Người phụ nữ vượt ma túy, thử thách số phận thành chuyên gia tâm lý

Trở thành chuyên gia tâm lý trị liệu chính là ước mơ cả đời của tôi, nhưng con đường chinh phục ước mơ không hề bằng phẳng.

 Gia đình là động lực sống của mỗi người. Ảnh: techinfus.

Gia đình là động lực sống của mỗi người. Ảnh: techinfus.

Tôi đang tận hưởng mùa hè trước khi theo học chương trình thạc sĩ, để theo đuổi công việc trong mơ của mình. Ước mơ của tôi là trở thành một chuyên gia tâm lý trị liệu. Nhưng đến gần cuối tháng 8, tôi như chết lặng khi nghe tin dữ từ bác sĩ: “Bác Linda, bác có một khối u ở vùng bên dưới của não”.

Vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh nói những lời ấy một cách rất nhẹ nhàng, như thể muốn phần nào xoa dịu tôi trước tin sốc ấy. Cô ấy cầm chiếc mô hình sọ người bằng nhựa và dùng bút chì chỉ vào hai hốc mắt và mũi. “Chúng ta phải tiếp cận khối u từ đâu đây? Không thể vào ở đây… ở đây cũng không. Khối u của bác nằm ở vị trí rất khó tiếp cận và đang phát triển rất nhanh. Cháu rất tiếc nhưng khối u này không phẫu thuật được bác ạ”.

Tôi bần thần rời khỏi phòng khám, băng qua sảnh bệnh viện để bước vào thang máy. Tôi cảm thấy cô độc. Toàn thân tôi tê cứng. Tôi bám vào tay vịn trong thang máy và cố hít thở. Đến khi gặp chồng ở bãi đỗ xe, ngực tôi đau nhói. “Khối u của em không phẫu thuật cắt bỏ được”, tôi nghẹn ngào thông báo cho chồng và sà vào vòng tay anh khóc nức nở. Ước mơ trở thành một chuyên gia tâm lý để giúp đỡ người khác cũng trôi theo nước mắt tôi.

Dường như cuộc đời chưa bao giờ ngừng thử thách tôi. Tôi đã phải đợi đến khi các con trưởng thành và có gia đình riêng thì mới yên tâm theo đuổi sự nghiệp học hành của riêng mình. Trở thành chuyên gia tâm lý trị liệu chính là ước mơ cả đời của tôi, nhưng con đường chinh phục ước mơ không hề bằng phẳng.

Sau khi bị đuổi học vào năm lớp 11, tôi kết hôn với bạn trai để thoát khỏi cha mẹ mình - những người nghiện rượu và bỏ bê con cái. Sáu tháng sau, tôi mang thai con trai đầu lòng nhưng chồng tôi đã bỏ mẹ con tôi mà đi sau khi con chúng tôi vừa chào đời. Tôi chật vật làm mẹ đơn thân và sa vào con đường tự hủy hoại bản thân từ đó. Tôi sống lang thang trên đường, đắm chìm trong thế giới ma túy, cố tìm cách quên đi cuộc đời tuyệt vọng của mình.

Thành công nhiều khi đi lên từ thất bại. Ảnh: FNs.

Vài năm sau đó, tôi chết lặng khi nhận tin em trai tôi đã tự sát và trái tim tôi một lần nữa tan vỡ khi cha tôi cũng chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình ba năm sau đó vì quá đau buồn. Trong khoảng thời gian ấy, tôi bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, nhưng nhờ ơn Thượng đế và sự giúp đỡ của rất nhiều người xung quanh, cuối cùng tôi cũng hồi phục. Quá khứ bất hạnh đã thắp lên trong tôi mong muốn được giúp đỡ những thanh thiếu niên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự mình ngày trước.

Suốt nhiều năm, tôi mơ ước được quay lại trường học và trở thành chuyên gia tâm lý. Tôi lấy bằng tốt nghiệp cấp III hệ bổ túc vào năm 34 tuổi. Sau đó, tôi đăng ký khóa học buổi tối tại một trường cao đẳng cộng đồng, nhưng vì vừa phải làm một công việc toàn thời gian, vừa một mình nuôi con, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học.

Sau nhiều năm đau khổ chuyện tình cảm, tôi tái hôn với một người đàn ông tuyệt vời, rất quan tâm và yêu thương tôi. Năm đó tôi 42 tuổi. Chúng tôi rời California đến Montana bắt đầu một cuộc sống mới. Vợ chồng tôi thích cùng nhau đi dạo và câu cá vào những tháng hè. Mùa đông đến, chúng tôi sẽ cùng trượt tuyết hoặc dạo quanh vùng Montana rộng lớn. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đang được sống đúng nghĩa.

Nhưng sau khi tái hôn được sáu năm, có một lần tôi trượt chân té cầu thang và bị gãy cổ. Đó cũng là dấu chấm hết cho những hoạt động ngoài trời của tôi. Trong khoảng thời gian dài hồi phục, tôi lại nghĩ về ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý ngày nào. “Nếu không thực hiện ngay bây giờ thì mình còn đợi đến bao giờ đây?”, tôi tự nhủ. Vậy nên, với sự ủng hộ của chồng, tôi trở lại theo đuổi sự nghiệp học hành của mình.

Bốn năm sau đó, tôi tốt nghiệp cử nhân ngành Tâm lý học. Các con tôi đã bay đến Montana và tự hào chứng kiến cảnh tôi nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi. Tôi còn nhớ khi tôi bước lên bục nhận bằng với các tân cử nhân chỉ bằng một nửa số tuổi của mình, các con tôi đã đứng bên dưới hào hứng vỗ tay khích lệ mẹ. Đó là khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng giờ đây mọi chuyện chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội chạm tay vào tấm bằng thạc sĩ.

Sau nhiều tuần đau khổ với kết quả chẩn đoán, tôi đã tin Thượng đế dành cho tôi một kế hoạch khác. Tôi đi được đến đây không phải để buông xuôi bỏ cuộc. Vậy nên, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin trên mạng, xem có ai giúp được tôi không. Tôi không dám hy vọng nhiều nhưng chỉ trong một tuần, tôi đã nhận được điện thoại của một bác sĩ phẫu thuật não ở Los Angeles, California. “Tôi có thể giúp chị”, ông ấy nói.

Tôi trải qua ca phẫu thuật não đầy rủi ro vào một ngày tháng 10. Giữa ca phẫu thuật, bác sĩ Shahinian, người phụ trách chính ca phẫu thuật của tôi, đã tạm dừng ca mổ và mời chồng tôi sang phòng hội chẩn. “Tất cả dây thần kinh đều bị bọc trong khối u”, ông nói với chồng tôi. “Khối u lớn hơn tôi nghĩ. Nếu tôi loại bỏ cả khối u, nhiều khả năng chị nhà sẽ không thể đi lại hay nói cười được nữa. Có thể bà ấy cũng sẽ mất thị giác. Nếu chỉ loại bỏ một nửa khối u, 5 năm sau bệnh nhân sẽ phải quay lại đây”.

Chồng tôi bàn bạc với con gái, sau đó hai cha con đưa ra quyết định khó khăn là để bác sĩ Shahinian tiếp tục loại bỏ hết khối u ngay trong ca mổ này. Quá trình hồi phục rất kinh khủng. Tôi tỉnh dậy với chứng song thị do dây thần kinh thị giác đã bị tổn thương sau ca phẫu thuật. Tai trái của tôi hoàn toàn mất khả năng nghe, khả năng giữ thăng bằng của tôi rất tệ, và sàn nhà luôn trông có vẻ trồi sụt bất thường.

Nhưng tôi không muốn sống mà chỉ như tồn tại, và khao khát muốn giúp đỡ người khác trong tôi vẫn rất mạnh mẽ. Vì vậy, sau sáu tháng nằm trên giường bệnh, tôi quyết định hiện thực hóa ước mơ của mình. Tôi đăng ký chương trình thạc sĩ Tâm lý trực tuyến tại một trường đại học.

Tôi mất ba năm không chỉ để hoàn thành chương trình học, mà còn để hồi phục sức khỏe để đi thực tập và tích lũy ba nghìn giờ tư vấn nhằm trở thành một chuyên gia tâm lý được cấp chứng chỉ của bang Montana. Mỗi bước trên chặng đường đó là cả một thách thức đối với tôi. Cuối cùng, thị lực của tôi cũng tự điều chỉnh và khả năng giữ thăng bằng của tôi cũng dần được cải thiện. Đứng trước mỗi khó khăn, mục đích sống chính là động lực thúc đẩy tôi bước tiếp.

Đã bảy năm kể từ ngày tôi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật định mệnh ấy. Giờ đây, tôi là chuyên gia tâm lý tại một bệnh viện tư, làm việc với cả thanh thiếu niên và người lớn - những người đang phải trải qua những vấn đề tôi từng trải qua. Tôi đang viết hồi ký về cuộc đời mình, và đó là một ước mơ khác của tôi.

Tôi đã dán lên bàn làm việc câu danh ngôn của George Eliot: “Không bao giờ là quá trễ để trở thành con người bạn có thể trở thành”. Đó là thông điệp ý nghĩa không chỉ dành cho tôi, mà còn cho mọi người. Nếu bạn vững tin và kiên định với ước mơ của mình, không bao giờ là quá trễ để biến ước mơ đó thành hiện thực.

Nhiều tác giả / NXB Tổng hợp TP.HCM và First News

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-vuot-ma-tuy-thu-thach-so-phan-thanh-chuyen-gia-tam-ly-post1430143.html