Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực nhận được học bổng Quỹ Obama danh giá

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, hay còn được mệnh danh là 'Anh hùng khí hậu', là một trong số 12 đại diện được chọn để tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama.

Người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực đã xuất sắc được chọn để tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama

Chị Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường vô cùng tích cực. Trong nhiều năm liền, chị đã giữ chức vụ giám đốc ở tổ chức CHANGE, chuyên thực hiện các dự án góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam, nhằm cứu lấy những loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng như tê giác, voi, tê tê...

Chị cũng được biết tới như là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực, trong một chuyến thám hiểm quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng lên toàn cầu năm 1997. Sau đó chị cũng đã trở lại Nam Cực lần thứ hai vào năm 2009, với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam trong chuyến thám hiểm Hiệp ước Quốc tế và Nam Cực do tổ chức 2041 thực hiện.

Mới đây, chị Minh Hồng vinh dự được chọn là 1 trong 12 lãnh đạo dân sự thế giới được tham gia Obama Foundation Scholars Program, một chương trình do Quỹ của cựu Tổng thống Obama tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Columbia ở New York.

Chương trình này kéo dài từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, với sứ mệnh truyền cảm hứng và kết nối mọi người để có thể cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trước khi vào chương trình chính thức, hai nhóm học giả đã gặp gỡ và có một tuần học tập và sinh hoạt chung với nhau tại thành phố Chicago. Trong số những sự kiện này, nổi bật nhất là buổi gặp gỡ giữa Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và 12 học giả. Ông Obama đã có những chia sẻ đầy cảm hứng để kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội cho một tương lai tươi sáng hơn.

Từ con số 0 hời hợt

Năm 1996, nhờ một người bạn giới thiệu, chị Minh Hồng biết đến việc tuyển chọn một đại diện Việt Nam tham gia một chuyến thám hiểm tới Nam Cực dành cho thanh niên các quốc gia trên thế giới, với mục tiêu kêu gọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới đến các vấn đề môi trường toàn cầu khi đó. Trẻ, nhiều năng lượng, chị tham gia các vòng thi với suy nghĩ cực kỳ đơn giản, biết đâu, lại có được một chuyến du lịch nước ngoài.

Ngày xách ba lô đến Nam Cực, suy nghĩ ấy vẫn tồn tại trong chị. Nhưng khi chứng kiến sự nhiệt tình, nỗ lực không mệt mỏi của Trưởng đoàn Robert Swan cũng như các nhà khoa học, các nhà thám hiểm đã cùng tổ chức nên chuyến thám hiểm này, mọi chuyện đã thay đổi.

“Chứng kiến niềm đam mê cháy bỏng của họ, từ cách họ làm, họ ấp ủ cho công việc cộng đồng tôi nhận ra, mình đang là con số 0, mới nhận thấy mình sống vô cùng hời hợt”, chị chia sẻ.

Hoàng Thị Minh Hồng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giơ cao lá cờ Tổ Quốc tại Nam Cực năm 1997. (Ảnh: Trí Thức trẻ)

Hoàng Thị Minh Hồng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giơ cao lá cờ Tổ Quốc tại Nam Cực năm 1997. (Ảnh: Trí Thức trẻ)

Ngày rời Nam Cực trở về, chị Minh Hồng đã là con người khác. Mặc cho gia đình phản ứng, chị chấp nhận bỏ công việc đang kiếm được khá nhiều tiền để có thời gian đi tuyên truyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị Minh Hồng đã tổ chức tới 40-50 buổi nói chuyện với các tổ chức, trường học, khu phố, rồi tham gia các chương trình truyền hình… để nói chuyện về biến đổi khí hậu, kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như tự xây dựng một số dự án về truyền thông môi trường.

Đáng tiếc, thiếu một tổ chức hậu thuẫn, thiếu một chuyên gia hướng dẫn và cũng quá “non” kinh nghiệm, nỗ lực của chị đã không gặt được kết quả như ý muốn. Cô gái trẻ nhiều lúc cảm thấy rất bơ vơ và hoang mang với chính con đường mình đang đi.

Cho đến khi tìm được công việc phù hợp tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - World Wide Fund For Nature (WWF) Greater Mekong (khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng), những chuỗi ngày hoang mang của chị Minh Hồng mới thật sự chấm dứt. Chị cho biết, đây là nơi đã cung cấp kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất cho các đam mê môi trường đang ngày một lớn trong mình.

Sau khi hoàn tất khóa học WWF College của WWF quốc tế, gồm cả học online và offline trong 14 tháng, từ một người yêu môi trường kiểu nghiệp dư, chị Minh Hồng tự tin hơn rất nhiều khi đã có kiến thức nền tảng về bảo tồn, về môi trường thiên nhiên, cũng như các kỹ năng hoạt động cộng đồng. Chị mạnh dạn đề xuất và đưa chương trình Giờ Trái Đất và chương trình Văn Phòng Xanh của WWF quốc tế về Việt Nam. Đây là hai hoạt động được người dân hưởng ứng rất mạnh mẽ.

Năm 2009, gia đình chuyển vào TP.HCM, chị Minh Hồng phải xa WWF vì thời điểm đó, chương trình WWF Greater Mekong chỉ mới có văn phòng tại Hà Nội. May mắn lại đến với chị khi được mời tham gia chuyến thám hiểm tới Nam Cực lần thứ hai với 2041.org, một tổ chức bảo vệ môi trường châu Nam Cực, do chính ông Robert Swan đứng đầu. Quay về từ chuyến đi này, chị Minh Hồng bắt đầu nuôi ý định thành lập tổ chức môi trường của riêng mình.

Chị kết nối với tổ chức toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức này, chị phát động thành công phong trào cộng đồng về biến đổi khí hậu mang tên 350.org Việt Nam. Trong 2 năm, phong trào này đã thu hút sự tham gia của 10.000 tình nguyện viên trên khắp cả nước. Chị Minh Hồng kể, chị cũng có ý định đăng ký 350.org Việt Nam, nhưng cuối cùng quyết định thành lập tổ chức phi lợi nhuận địa phương.

Chọn cái tên CHANGE (thay đổi) cho giấc mơ của mình, chị Minh Hồng bảo, chị luôn tin vào sức mạnh của sự thay đổi. Mất gần 2 năm cho các thủ tục, cuối cùng CHANGE nhận được quyết định thành lập đầu năm 2013 trong niềm vui của chị Minh Hồng, khi ấy đã là một bà mẹ.

Chỉ mới hơn 5 năm nhưng CHANGE đã thực hiện được hàng trăm dự án, hoạt động ý nghĩa, tập trung ở 3 vấn đề: biến đổi khí hậu, động vật hoang dã và phát triển bền vững. Chị Minh Hồng chia sẻ: “Thực tế ở Việt Nam có quá nhiều vấn đề môi trường cấp bách nhưng chúng tôi cũng biết sức mình có hạn, nên chỉ chọn những vấn đề có tính quan trọng trên toàn cầu”.

Song song với chiến dịch bảo vệ tê giác khá thành công, CHANGE còn triển khai chuỗi chương trình iCHANGE với mục tiêu nâng cao nhận thức cá nhân. Ví dụ, dự án iCHANGE Plastics là dự án giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. “Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất thế giới, chỉ cần mỗi người ý thức hơn một chút, chúng ta có thể thay đổi thực trạng này”.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng là một trong số 12 đại diện tới từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: Trí Thức trẻ)

Dự án mới nhất của CHANGE hiện nay là Put Solar On It - Chạm tay đến Mặt trời, một chương trình vận động các hộ gia đình, các doanh nghiệp lắp tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà, các nơi công cộng, để tận dụng nguồn năng lượng vô hạn của thiên nhiên. Đồng thời giúp giảm áp lực lên lưới điện, từ đó giảm phát thải, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. “Việt Nam có quá nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng bền vững của TP.HCM”, chị tâm huyết.

Để thực hiện dự án này, CHANGE sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, sản xuất các clip truyền hình sáng tạo, tuyên truyền mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội về năng lượng mặt trời. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp năng lượng mặt trời, vận động giới ngân hàng tài chính ưu tiên đầu tư mảng năng lượng mặt trời cho cộng đồng, có các chính sách trợ giá, để người dân có thể tiếp cận được nguồn năng lượng bền vững này một cách dễ dàng nhất.

“Chúng tôi rất hy vọng sẽ vận động được các cơ quan ban ngành tiến hành lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của mình, để TP.HCM sẽ trở thành thành phố đi đầu trong quá trình phát triển bền vững của đất nước”, chị Minh Hồng nói.

Cống hiến gần như tất cả thời gian của mình cho hoạt động bảo vệ môi trường, chị Minh Hồng cho biết, chị hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình. Nhưng hài lòng hơn cả là CHANGE đã “chiêu dụ” được các bạn trẻ chung tay. Bởi đây chính là những nguồn lực cho công tác cộng đồng sau này. Nhìn lại con đường mà mình đã đi, chị không giấu được nỗi xúc động: “Lần đi Nam Cực đầu tiên, tôi thấy mình hạnh phúc. Rồi được tung hoành ngang dọc ở WWF, tôi cũng thấy hạnh phúc. Khi được làm mẹ, cũng thấy hạnh phúc. Nhưng khi nhận ra mình được làm công việc mình đam mê, thì gần như lúc nào tôi cũng thấy hạnh phúc".

Video: Kẻ cướp gặp bà già và cái kết bất ngờ

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nguoi-phu-nu-viet-nam-dau-tien-dat-chan-toi-nam-cuc-nhan-duoc-hoc-bong-quy-obama-danh-gia-d133111.html