Người phụ nữ thầm lặng đưa đò qua sông K'rông Nô

Cứ đều đặn mỗi ngày, người phụ nữ tên K'Tro- người dân tộc M'nông (28 tuổi; ngụ thôn Liêng K'Rắc II, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) trên chiếc đò đưa khách qua sông, công việc này là nguồn thu nhập chính của gia đình chị suốt 5 năm qua.

Người dân xã Đạ M’Rông của tỉnh Lâm Đồng và người dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có nương rẫy hai bên bờ sông K’rông Nô phải đi qua chuyến đò của K’Tro, hình ảnh đó rất đỗi quen thuộc với bà con trong vùng, có lẽ đây cũng là con đò mưu sinh cuối cùng trên dòng sông này. Con đò đã có từ lâu, được truyền qua nhiều thế hệ, K’Tro đã nối nghiệp từ người anh rể, nhờ vậy công việc giúp khách sang sông trở nên thành thạo và say mê lúc nào không hay.

Ngồi trong căn chòi dựng tạm bằng vài cây tre và bao nilông lợp trên mái, sau chuyến đò đưa khách qua sông, mồ hôi nhễ nhãi, K’Tro cho biết, hàng ngày chị bắt đầu công việc từ 5h30 sáng đến chiều tối muộn, hai người con nhỏ chị phải gởi nhà bố mẹ ruột coi sóc. Chị không về nghỉ trưa, nên thức ăn mang theo trong giỏ gùi chỉ vài miếng bánh tráng hoặc nắm cơm nguội cho qua bữa.

K'Tro vẫn thầm lặng đưa khách qua sông K'rông Nô mỗi ngày.

K'Tro vẫn thầm lặng đưa khách qua sông K'rông Nô mỗi ngày.

“Ngày trước, người dân quanh vùng làm rẫy phải đi qua chuyến đò này, nhưng từ ngày có con đường trải nhựa liên thôn nối các xã Đạ R’sal với các xã Đạ Long, Đạ Tông, chuyến đò này dần ít khách qua lại, bởi thế giờ đò ế, người ta bỏ nghề gần hết, thay vì lúc trước có 5-6 chiếc đò, giờ chỉ còn 2 chiếc”, K’Tro nói.

Niềm vui đơn giản của chị là cầu mong cho đông khách qua sông, mỗi chuyến khách trả 5.000 nghìn đồng, trung bình mỗi ngày chị kiếm được khoảng 100.000 đồng, không như trước kia có ngày thu nhập 300.000 đồng. Người qua sông, khi thì chở đồ, ai kêu gì thì chị chở đấy. Nhiều lúc họ không mang tiền chị cũng vui vẻ đưa qua.

Dụng cụ để hỗ trợ khách qua sông là chiếc đò dài khoảng 5 mét đã cũ kỹ, đò của K’Tro không dùng đến tay chèo nhưng những chiếc đò khác ở vùng sông nước mà nhờ vào đoạn dây thừng dài khoảng 30-40 mét nối hai đầu bắc qua sông. Tiếp đó, người phụ nữ này cầm chắc sợi dây rồi dùng sức của tay kết hợp với đôi chân di chuyển đò theo đúng hướng mình muốn. Người nào đi lần đầu không khỏi lo sợ, bởi đò rung lắc, chao đảo như muốn lật úp.

Đứng trên đò, người phụ nữ M’nông tâm sự, làm nghề này phải có sức khỏe, nhất là lúc đò ra giữa dòng sông phải hết sức cẩn thận và tỉnh táo, không con đò sẽ bị cuốn theo dòng nước. Những ngày đầu vào nghề, có lần khách và xe máy bị ngã xuống sông, may mắn thời điểm đó mùa khô nước cạn nên đã cứu được cả người và xe gặp nạn lên bờ an toàn.

Căn chòi nghỉ trưa của chị chỉ dựng tạm vài cây tre.

Thời điểm mùa cà phê, bà con trong vùng đi đò nhiều hơn, ngoài việc chở người, đò của K’Tro còn phải “gồng gánh” thêm nhiều bao cà phê, vào tháng 7, tháng 8, công việc đưa đò của chị phải tạm nghỉ, bởi mùa mưa lớn nước dâng cao gây khó khăn, nguy hiểm cho việc đi lại.

Theo UBND xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông ( Lâm Đồng), bến đò này do lực lượng Công an xã quản lý, gặp mùa nước lớn buộc đò phải nghỉ để đảm bào an toàn. Ngoài ra, nhiều năm qua trong những lần tiếp xúc cử tri, đơn vị có đề xuất để xây dựng cây cầu qua sông K’rông Nô tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như giao thương giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, sau đó, nhiều đơn vị về đo đạc, khảo sát nhưng đến nay vẫn “ bạt vô âm tín”.

Hơn nữa, bà con nơi đây mong mỏi từ lâu có cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Gia Hân

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/nguoi-phu-nu-tham-lang-dua-do-qua-song-krong-no-d102407.html