Người phụ nữ được chia thừa kế bỗng trở thành con nợ!?

Ra tòa đòi quyền thừa kế tài sản, được phân chia theo quy định của pháp luật, nhưng bà Thoan, bỗng trở thành con nợ khi nhận tài sản này.

Cuối tháng 5/2018, TAND huyện Duy Tiên, Hà Nam mở phiên tòa sơ thẩm về việc tranh chấp thừa kế tài sản.

TAND huyện Duy Tiên xác định, trong vụ kiện này, nguyên đơn là bà Trần Thị Thoan (SN 1949, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), bị đơn là bà Nguyễn Thị Nhiền (SN 1941, trú tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam).

Bản án sơ thẩm cho biết: Mẹ bà Thoan là cụ Lê Thị Tuyến (SN 1915, trú tại thôn Văn Phái, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên) mất năm 1996. Khi chết, cụ để lại 2 bản di chúc, bản thứ nhất ngày 11/3/1991, bản thứ hai ngày 1/8/1992.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Duy Tiên chưa tạo được sự đồng thuận của đương sự.

Di sản cụ Tuyến để lại gồm 842m2 đất ở, 1 căn nhà cấp 4 lợp ngói xây năm 1991, đất nông nghiệp 603m2. Số tài sản này hiện anh Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1963 – con trai bị đơn) đang quản lý, sử dụng.

Bà Trần Thị Thoan khẳng định thiện chí sẵn sàng chia đôi tài sản thừa kế. Nếu chia một nửa, bà yêu cầu chia bằng hiện vật, trong trường hợp không được thì giao cho bà một diện tích đất có giá trị tương đương.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tĩnh cho rằng, cụ Tuyến chỉ có duy nhất một người con đẻ là bà Nhiền. Cụ Tuyến mất không để lại di chúc gì.

Về căn nhà cấp 4, theo anh Tĩnh, được sự đồng ý của cụ Tuyến năm 1989, anh đã phá đi và xây nhà mái bằng. Bởi vậy, căn nhà như bà Thoan nêu giờ không còn tồn tại. Quá trình ở cùng cụ Tuyến, anh Tĩnh cho rằng, mình có công nuôi dưỡng, thuê người giúp việc, khi cụ mất thì làm ma chay…. Bên cạnh đó, anh còn có những tài sản trên đất khác như: 3 nhà mái bằng, 3 gian nhà cấp 4…

Theo Tòa án nhân dân huyện Duy Tiên, Hà Nam, do hai bản di chúc của cụ Lê Thị Tuyến để lại cho bà Thoan không có nội dung nào đề cập di sản là gì và nơi có di sản vì vậy không sử dụng di chúc làm căn cứ chia di sản theo thừa kế.

Tòa cũng khẳng định, bà Trần Thị Thoan và bà Nguyễn Thị Nhiền cùng hàng thừa kế thứ nhất của cụ Lê Thị Tuyến nên tài sản này được chia cho hai người.

Theo đó, bà Thoan được chia 138m2 đất ở nông thôn (ONT) trị giá 132 triệu đồng. Bà Nhiền được chia 437m2 đất ONT và 267m2 đất nuôi trồng thủy sản (NTS). Tổng trị giá tài sản là hơn 484,5 triệu đồng và một số tài sản trên đất.

Với 603m2 đất nông nghiệp cụ Tuyến để lại, do 495m2 được giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc và được đền bù 29,1 triệu đồng, tòa tuyên bà Nhiền được quyền sử dụng 108m2 đất nông nghiệp còn lại cũng như quản lý sử dụng số tiền trên.

Tuy nhiên, bà Nhiền phải trả cho bà Thoan tiền thanh toán chênh lệch tài sản hơn 199 triệu đồng. Như vậy, tổng số tài sản quy thành tiền mà bà Thoan được hưởng là khoảng 331 triệu đồng.

Quan điểm của Tòa cũng cho biết, bà Thoan phải thanh toán cho anh Tĩnh, tài sản trên đất là 1 nhà mái bằng trị giá hơn 206 triệu đồng, công nuôi dưỡng cụ Tuyến số tiền hơn 125 triệu đồng. Tổng cộng là khoảng 331 triệu đồng.

Như vậy, với quyết định của tòa sơ thẩm, bà Trần Thị Thoan có hai lựa chọn: Một là từ bỏ quyền thừa kế tài sản. Hai là nếu lấy lại tài sản, bà sẽ trở thành “con nợ”!?

Bản án sơ thẩm chưa có sự đồng thuận

Bà Trần Thị Thoan cho rằng, quyết định của Tòa chưa toàn diện, khách quan, chưa xem xét đầy đủ các chứng cứ và không phản ánh đúng, đầy đủ khách quan về bản chất sự việc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, quan điểm của nguyên đơn trong việc phân chia tài sản thừa kế phải chăng, Tòa có sự thiên vị (!?) khi bà Nhiền được hưởng 704m2 đất (bao gồm đất ONT và NTS).

Bên cạnh đó, bà Nhiền còn được Tòa chia cho toàn bộ đất nông nghiệp do cụ Lê Thị Tuyến để lại, trong đó có cả phần quản lý số tiền đền bù giải phóng mặt đường. Vậy, tòa án sơ thẩm dựa trên cơ sở pháp lý nào để chia gần 90% số tài sản thừa kế cho bà Nguyễn Thị Nhiền?

Theo bà Thoan, năm 1984, cụ Lê Thị Tuyến nhận một khoản tiền lớn 5.032 đồng 3 hào 7 xu tại Ngân hàng Nhà nước Hà Nam Ninh (cũ) của chồng là ông Antonie Nguyễn Văn Bành – ông là lính Pháp và sang Pháp cư ngụ từ năm 1939.

Ngoài ra, cụ Tuyến còn có hàng tấn lúa cho vay lãi hàng năm và tích cóp chuyển đổi từ lúa sang vàng. Việc này được ông Lê Minh Độ - cháu gọi cụ Lê Thị Tuyến là cô ruột 2 lần xác nhận gửi đến Tòa.

Cụ Tuyến là người có kinh tế. Từ năm 1986 đến những năm sau đó, cụ Lê Thị Tuyến liên tục đi lại giữa Hà Nam và Hà Nội để làm hồ sơ đi Pháp, thì có phải là người đau ốm lê lết nằm một chỗ mà anh Tĩnh phải nuôi và buộc bà phải liên đới trả số tiền hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, căn nhà anh Tĩnh đang ở theo bà Thoan chính là căn nhà cũ của cụ Lê Thị Tuyến xây dựng năm 1991 và nó còn tồn tại đến tận bây giờ. Việc tòa cho rằng đấy là căn nhà của anh Tĩnh xây dựng và quy ra hơn 200 triệu buộc bà phải thanh toán là không phù hợp.

Một trong những vấn đề cũng cần phải làm rõ, đó là hai bản di chúc cụ Lê Thị Tuyến để lại. TAND huyện Duy Tiên đã thực sự xem xét thấu đáo trước khi đưa ra quyết định: “Không có nội dung nào đề cập đến di sản là gì và nơi có di sản vì vậy không sử dụng di chúc làm căn cứ chia di sản theo thừa kế”(!?).

Như vậy, một số vấn đề trong bản án đang khiến đương sự trong vụ án bức xúc. Và không biết vô tình hay hữu ý, bản án của thẩm phán Trần Ngọc Thuận tuyên ở cấp sơ thẩm sẽ buộc nguyên đơn phải bỏ tiền ra để mua tài sản thừa kế của chính mình./.

Một điều kỳ lạ trong vụ án này là cả bà Nguyễn Thị Nhiền và bà Trần Thị Thoan đều cho rằng, mình là con duy nhất của cụ Lê Thị Tuyến. Trả lời VOV.VN thẩm phán Trần Ngọc Thuận cho biết, do đương sự không yêu cầu nên không dùng phương pháp khoa học để chứng minh quan hệ huyết thống giữa hai người. Bản án của thẩm phán Trần Ngọc Thuận cũng khẳng định: Có đủ cơ sở xác định hai người là chị em. Hiện cả bà Nhiền và bà Thoan đều có phần kháng cáo về quyết định này của thẩm phán Trần Ngọc Thuận. Anh Nguyễn Văn Tĩnh cũng có đơn kháng cáo vì cho rằng, bà Thoan không liên quan đến cụ Lê Thị Tuyến nên không được hưởng thừa kế tài sản để lại.

Việt Đức-Đỗ Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/nguoi-phu-nu-duoc-chia-thua-ke-bong-tro-thanh-con-no-811732.vov