Người phụ nữ mắc bệnh lạ sau sinh và những thân phận đàn bà

Mắc bệnh rối loạn tâm lý sau sinh, Kim Ji Young 'hóa thân' thành nhiều người, từ đó cô nói hộ nỗi lòng của những người phụ nữ.

Khi bộ phim Kim Ji Young, sinh năm 1982 ra rạp cũng là lúc cuốn tiểu thuyết gốc của tác phẩm được xuất bản tiếng Việt. Tiểu thuyết của nhà văn Cho Nam Joo, do Dương Thanh Hoài dịch là một tuyên ngôn về nữ quyền.

Câu chuyện kể về Kim Ji Young - người phụ nữ mắc chứng rối loạn tâm lý sau sin; nhiều khi, cô không còn là Kim Ji Young nữa. Trong cái vỏ thân xác Kim Ji Young, tâm hồn, suy nghĩ, nhìn nhận của cô đã hóa thân thành những người phụ nữ khác, lúc thành mẹ cô, khi thành bạn gái cũ của chồng…

Sách Kim Ji Young, sinh năm 1982. Ảnh: Elle

Sách Kim Ji Young, sinh năm 1982. Ảnh: Elle

Dưới hình thức lời kể của một bác sĩ tâm lí điều trị cho Kim Ji Young, có chỗ kể như một hồ sơ bệnh án, tác phẩm dần hé mở cuộc đời một thiếu phụ từ khi cô sinh ra, lấy chồng, sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu sau khi sinh con, Kim Ji Young không mắc căn bệnh kỳ lạ. Cô hóa thân thành những người phụ nữ khác, và cất lên tiếng nói tự đáy lòng của phụ nữ.

Trong ký ức của Kim Ji Young, thế giới dường như xoay quanh cậu em trai. Mỗi khi mẹ pha sữa cho em, cô dùng nước bọt thấm ướt ngón tay rồi chấm những hạt sữa bột vương vãi để ăn. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ cho cô một thìa sữa bột ngọt ngào.

Nhưng nếu bà nội nhìn thấy cảnh cô ăn sữa vương thì cô bé sẽ lập tức ăn đòn. Việc cô cháu nhỏ thấm hạt sữa ăn với bà là hành động “dám” đụng vào đồ ăn của cháu trai. “Em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì”. Và Kim Ji Young cũng chỉ là “không một ai”, chị gái cô cũng vậy.

Khi “hóa thân” thành mẹ mình, Kim Ji Young mang cuộc sống một người phụ nữ lớn lên trong gia đình làm nông, chỉ học hết tiểu học. Lớn hơn, bà làm việc trong xưởng dệt, bán sức lao động lấy chút lương còm nuôi anh em trai học đại học. Khi những người anh em trai xây dựng gia đình, sự nghiệp riêng, bà và chị gái không có chỗ đứng trong họ, trở nên trắng tay. Vậy mà, sau tất cả, những người đàn ông được công nhận là “một tay nuôi sống gia đình”.

Hình ảnh trong bộ phim chuyển thể.

Trong thân xác Kim Ji Young nhưng mang tâm hồn của người mẹ, cô đã nói với bố chồng: “Ông thông gia, tôi xin mạn phép được nói điều này. Chỉ có nhà ông là có gia đình thôi sao? Chúng tôi cũng có gia đình chứ. Ba đứa nhà tôi cũng chỉ có ngày lễ tết mới có thể gặp mặt nhau… Nếu con gái ông đã về thăm nhà rồi, thì cũng phải cho con gái chúng tôi về thăm nhà chứ”.

Cứ như vậy, Kim Ji Young đã nói lên bao nhiêu nỗi niềm, thân phận người phụ nữ. Những người phụ nữ tự tìm đường sống cho mình, tự học, kiếm việc, quay cuồng trong guồng sinh đẻ, nuôi con. Dường như cả xã hội mặc định đó là những việc phụ nữ phải làm, còn đàn ông thì được hưởng đặc quyền. Từ khi sinh ra, xã hội đã sắp xếp như vậy, họ được giáo dục như vậy.

Những người phụ nữ trong tác phẩm đều hiện lên rất đời thường, bình dị, ta có thể bắt gặp bóng dáng họ ở bất cứ đâu. Nhưng khi những nhân vật bình thường ấy cùng câu chuyện của họ được đặt cạnh nhau, ta nhận ra điểm bất thường, và ta nhìn lại cuộc sống của chính mình. Phải chăng mẹ chúng ta cũng như vậy, bản thân những người chị, người em gái, những cô gái đi lấy chồng đều như vậy? Và trong xã hội đã hình thành vị trí người phụ nữ ở thế yếu, điều gì sẽ xảy ra nếu họ không nhận được bàn tay cảm thông, bênh vực?

Kim Ji Young, sinh năm 1982 từng gây xôn xao văn đàn Hàn Quốc. Tác phẩm đặt ra câu hỏi cho môi trường sống của người phụ nữ. Trong phong trào nữ quyền, nhiều ngôi sao Hàn Quốc đã chia sẻ những trích dẫn trong sách Kim Ji Young, sinh năm 1982.

Tác giả Cho Nam Joo sinh năm 1978. Cô tốt nghiệp trường Nữ Ehwa, là biên kịch cho những chương trình truyền nổi tiếng Hàn Quốc trong 10 năm qua. Cô là tác giả của một số cuốn sách đạt giải thưởng như: Lắng tai nghe (giải thưởng văn học Munhakdongne, 2011), Vì Komaneji (giải văn học Hwangsanbyeon, 2016).

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-phu-nu-mac-benh-la-sau-sinh-va-nhung-than-phan-dan-ba-post1011934.html