chừng, khó khăn là vậy, nhưng chị Hương vẫn cố gắng "giữ chân” người lao động, trả lương kịp thời và có thêm những hỗ trợ khác. Hiện nhà máy sản xuất gạch không nung của gia đình chị Hương ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng, bình quân mỗi năm sản xuất được 17 triệu viên gạch/năm. Việc chị Hương mở rộng nhà máy sản xuất đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương, với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ theo quy định. Thành công trong phát triển kinh tế, chị Hương có điều kiện chăm sóc các con học tập. Hiện, hai người con trai của chị đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, chị Hương luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, ủng hộ kinh phí cho “Quỹ vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Chị Hương chia sẻ: "Bản thân tôi đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, khi kinh tế ổn định hơn, tôi muốn chia sẻ với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống".

Với tâm niệm “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần “Tương thân tương ái”, mỗi năm chị Hương đều dành hàng chục triệu đồng để thăm hỏi các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, học sinh nghèo vượt khó, nhân các ngày lễ, tết trong năm. Nhiều năm chị đã tích cực cùng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Xuân chia sẻ, giúp đỡ vật chất cho nhiều chị em phụ nữ vùng biên giới xã Bát Mọt. Ngoài ra, chị Hương còn thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ với các gia đình gặp rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn huyện.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế nhưng chị Hương chưa bao giờ bằng lòng với bản thân mình. Chị cho biết: "Vì mưu sinh mà nhiều cặp vợ chồng phải đi làm ăn xa, không có điều kiện sát sao con cái. Những năm tới, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm hơn nữa cho lao động, để họ làm việc gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình; tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, góp một phần sức lực nhỏ bé để hỗ trợ, động viên các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".

Nhận xét về chị Cầm Thị Hương, ông Lê Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, cho biết: Chị Cầm Thị Hương là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu. Chị đã nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Những việc làm của chị được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị trấn ghi nhận; mong rằng thời gian tới, chị tiếp tục tham gia cùng với địa phương trong công tác an sinh xã hội.

Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nguoi-phu-nu-dan-toc-thieu-so-nang-dong-lam-kinh-te-gioi/196411.htm