Người phụ nữ dành cả tuổi xuân làm đẹp phố phường

Gắn bó với công việc quét rác đã 30 năm nay, dù vất vả, áp lực nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu (52 tuổi) chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Bởi, tình yêu với nghề và cả sự trăn trở lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

12g đêm, tiếng chổi tre vẫn lặng lẽ trên đường phố. Bóng người công nhân lẻ loi hắt xuống mặt đường trên gương mặt lấm tấm mồ hôi dù thời tiết về đêm chuyển lạnh. Tạm nghỉ, uống ngụm nước lấy sức, cô Thanh Hiếu, tổ trưởng sản xuất của tổ Môi trường số 1 chia sẻ với PV về công việc lao động rất đỗi bình thường của mình.

Nhiều người thường nghĩ rằng, nghề quét rác đường phố nhàn nhạ khi chỉ cần vài thao tác quét, dọn là hoàn thành công việc. Thực tế, công việc vất vả và áp lực. Thùng xe rác 660 lít, chiếc chổi, chiếc xẻng là những vật dụng thân quen với những công nhân vệ sinh môi trường. Chúng tôi thường đi thu gom khắp tuyến phố, đến khi thùng đầy rác là vận chuyển về điểm tập kết để đưa lên xe rác chuyển đến khu rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu vinh dự tuyên dương là 10 Công dân ưu tú Thủ đô 2019. Ảnh: M.Miên

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu vinh dự tuyên dương là 10 Công dân ưu tú Thủ đô 2019. Ảnh: M.Miên

Đặc thù nghề quét rác gắn liền với nắng, mưa, với đường phố, bụi bặm và tiềm ẩn cả những tai nạn giao thông rình rập. Những ngày trời mưa gió, nhiều người được làm việc ở trong nhà, khu an toàn thì công nhân môi trường phải dầm mưa ở ngoài đường để thu gom rác, cành cây gẫy… để trả lại cảnh quan cho khu phố. Vất vả, lắm gian truân, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe và lòng nhiệt tình yêu nghề. Cách đây 3 năm, khi chưa vận dụng cơ giới hóa vào thu gom rác thải thì đồng lương công nhân vệ sinh môi trường ổn định hơn. Từ khi đồng bộ cơ giới hóa, các máy hút rác thải dù giảm tải sức người cho công việc thu gom rác vẫn tồn tại một nghịch lý. Đó là các công nhân vệ sinh môi trường phải thủ công đi sau quét dọn, thu gom những vật dụng như cành cây, que kem mà máy hút bị kẹt. Thế nên, việc áp dụng cơ giới hóa đồng nghĩa việc cắt giảm nhân sự trong khi khối lượng công việc vẫn nhiều, đồng lương công nhân thấp nên nhiều người không mặn mà với nghề.

Với nhiệm vụ phục vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc, địa bàn trung tâm TP Hà Nội, thường xuyên đón khách du lịch tham quan, số lượng các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhiều, lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Trong khi đó, việc vận tải khó khăn vì các tuyến phố hẹp, ngắn. Đó là thách thức lớn với những công nhân vệ sinh môi trường. Cô Thanh Hiếu với vai trò tổ trưởng sản xuất luôn kịp thời động viên, quan tâm đến những tổ viên, chia sẻ mọi khó khăn để họ gắn bó với nghề. Trong Tổ môi trường số 1 hiện có 19 công nhân trong đó có 3 nam giới, trẻ nhất là 31 tuổi. Và họ đều có thâm niên 15-20 năm với nghề. Tết dương lịch năm nay, tổ Môi trường số 1 phải thuê thêm 10 người làm. Trước đây, các tổ khác dư thừa công nhân thì được điều động hỗ trợ, song vài năm nay, nhân lực sụt giảm, không tuyển được người. Theo cô Hiếu, việc thuê người lại chính là những công nhân đã nghỉ hưu, có người nay đã ngoài 60 tuổi.

Cũng trong dịp Tết dương lịch vừa qua, cô Thanh Hiếu phải tăng ca, tăng giờ. Cô đi làm từ 3g chiều ngày hôm trước, 4g sáng mới về đến nhà. Về đến nhà là cánh tay mỏi nhừ. Thế nhưng, ngủ được chốc lát, cô lại phải tất tả đi chợ, nấu cơm cho con, cháu trong gia đình. Nhanh chóng sắp xếp nhà cửa, công việc nhà để vào ca lúc 4g chiều. Những ngày Tết Nguyên đán, công việc lại bận rộn rơn.

Hơn nữa, đặc thù công việc ca ngày dậy sớm, ca đêm thì thức khuya. Công việc vất vả độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Vừa qua, có công nhân trong lúc đưa rác lên xe bị gãy đứt ngón tay, phải bó bột và nghỉ làm vài tháng. Chuyện 2 nữ công nhân thoát chết trên phố đi bộ hồ Gươm vì xe tải đâm vào thùng rác là những ám ảnh với nghề. Kể về trường hợp bị xe tải đâm vào thùng rác, đó là trong lúc 2 công nhân đẩy xe rác trên đường, chiếc xe từ đâu lao tới, thùng xe rác bị bẹp rúm, 2 nữ công nhân may mắn chạy được. Vài ngày sau, một nữ công nhân xin nghỉ việc vì tâm lý quá sợ hãi.

Gắn bó với nghề, cô Hiếu cũng nếm trải đủ cung bậc buồn, vui khác nhau. Nỗi buồn ngoài công việc, đó là từ sự thiếu ý thức, tôn trọng của một bộ phận người dân. Có hộ kinh doanh hàng cá kho ở khu chợ Nam Ngư, hay hàng phở nổi tiếng mỗi ngày có gần xe xỉ than nhưng nhất quyết không chịu đóng phí môi trường. Nhân viên môi trường đến thu thì “né tránh” hoặc là chây ì không muốn đóng. Thậm chí, họ còn quát tháo, xua đuổi. Có gia đình sinh sống vài thế hệ, nhà đông người nhưng chỉ báo có 1-2 người sinh sống… Năm ngoái, chúng tôi kiến nghị nhờ sự vào cuộc của UBND phường và tổ trưởng tổ dân phố nên việc thu phí đỡ trầy trật hơn.

Nhưng năm vừa qua việc thu phí được giao trở lại cho bên môi trường. Bận rộn với vai trò công nhân quét dọn, nhưng cô Hiếu vẫn còn gánh thêm nhiệm vụ đồng hành với nhân viên môi trường đến tuyên truyền, nhắc nhở. “Nghĩ lại cũng buồn, nghề bạc, vất vả, dân lại không coi trọng, xã hội chưa được quan tâm với đồng lương không đảm bảo được cuộc sống”, cô Hiếu trải lòng. Đằng sau nỗi buồn thầm lặng phía sau tiếng chổi tre, ít nhiều có những khoảnh khắc, niềm vui, thanh âm hạnh phúc giản đơn khi được người dân động viên, khích lệ. Có những người tốt họ hiểu nghề và quý trọng nghề của mình. 30 năm đón Tết trên mặt đường, cô Hiếu nhớ kỷ niệm đôi vợ chồng với 2 đứa con đến chúc Tết từng công nhân. Đó là món quà ý nghĩa đầu năm mới với những người chưa bao giờ được đón Tết ở nhà như các cô.

30 năm là công nhân vệ sinh môi trường, với sự phấn đấu, nỗ lực của bản thân, năm 2008, cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu (SN 1968, tại Hà Nội) được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng sản xuất của tổ Môi trường số 1. Địa bàn phục vụ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng là lao động tự do bị ung thư mất sớm (nhà có 5 chị em gái và 3 cháu làm công nhân tại Cty Môi trường) nhưng cô Hiếu đã khắc phục mọi khó khăn, bố trí công việc gia đình để giải quyết công việc và các sự cố phát sinh trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô Nguyễn Thị Thanh Hiếu được vinh dự tuyên dương là 10 Công dân ưu tú Thủ đô 2019.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-phu-nu-danh-ca-tuoi-xuan-lam-dep-pho-phuong-175822.html