Người phụ nữ nổi tiếng ở vịnh Xuân Đài

Đã bước qua tuổi 56 nhưng bà Bốn Mai vẫn ấp ủ trong mình nhiều ý tưởng nuôi và kinh doanh hải sản nhà bè trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Nghị lực ấy, có lẽ được tích nối qua những tháng năm dài của tuổi thơ đầy biến động ở quê nhà và sự tần tảo nuôi con nơi đất khách quê người.

Tuổi thơ và hành trình lập nghiệp

Loading

Sau nhiều năm xa quê hương, bà Bốn Mai về Sông Cầu gây dựng sự nghiệp.

Bà Bốn Mai, tên thật là Nguyễn Thị Mai, là con thứ 4 trong một gia đình làm nghề biển ở vùng biển Sông Cầu. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, bé Mai không một ngày vui trọn vẹn với cuộc sống gia đình. Cha thoát ly làm cách mạng, mẹ vất vả bám bến bãi Dân Phước (làng biển) nuôi con. Rồi mẹ dắt con lên núi tìm cha. Lúc ấy, không chỉ có ngụy quân, ngụy quyền trấn áp xóm làng, còn có cả lính Mỹ, lính đánh thuê Nam Triều Tiên vây ráp tứ phía, cán bộ cách mạng tạm lánh ở hầm bí mật và lùi xa về hậu cứ. Bom rơi, đạn nổ bên tai, không còn nơi lẩn trốn, mấy mẹ con lại dìu dắt trở về. Bé Mai lớn lên trong hoàn cảnh đó, nên hiểu phần nào sự vất vả, nguy hiểm mà cha mình đang đối mặt. Từ đó, Mai âm thầm, lặng lẽ đưa từng lon gạo, con cá khô đến cho đơn vị của cha.

Tuổi thơ đi qua cùng với thất học, nhưng bé Mai có được cả bầu trời tự do của ngày giải phóng. Mới 15 tuổi đầu, Mai đã có 3 năm đi biển, dày dạn với bơi lặn và lắt thúc chai rất giỏi. Tuy tuổi còn trẻ, nhưng Mai rất có kinh nghiệm đi biển, cô đảm trách cùng gia đình nhận hợp đồng đánh bắt hải sản trao đổi hai chiều với Nhà nước.

Năm 18 tuổi, Mai lấy chồng và làm dâu ở một gia đình thuộc xã miền núi của huyện Sông Cầu. Những tưởng từ đây sẽ có bước đổi đời, nào ngờ Mai lại nai lưng làm thuê đủ thứ nghề để nuôi dạy những đứa con nhỏ dại. Khi cuộc sống co cụm, bế tắc, bản năng phóng thoáng, vùng vẫy của người con gái vùng biển lại trỗi dậy, thôi thúc Mai đi tìm cuộc sống mới. 29 tuổi, không một đồng xu dính túi, một nách 5 đứa con (lớn 10 tuổi, nhỏ 2 tuổi) Mai đã phải ra đi dưới trời mưa tầm tã. Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Bốn Mai ứa lệ: “Cảnh 5 mẹ con ra đi tơi tả như gà mẹ dẫn đàn con lạc lối, ngơ ngác trong cơn mưa chiều. Được đẩy lên xe để đi nhờ là quá mừng, rồi xuống xe ở Phan Thiết giữa đêm khuya trời rả ríc mưa. Đói, lạnh, 5 mẹ con ôm lấy nhau đến sáng, xin từng khúc bánh mì, chén cơm lẻ rồi tìm mọi cách cũng đến được Vũng Tàu”.

Khi được tá túc tại chùa Bình Lợi - Sao Mai (Bến Đá - Vũng Tàu), bà Bốn Mai lại tất bật đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhưng cho dù đi đâu, làm nghề gì, trong tiềm thức của bà vẫn hướng về biển. Với chiếc xe honda dã chiến “tậu” được lúc mua bán xe từ Tây Ninh đưa về, bà ngày đêm xuôi ngược bán hàng rong (hải sản) dọc bờ biển Dinh Cô - Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai năm sau (1992), bà trở thành chủ đầu nậu ghẹ vùng biển Long Hải. Sự nghiệp kinh doanh hải sản của bà bắt đầu từ đây.

Năm, bảy năm bươn chải làm bà chủ đầu nậu, bà Bốn Mai trở lại Vũng Tàu ổn định cuộc sống gia đình, mở quán cơm tấm: Bảy Ghẹ Miền Trung. “Nửa cuộc đời tôi đã “ba chìm” rồi, nửa còn lại phải “bảy nổi” trên mọi phương diện: gia đình, xã hội và kinh doanh. Năm đứa con của tôi, giờ đây đã có cuộc sống riêng, ổn định và thành đạt. Ngày trở về tôi muốn khẳng định vị thế xã hội của mình trong kinh doanh hải sản tại quê nhà”, bà Bốn Mai nói.

Đại gia hải sản đất Sông Cầu

Sau 20 năm xa quê (1989-2009), bà Bốn Mai vẫn luôn nhớ mùi vị của vùng biển Sông Cầu, nhớ bến bãi của những làng chài nhỏ, có con thơ tung tăng dưới bóng dừa xanh. Bà đứng hàng giờ trước biển, ngắm vịnh Xuân Đài thơ mộng lúc hừng đông; quá khứ và sự lam lũ của tuổi thơ lại hiện về, làm trái tim bà thổn thức, rồi đi đến quyết định: Thành lập nhà bè nuôi hải sản.

Là một trong những nhà bè lớn hiện nay ở vịnh Xuân Đài, bà Bốn Mai cùng người bạn đời sau này là ông Bạch Nguyên Mười quyết tâm thực hiện kế hoạch kinh doanh hải sản nuôi một cách bài bản. Mỗi sáng bà đều dậy sớm, cùng người giúp việc đi đến các làng chài mua thức ăn cho tôm, cá. Một lượng lớn thức ăn này (hải sản dã cào) bà đều trực tiếp tham gia cắt nhỏ để kịp vận chuyển ra nhà bè trước 10 giờ. Ông Mười và những người thợ nuôi cá chuyên nghiệp tại nhà bè (nhất là thợ lặn) đưa xuồng máy vào bờ tiếp nhận thực phẩm cho tôm, cá.

Bao nhiêu tài sản, vốn liếng tích lũy sau thời gian làm ăn ở phương xa, ngày trở về bà Bốn Mai tập trung đầu tư gây dựng lại tất cả, tạo nên cơ ngơi nhà cửa tươm tất, sự nghiệp kinh doanh hải sản nổi tiếng ở thị xã Sông Cầu.

Cô bé Mai lam lũ ngày xưa nay đã trở thành bà Bốn Mai đại gia hải sản. Đó là cả một quá trình trải nghiệm, thể hiện sức khỏe, tài năng của người phụ nữ vùng biển Sông Cầu. Không những thế, bà còn có tấm lòng thương người có hoàn cảnh éo le, nhiều lần trực tiếp đến thăm tặng quà, tiền cho những người nghèo, người tàn tật, những bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện....

Sau Tết Nguyên Đán, bà Bốn Mai thường đi đến lễ hội hát lăng ở các làng biển, tham gia đánh trống chầu, trước mắt là để thư giãn, mua vui cùng bà con, sau nữa là cầu mong cho sự bình yên của ngư dân làm ăn nơi biển cả.

Khi chia tay chúng tôi, bà chia sẻ: “Tôi rất vui khi thực hiện được nguyện ước của mình và giúp ích phần nào cho đời, nhất là bà con nghèo làng biển”.

Phi Công

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nguoi-phu-nu-noi-tieng-o-vinh-xuan-dai-post4021.html