Người phụ nữ Xê Đăng trách nhiệm với cộng đồng

Tự tin, cởi mở và nhiệt huyết là ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Trần Thị Sáu - Phó Chủ tịch xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Trong lúc chuyện trò, chị Sáu liên tục có điện thoại hỏi về công việc. Lý giải cho sự tất bật của mình, chị Sáu cười: “Em đang sắp xếp cho đội cồng chiêng của huyện ra tỉnh thi. Năm ngoái có giải rồi, năm nay phấn đấu để giành giải cao hơn”.

Chị Trần Thị Sáu (áo kẻ) thu mua nông sản cho bà con xã Trà Don, huyện Nam Trà My

Chị Trần Thị Sáu (áo kẻ) thu mua nông sản cho bà con xã Trà Don, huyện Nam Trà My

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội nên chị Sáu hiểu được những giá trị độc đáo văn hóa mà người dân tộc Xê Đăng đang lưu giữ. Chính vì vậy, chị dành nhiều tâm huyết để vận động gần 30 đồng bào Xê Đăng tham gia thành lập đội cồng chiêng của huyện. Đồng thời, kêu gọi các nguồn hỗ trợ để đội có thể hoạt động, thậm chí hoạt động hiệu quả để đi “so tài” với các huyện bạn. “Không động viên bà con, không đi tìm kiếm, lưu giữ những chiếc cồng, chiêng của ông bà thì những nét văn hóa này sẽ ngày càng mai một. Thậm chí mất đi lúc nào không hay” – chị Sáu trăn trở.

Say sưa gìn giữ văn hóa truyền thống là vậy, nhưng chị Trần Thị Sáu còn nổi tiếng là một trong những người mạnh dạn đi đầu trong kinh doanh buôn bán ở huyện Nam Trà My. Hiện vợ chồng chị đang có một cơ sở kinh doanh dược liệu mang tên “Mai Tú” tại thôn 1, xã Trà Mai. Đây là nơi chị Sáu thu mua các loại dược liệu của đồng bào dân tộc Xê Đăng, M’Nông, Co trong huyện, sau đó sơ chế, đóng túi để tiêu thụ ra thị trường.

Giới thiệu cho chúng tôi xem các sản phẩm: Sâm, giảo cổ lam, chuối mốc, sâm cau, sơn tra… sấy khô, đóng túi cẩn thận, chị Sáu chia sẻ: “Đây đều là các loại dược liệu đồng bào dân tộc địa phương vẫn sử dụng nhiều đời nay để phòng và chữa bệnh, hiệu quả rất tốt. Nay với các thông tin về tác dụng của dược liệu được phổ biến, nhiều người ở nơi khác cũng đến tìm mua. Tuy nhiên, thay vì mua bất chấp chất lượng với giá thấp, tôi sẵn sàng thu mua với giá cao, nhưng yêu cầu bà con phải làm hàng đảm bảo theo yêu cầu”.

Không chỉ nghe lời chị Sáu nói, chúng tôi còn có dịp theo chị vào tận các thôn để mua dược liệu. Ở đâu, chị cũng dành thời gian hướng dẫn bà con, đồng thời chỉ cho bà con thấy, nếu làm ẩu, sản phẩm sẽ mốc, giảm chất lượng. “Ban đầu bà con không nghe ngay đâu, nhưng tôi tin, “mưa dầm thấm lâu”. Dần dần, bà con sẽ hiểu rằng, làm ra sản phẩm tốt là cách nhanh nhất để hàng hóa có uy tín, tiếng lành đồn xa” - chị Sáu khẳng định.

Cũng theo chị Sáu, cơ duyên để chị theo đuổi công việc sơ chế - kinh doanh dược liệu này là do chị từng có rất nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ cho vay vốn tín dụng người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Mai. Thời gian làm công việc này, chị Sáu không chỉ giải quyết được 80% nợ xấu, mà còn giúp rất nhiều chị em thoát nghèo nhờ đồng vốn tín dụng chính sách. Cũng chính trong những lần đi về các thôn hướng dẫn chị em vay vốn, chị Sáu đã có ý tưởng và quyết tâm mở cơ sở kinh doanh dược liệu, vừa làm tấm gương cho chị em, vừa để giúp chị em có thể tiêu thụ được các sản phẩm làm ra với giá tốt nhất.

Nhắc tới quãng thời gian làm tổ trưởng tổ cho vay vốn, chị Sáu nhớ lại: Chị em phụ nữ người Xê Đăng, M’Nông, Co ở đây đa phần là chịu thương chịu khó nhưng không được học hành nhiều, không được tiếp cận với các thông tin tiến bộ nên được cho vay tiền, có người còn không dám nhận vì lo không trả nổi. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn, được tạo sinh kế… nhiều chị đã phát triển rất tốt. Hiện tại, chị Sáu không còn làm ở Tổ vay vốn, nhưng chị vẫn dõi theo những tổ viên đã từng được vay vốn. Ai cần hỏi gì, chị Sáu đều sẵn lòng giúp đỡ.

Trò chuyện với chúng tôi về tài nguyên dược liệu của huyện Nam Trà My, chị Trần Thị Sáu mong muốn, sẽ được vay vốn để mở xưởng quy mô, đủ điều kiện sơ chế, chế biến các loại dược liệu này: Đây là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người sử dụng nên yếu tố vệ sinh, an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Đặc biệt, những chứng nhận của ngành y tế sẽ là điều kiện quan trọng để dược liệu Nam Trà My có được niềm tin lớn hơn của khách hàng, từ đó tiêu thụ rộng hơn với giá trị cao hơn.

Chứng kiến chị Trần Thị Sáu nhanh nhẹn, khéo léo, hết việc xã lại việc nhà, mới thấy, khi quyết tâm và nỗ lực, ngay cả những người phụ nữ sinh ra ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất, cũng sẽ tìm cho mình được một con đường đi tới thành công.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-phu-nu-xe-dang-trach-nhiem-voi-cong-dong-110426.html