Người Pu Péo giữ rừng

Rừng thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống tâm linh của người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang. Hằng năm, người Pu Péo thường tổ chức lễ cúng thần rừng. Trong lễ cúng, lời thề giữ rừng đã được đưa ra, cho thấy, với người Pu Péo, mỗi cánh rừng được coi như một cấm địa, không ai được xâm phạm, chặt phá tùy tiện. Ngoài tín ngưỡng linh thiêng, lễ cúng thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, duy trì việc trồng cây gây rừng trong đời sống của người Pu Péo nơi địa đầu Tổ quốc.

Người dân tiến hành nghi lễ cúng thần rừng. Ảnh: Thanh Thuận

Rừng thiêng của người Pu Péo

Người Pu Péo ở Hà Giang hiện chỉ có khoảng gần 700 người, sinh sống chủ yếu tại các xã: Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê). Là một dân tộc có số dân dưới 1.000 người, dân tộc Pu Péo luôn đứng trước sự đe dọa bị đồng hóa bởi các dân tộc có số dân đông hơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, song nhiều năm qua, dân tộc Pu Péo ở Hà Giang vẫn cố gắng gìn giữ nguyên vẹn và duy trì thường xuyên lễ cúng thần rừng.

Người Pu Péo không ở trên núi cao như người Mông mà thường chọn những khoảnh đất giữa núi để lập làng, làm ruộng nước và vận dụng được những thế mạnh của rừng trong canh tác. Lễ cúng thần rừng là nghi lễ đặc biệt quan trọng với người Pu Péo bởi quan niệm từ xa xưa cha ông để lại đã trở thành phong tục gắn liền với đời sống tín ngưỡng của họ. Trong bất cứ dòng họ nào, đã là người dân tộc Pu Péo, khi người đã chết đủ 3 năm sẽ được con cháu “đưa linh hồn” vào ngụ ở trên những cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh cùng với thần rừng và tổ tiên của họ. Bởi vậy, cụ tổ của dân tộc Pu Péo đã thề trước cửa rừng rằng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng.

Với người Pu Péo, mỗi cánh rừng được coi như một cấm địa, không được xâm phạm. Thầy cúng Tráng Mìn Hồ giãi bày: “Tại những khu rừng được chọn làm rừng thiêng, sẽ có những quy định nghiêm ngặt, người dân không được vào rừng thiêng chặt cây, lấy củi, phá rừng, đốt nương rẫy, không vứt rác, không chăn thả gia súc và luôn giữ cho rừng sạch sẽ, trong lành. Để cuộc sống no đủ, gia đình, dòng họ luôn được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không ai được vào rừng cấm chặt cây lấy củi, săn bắn...”.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lễ cúng thần rừng, già làng Củng Chẩn Cháng, ở xã Phố Là cho biết: “Lễ cúng thần rừng có một ý nghĩa rất đặc biệt, được người Pu Péo tổ chức một lần duy nhất trong năm. Hằng năm, vào ngày 6 tháng 6 âm lịch, đúng tiết giao hòa của trời đất, người Pu Péo tổ chức cúng thần rừng để bày tỏ lòng biết ơn trời đất, các vị thần và ông bà tổ tiên đã phù hộ cho dân làng gặp nhiều may mắn, bình an, thuận lợi, no đủ, gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Nơi tổ chức lễ cúng thường là khu vực bìa rừng phía sau làng”.

Độc đáo nghi lễ thiêng

Thôn Chúng Trải, xã Phố Là có khoảng 30 gia đình, với gần 200 nhân khẩu, sống quây quần, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng hăng say lao động sản xuất, chung tay giữ vững mảnh đất biên cương phên giậu của Tổ quốc.

Vào ngày tổ chức lễ cúng thần rừng, ngay từ sáng sớm, tại khu rừng thiêng của thôn Chúng Trải, người dân đã tập trung chuẩn bị và bày biện đồ lễ cúng trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây tre. Lễ vật cúng thần rừng gồm: 2 đôi gà trống, mái tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; một con dê có sừng; bánh nếp và trứng luộc được cắt ra thành nhiều miếng nhỏ; rượu 3 chai; hương và tiền vàng.

Lễ cúng được tiến hành qua nhiều bước. Thầy cúng Tráng Mìn Hồ cầm một cành trúc tươi còn nguyên lá khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Trước tiên là lễ cúng gọi thần rừng và các vị thần (cơm và trứng được bày lên trên giàn tre từ đầu đến cuối buổi lễ), mời các vị thần linh cùng về nhận các đồ lễ và dự hưởng bữa cơm của dân làng. Tiếp theo, lễ cúng tế gà sống (một đôi gà trống, mái) để tỏ lòng biết ơn trời đất và các vị thần đã phù hộ cho dân bản được khỏe mạnh, làm ăn có bát ăn, bát để, cầu xin các vị thần che chở cho các gia đình không bị tà ma làm hại, gia súc, gia cầm, cây trồng không bị dịch bệnh... Ngay sau đó là lễ cúng tế dê sống.

Bước thứ hai, các lễ vật vẫn còn sống (dê và đôi gà) sau khi dâng lên thần rừng sẽ được đem đi mổ thịt. Cắt tiết xong thì các con vật và cả tiết của chúng tiếp tục được dâng lên thần rừng. Bước thứ ba, các con vật sau khi được mổ thịt dâng cúng thần rừng sẽ được đưa đi làm sạch sẽ và nấu chín, rồi đem trở lại đàn cúng để tiếp tục dâng lên thần rừng.

Bước thứ tư là cúng giao cơm cho thần. Thầy cúng Tráng Mìn Hồ cầm cành trúc tươi còn nguyên lá khua đi khua lại, miệng đọc lời cầu khấn, mời hương hồn của tất cả các bậc tiền bối của tộc người Pu Péo cùng về để chứng kiến lễ cúng thần rừng và cùng với thần rừng ghi nhận những lời cầu nguyện của tộc người Pu Péo, từ đó phù hộ cho rừng của người Pu Péo trên địa bàn luôn xanh tươi. Bà con trong thôn lúc đó sẽ xin thề trước thần rừng sẽ giữ gìn thật tốt, ai chặt cây trong rừng sẽ bị trừng phạt.

Sau khi kết thúc phần lễ, bà con dân bản tổ chức các hoạt động vui chơi sôi nổi với những lời hát, điệu múa và chơi trò chơi dân gian như: Đu quay, bập bênh, đẩy gậy, đánh yến, đánh cù...

Được duy trì hằng năm, lễ cúng thần rừng là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc gắn với sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của người Pu Péo ở thôn Chúng Trải. Đây là dịp để mỗi người con dân tộc Pu Péo thắt chặt mối đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau xây dựng môi trường sống lành mạnh, bền vững cho muôn đời sau.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-pu-peo-giu-rung/