Người phụ nữ Do Thái thoát nạn diệt chủng vì trốn ngay trong nhà sĩ quan Đức Quốc xã

Bà Elsa Koditschek – một người Do Thái đã thoát chết bằng trí thông minh của mình khi lựa chọn sống ngay trong nhà của một sĩ quan Đức Quốc xã.

Bà Elsa Koditschek. Ảnh: Getty

Trong Thế chiến thứ II, phát xít Đức đã gây ra thảm họa diệt chủng Holocaust khiến hơn 11 triệu người thiệt mạng, trong đó có hơn 6 triệu người Do Thái. Holocaust được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Vào năm 1940, bà Elsa Koditschek đang sống trong một khu vực thịnh vượng ở Vienna, gần chân đồi của dãy núi Alps thì Đức Quốc xã sáp nhập Áo, tịch thu nhà của bà. Một sĩ quan lãnh đạo trong lực lượng SS được cho là sẽ sớm chuyển đến.

Bà Koditschek, một người Do Thái, được phép ở lại căn hộ ở tầng trên trong khoảng 1 năm sau đó, rồi bà bị trục xuất đến khu ổ chuột ở Ba Lan. Không chấp nhận thực tế, bà đã chạy trốn, để lại đằng sau tất cả tài sản của cuộc đời mình, bao gồm cả tác phẩm nghệ thuật lớn duy nhất mà bà từng mua, một bức vẽ của họa sĩ Egon Schiele.

Trong nhiều năm, bà đã trốn ở nhà của những người bạn không phải người Do Thái nhưng cuối cùng, bà cảm thấy tuyệt vọng và “đánh liều” quay về ẩn náu tại ngôi nhà của chính mình xưa kia, hiện trở thành nhà của sĩ quan Đức Quốc xã. Bà sống yên tĩnh, bí mật với một người thuê nhà ở tầng trên.

Kể từ đó, rất nhiều lần bà theo dõi viên sĩ quan SS tên là Herbert Gerbing, thấy ông ta cùng gia đình ngồi nghỉ ở trong vườn. Tại thời điểm đó, Gerbing đã tham gia vào quá trình trục xuất hàng triệu người Do Thái trên khắp châu Âu nhưng không hề biết ngay trong nhà hắn cũng có một phụ nữ Do Thái.

"Ai dám nghĩ rằng mẹ lại sống trong cùng một mái nhà với sĩ quan SS?", bà Koditschek viết trong một bức thư gửi cho con trai mình là Paul - người đã chuyển đến New York, nước Mỹ từ trước đó.

Từ bức tranh nổi tiếng, câu chuyện về cuộc lẩn trốn li kỳ của bà Koditschek được biết đến nhiều hơn. Ảnh: Getty

Vì phải vật lộn để tồn tại, bà Koditschek đã bán đi bức tranh của Egon Schiele mà bà yêu quý. Sau này, bức tranh cũng bị bán thêm nhiều lần nữa. Từ những lá thư của viết tay của bà mà họ hàng còn giữ, gia đình cũng như các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra nguồn gốc thực sự của bức tranh. Vào mùa Thu năm 2018, trong phiên đấu giá ở New York, bức tranh được ước tính có giá trị khoảng 12 triệu đến 18 triệu USD. Những người thừa kế của bà Koditschek dự kiến sẽ chia sẻ số tiền thu được với chủ sở hữu hiện tại của bức tranh quý hiếm.

Có lẽ đáng chú ý hơn bức tranh là câu chuyện kèm với nó: người phụ nữ bị Đức Quốc xã trục xuất, cuối cùng lại trở về ngôi nhà của mình, nay thuộc về người khác và sống trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến. Ông Steven Luckert, một nhà sử học làm việc tại Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust ở Washington cho biết những trải nghiệm của bà Koditschek thật đáng đáng kinh ngạc, phản ánh cách mà người Do Thái lựa chọn để sống sót, thoát khỏi nạn diệt chủng.

"Thực tế là bà ấy đã sống trong cùng một ngôi nhà với kẻ phải người chịu trách nhiệm trục xuất hết người Do Thái", ông Luckert nói.

Bà Koditschek vốn là góa phụ của một chủ ngân hàng, đã gửi con trai và con gái đi đến nơi an toàn trước khi Châu Âu bị nhấn chìm trong chiến tranh. Tuy nhiên, bà kiên quyết ở lại Vienna, sống trong ngôi nhà 3 tầng mà chồng bà đã xây dựng từ năm 1911. Bà sống ở tầng một, phía dưới người thuê nhà lâu năm là Sylvia Kosminski - người thường được biết đến với cái tên “dì Sylvia” mặc dù 2 người không phải họ hàng thân thiết.

Khi sĩ quan Đức Quốc xã và gia đình ông ta đến sống ở tầng 1, bà Koditschek chuyển lên tầng 2, sống chung với dì Sylvia, mang theo bức tranh của Schiele.

Ông Yad Vashem làm việc tại trung tâm tưởng nhớ Holocaust của Israel mô tả sĩ quan Gerbing là một nhân vật chủ chốt trong việc thực hiện những chính sách đàn áp người Do Thái, bao gồm các hành động như "tấn công và bắt giữ tàn bạo, gây thương tích cho người bị giam giữ".

Sau khi bị trục xuất, không muốn bị dồn đến trại ở Ba Lan, bà Koditschek phải chạy trốn, đến sống với một gia đình tên là Heinz và dành hầu hết thời gian ở trong nhà. Bà đã vượt qua khoảng thời gian cô đơn bằng cách học tiếng Anh hoặc chơi cờ một mình. Nhưng cuộc sống của bà đã bị gián đoạn vào năm 1943 khi bà Koditschek phát hiện thấy ông Heinz về nhà "dưới sự hộ tống của một số người đàn ông lạ mặt". Họ bắt đầu tìm kiếm căn hộ. Bà lại một lần nữa phải trốn đi trong đêm.

Dưới sự che chở của bóng tối, bà Koditschek gặp lại dì Sylvia và họ trở về nhà, lao vào trong căn phòng trên tầng 2. Trong 2 năm sau đó, bà sống một cuộc sống bí mật, ngủ trên một giường tạm bợ và ẩn nấp bất cứ khi nào chuông cửa reo.

Nhiều người bày tỏ nghi vấn rằng tại sao bà Koditschek lại không bị phát hiện suốt thời gian dài như vậy? Dì Sylvia có phải là người Do Thái hay không và nếu phải thì tại sao bà ấy lại thoát khỏi sự bức hại?

Trong một bức thư sau chiến tranh, bà Koditschek viết cho con trai mình rằng bức tranh của bà đã được dì Sylvia mang đi bán để trang trải cuộc sống. Bà Koditschek tiếp tục ở trong căn nhà đó cho đến năm 1944, khi đồng minh ném bom Vienna. Sau đó 1 năm, bà nghe tin đồn rằng sĩ quan Gerbing đã bị tiệt diệt ở Prague. Cuối cùng, bà Koditschek tìm đường đến nơi an toàn ở Bern, Thụy Sĩ - nơi bà qua đời vào năm 1961.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Independent)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/nguoi-phu-nu-do-thai-thoat-nan-diet-chung-vi-tron-ngay-trong-nha-si-quan-duc-quoc-xa-a247306.html