Người phụ nữ Vân Kiều hiến đất xây trường

Mặc dù đời sống còn khó khăn, nhưng gia đình bà Hồ Thị Nuông tại Quảng Trị đã 3 lần hiến đất để xây dựng điểm trường.

Ploang là một trong những điểm trường còn nhiều thiếu thốn của xã Thanh.

Nghèo khó vẫn hiến đất dựng trường

Tại lễ khởi công xây dựng thêm phòng học cho điểm trường Ploang - Trường Tiểu học Thanh gần đây, ông Phạm Trọng Hổ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cùng lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tặng hoa biểu dương bà Hồ Thị Nuông (Pỉ Hơn), người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ba Viêng, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, đã hiến gần 200m2 đất cho điểm trường Ploang.

Gia đình bà Nuông sinh sống cạnh điểm trường Ploang - Trường Tiểu học Thanh. Hàng ngày nhìn thấy cảnh học sinh học tập trong môi trường thiếu cơ sở vật chất, phòng học chật hẹp, xuống cấp, khiến bà và chồng là ông Hồ Văn Mỹ rất trăn trở. Mặc dù, hai vợ chồng tuổi đã cao, cái ăn còn chưa no đủ, nhưng khi nhà trường và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, vợ chồng bà Nuông đã đồng ý cắt phần đất của gia đình để xây dựng phòng học.

Vào năm 2010, gia đình quyết định cắt hơn 200m2 đất vườn hiến tặng chính quyền địa phương xây dựng 3 phòng học tại điểm trường Ploang. Nhờ vậy, học sinh ở thôn được học trong các lớp học khang trang, an toàn, sạch đẹp hơn. Sau gần 10 năm được gia đình bà hiến đất, tại điểm trường Ploang, số học sinh tăng lên do sáp nhập thôn. Mặt khác, con em trong bản có được điều kiện học tập thuận lợi hơn nên đến trường đông đủ. Vì thế, 5 phòng học của điểm trường này trở nên quá tải, học sinh phải học ghép, chật chội không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Mặc dù, hiện nay diện tích đất vườn còn lại không nhiều nhưng vợ chồng bà lại tiếp tục hiến đất lần nữa (gần 200m2) để địa phương xây dựng thêm 2 phòng học. “Gia đình tôi luôn sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ để chính quyền địa phương xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn. Hằng ngày, được thấy các cháu học sinh của thôn học tập, vui chơi an toàn; nhà sinh hoạt cộng đồng phát huy hiệu quả trên nền đất của gia đình hiến, chúng tôi vui lắm”, bà Nuông chia sẻ.

Không chỉ hiến đất xây dựng trường, cùng năm 2010 gia đình bà Nuông cũng quyết định hiến tặng hơn 200m2 đất vườn để chính quyền xã xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Xuất phát từ việc thôn không có đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Mỗi lần có hội họp, sinh hoạt đều phải mượn nhà dân rất bất tiện, dẫn đến hạn chế hiệu quả hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương. Khi được vận động, gia đình bà Nuông đã vui vẻ hiến đất xây dựng công trình văn hóa phục vụ bản làng.

Nhờ vậy, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng, giúp cho việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa tặng hoa biểu dương bà Hồ Thị Nuông.

Trường mở rộng, đáp ứng yêu cầu dạy học

Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và việc chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cơ sở vật chất các điểm trường trên địa bàn miền núi Hướng Hóa từng bước được tăng cường. Công trình điểm trường Ploang - Trường Tiểu học Thanh được xây dựng thêm gồm 2 phòng học, 2 nhà vệ sinh, diện tích xây dựng khoảng 115m2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng điểm trường trên 900 triệu đồng, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Dự kiến sau 3 tháng thi công, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo phòng học khang trang cho các em học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh, cô Nguyễn Thị Thủy cho biết: Toàn xã có 568 học sinh tiểu học chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều đang theo học tại 5 điểm trường: A Ho, Ploang, Thanh 1, Thanh 4 và thôn Mới. Điểm trường Ploang được xây dựng và đưa vào sử dụng là điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo cô Thủy, mặc dù tuổi đã cao, kinh tế khó khăn nhưng đây là lần thứ 3 gia đình bà Nuông hiến đất xây dựng điểm trường dạy học và nhà văn hóa cộng đồng; trong đó có 2 lần hiến đất xây dựng điểm trường Ploang. “Qua tuyên truyền, vận động, nhà trường trình bày điều kiện học tập của học sinh đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn gia đình hiến đất mở rộng trường, vợ chồng bà Nuông đều vui vẻ đồng ý. Đây là việc làm ý nghĩa thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng rất cao”, cô Thủy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết, nghĩa cử hiến đất xây dựng trường của vợ chồng bà Hồ Thị Nuông rất đáng khen ngợi. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng việc làm ý nghĩa đó cho thấy nhận thức và sự quan tâm của bà Nuông nói riêng và bà con dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa về giáo dục đang được nâng lên.

Huyện Hướng Hóa thuộc địa bàn miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường học dù được đầu tư qua hàng năm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu dạy học. Đặc biệt, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường còn thiếu phòng học để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện quan tâm bố trí nguồn lực để bổ sung cơ sở vật chất, nâng cấp, xây dựng các trường học, đáp ứng yêu cầu giáo dục.

“Thời gian qua, nhiều hộ dân các địa phương đã có nghĩa cử hiến đất xây trường, cải thiện cơ sở vật chất trường học, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển giáo dục miền núi”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết thêm.

Cũng như bao gia đình đồng bào Vân Kiều miền Tây Quảng Trị, nhà bà Hồ Thị Nuông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tuy vậy, vì tương lai của học sinh nơi đây, cũng như phục vụ lợi ích cộng đồng, bà Nuông đã 3 lần hiến đất. Ông Hồ Văn Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: Chính quyền địa phương ghi nhận tinh thần vì cộng đồng của gia đình bà Nuông và đang xem xét hình thức hợp lý nhằm động viên đối với gia đình bà.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-phu-nu-van-kieu-hien-dat-xay-truong-post639384.html