Người phụ nữ đầu tiên của Thanh Hóa được nhận giải thưởng Kova là người khuyết tật

Ngày 15.11, tại buổi họp báo thường kỳ do Sở TTTT Thanh Hóa tổ chức, ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa - cho hay, vào ngày 2.12 tới đây, chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa sẽ được nhận giải thưởng Kova.

Nguyễn Thị Thu Hiền - người phụ nữ đầu tiên của Thanh Hóa sẽ được nhận Giải thưởng Kova.

Nguyễn Thị Thu Hiền chỉ cao 88cm nhưng chị đã phấn đấu nghị lực vượt qua khó khăn, vượt lên số phận, giành nhiều thành công trong cuộc sống và truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác. Đến nay, Hiền đã tốt nghiệp 3 trường đại học, là Giám đốc Cty TNHH Suri.

Nguyễn Thị Thu Hiền đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên và sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. “Rất tự hào vì Nguyễn Thị Thu Hiền là người phụ nữ đầu tiên của Thanh Hóa, là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này” – ông Lê Hồng Lương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Hồng Lương, hiện Thanh Hóa “có hàng trăm Nick Vujisic”. Điển hình là các tấm gương như anh Lê Văn Tuấn ở Đông Thịnh, Đông Sơn là người khuyết tật nặng đôi chân. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã về dạy học ở làng. Sau 9 năm dạy học, số lượng học sinh của Tuấn đã lên đến hàng nghìn em; có khoảng 700 em đậu vào đại học, cao đẳng. Tuấn đã được nhận học bổng do Tổ chức Rencontres du Vietnam của Pháp và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Lê Văn Tuấn cũng là nhân vật chính trong nhiều phóng sự của Đài truyền hình trung ương và địa phương truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người khuyết tật và cả người bình thường. Ngày 22.1.2014, Tuấn đã vinh dự nhận thư khen của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.

Anh Cao Văn Tuân, người khuyết tật ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương là tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó. Năm 2005, Tuân thi vào Đại học Huế và đỗ thủ khoa. Sau 4 năm, Tuân tốt nghiệp loại giỏi. Hiện Tuân là chủ cơ sở tranh gạo rang.

Ông Lê Hồng Lương cho hay, quá trình hình thành phát triển nghề làm tranh lạ, độc đáo của Tuân gặp nhiều khó khăn. Song với kiến thức, nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, Tuân đã thành công, nhiều sản phẩm tranh gạo của em được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài nước. Tuân cũng là nhân vật trong phóng sự về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện cơ sở của Tuân đang tạo việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định...

“Đó chỉ là vài tấm gương điển hình trong hàng trăm tấm gương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” – ông Lương nói.

Cũng theo ông Lương, tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 217.000 người khuyết tật bao gồm: Thương binh, bệnh binh, nạn nhân da cam, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do ốm đâu, do chiến tranh và các nguyên nhân khác. Thanh Hóa hiện cũng có tới 21.600 trẻ mồ côi.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa cũng cho rằng, hiện cơ chế chính sách cho người khuyết tật và trẻ mồ côi nhiều nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập như tiếp cận vốn, bệnh viện, công trình công sở, nhà hàng rất khó cho người khuyết tật. Ngay nhà hát Lam Sơn khi xây dựng, hội phải có ý kiến với Tỉnh ủy mới có đường cho người khuyết tật.

Trần Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-phu-nu-dau-tien-cua-thanh-hoa-duoc-nhan-giai-thuong-kova-la-nguoi-khuyet-tat-576192.ldo