Người Raglai và sinh kế từ rừng

Chúng tôi đã có dịp đề cập trên báo Biên phòng cuộc sống bế tắc của người dân Raglai cư trú tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận. Đây là cộng đồng người Raglai đã trải qua một cuộc di dời lịch sử, từ bỏ núi xuống định cư ven tỉnh lộ 702 để bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa. Xét đến yếu tố rừng và biển trong văn hóa lối sống của người Raglai mới lý giải được tình trạng lay lắt trong một thời gian dài, khi họ buộc phải thích nghi với cuộc sống mới.

Chị Cao Thị Thủy và cán bộ Đồn BP Vĩnh Hy. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Tỉnh lộ 702 vừa được nâng cấp trở thành con đường ven biển liên thông từ bãi biển Ninh Chữ qua vịnh Vĩnh Hy sang vịnh Cam Ranh. Khu vực này không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn tầm cỡ quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn mở rộng thêm tiềm năng du lịch và có vị trí an ninh-quốc phòng đặc biệt. Chỉ vài năm trước, khi đến nơi này, tôi vẫn mục sở thị cảnh những em bé Raglai đi mót những thanh củi cháy dở từ những hầm đốt than trên núi về bán lấy tiền mua gạo.

Những thanh củi đốt chưa hết không có nhiều vì nghề đốt than bị cấm để bảo vệ Vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là khu vực có hệ sinh thái khô cằn duy nhất độc đáo bao gồm nhiều loại thực động vật đặc hữu. Đồn BP Vĩnh Hy đóng trên địa bàn phải bố trí một đội công tác phối hợp cùng với các lực lượng Kiểm lâm, chính quyền xã Vĩnh Hải tuần tra trong rừng để xóa bỏ các hầm đốt than. Nhưng những hầm than chỉ được làm sơ sài, phá rồi cời lại không khó. Khó ở chỗ, đó là nguồn sống của người dân. Suốt một thời gian dài, người Raglai sống lay lắt giữa rừng vàng biển bạc, nghèo đói mà rừng cấm vẫn bị xâm phạm vì sinh kế của người dân không thể giải quyết được.

Cán bộ địa bàn của Đồn BP Vĩnh Hy cho chúng tôi biết, dự án xóa nghèo bền vững cho 2 thôn Đá Hang và Cầu Gãy, nơi sinh sống của cộng đồng 139 hộ gia đình người Raglay bên Núi Chúa đã được thực hiện từ năm 2013. Họ được hướng dẫn trồng cây lúa nước, nuôi ong lấy mật, trồng dừa giống mới nên đời sống đã có tiến bộ hơn trước. Đặc biệt, khi chúng tôi tới thăm cơ sở gia công hạt cây rừng làm trang sức thì thực sự ngạc nhiên vì quả thật, họ có một khả năng thẩm mỹ nhất định trong việc làm ra những chiếc vòng tay, vòng cổ, đồ lưu niệm nhỏ xinh xắn. Hơn thế nữa, những sản phẩm đó được làm từ nguyên liệu là hạt quả rừng tự nhiên như hạt mắt mèo, bồ đề, cầm thảo, bồ cao, gõ đỏ... tạo nên những món trang sức gần gũi, thân thiện và thú vị cho những ai sở hữu chúng.

Chị Cao Thị Thủy - một phụ nữ Raglai trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 42 của mình ngồi cần mẫn xâu những hạt cây thành vòng cho hay, chị phải hoàn thiện một lô hàng giao cho đại lý ở ngoài thành phố mua sỉ để bán cho khách du lịch. Chị hy vọng món đồ lưu niệm nhỏ thôi, nhưng vì mang chứng danh địa lý là hạt cây tự nhiên của Vườn quốc gia Núi Chúa thì người ta sẽ thích. Khách du lịch sẽ mua nhiều và cơ sở làm đồ thủ công của chị với các chị em Hội Phụ nữ của thôn Đá Hang, Cầu Gãy sẽ có thu nhập khá hơn.

Chị Thủy nói đã có 24 phụ nữ Raglai tham gia lớp học làm vòng hạt cây và tổ làm hàng thủ công của chị hiện có 27 người, mỗi sản phẩm bán được có tiền công là 5 ngàn đồng. Với một cộng đồng còn rơi rớt lại những thói quen và cách nghĩ của chế độ mẫu hệ thì đây là một hướng mới mở ra khá khả quan, bước khởi đầu chuyển biến khi phụ nữ đứng lên tự sản xuất và kinh doanh. Bởi nói gì đi nữa, tư duy của người Raglai gắn chặt với rừng, yếu tố đặc điểm nơi cư trú không thể tách ra khỏi tư duy kinh tế mới của họ, dù họ có ở rừng hay không.

Ông Cao Văn Đen, Bí thư của chi bộ gồm 11 đảng viên ở thôn Cầu Gãy cười vui vẻ khi chúng tôi hỏi về chuyện sinh hoạt chi bộ ở đây. Từ chỗ chẳng có nổi 1 đảng viên thì giờ chi bộ này có hơn chục người. Ông Đen còn nhớ như in những chuyện đói kém thất học mà cả thế hệ người Raglai như ông phải chịu khi sinh sống rải rác sâu trong Núi Chúa. Năm 2000, dần dần chính quyền địa phương mới quy tụ được cộng đồng người Raglai vào 2 thôn mà chỉ nghe tên thôi cũng đủ thấy họ vẫn chưa hoàn toàn tách biệt khỏi rừng. Thôn Đá Hang vốn là nơi vùng đất bên cạnh dòng suối Lồ Ồ chảy từ núi xuống. Tên thôn Cầu Gãy là do người Raglai từng chặt những cây rừng to chặn ngang dòng suối để lấy chỗ đi qua lên rừng, nên nơi này mãi mang tên như vậy. Trải qua nhiều thập kỷ, các cán bộ Biên phòng cần mẫn dạy chữ, dạy xóa mù chữ, mang cộng đồng này gần gụi trở thành một phần của biển Nam Trung bộ.

Làm trang sức từ hạt cây rừng là việc mà phụ nữ Raglai rất thích thú. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Con đường liên thôn ở Cầu Gãy được trải bê tông thoát khỏi sự trơn trượt, té ngã dẫn đến tai nạn, là gương mặt của chương trình nông thôn mới. UBND xã Vĩnh Hải thừa nhận rằng tỉ lệ thành công của những đề án xóa đói, giảm nghèo rất khiêm tốn, các mô hình kinh tế tính rồi đều đổ bể: Chăn nuôi gà, dê, bò, ong, trồng rau màu... Bà con không mặn mà với sự chắt chiu và nuôi trồng. Vật nuôi được cấp phát, tài trợ, thui chột dần vì thiếu chăm sóc, thiếu kỹ thuật. Ngoài ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng, họ không có rẫy để trồng trỉa, phát triển. Đất nông nghiệp của hai thôn chỉ có 98ha pha lẫn đất rừng tự nhiên, tỉ lệ quá thấp so với 558 nhân khẩu Raglai ở đây.

Khi chúng tôi đến thăm ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng của ông Cao Văn Đen, người vợ của ông đang phơi những hạt cây bồ đề để làm hạt vòng trên một chiếc nong giữa sân. Có vẻ công việc này làm bà say mê vì những hạt bồ đề đã được chọn lựa xử lý đồng màu, đồng dạng, sẵn sàng để làm những trang sức thủ công đẹp mắt. Điều đó phù hợp hơn so với việc trồng cấy lúa nước, rau màu hoặc là đi biển mà họ đã từng làm không thành công.

Thỉnh thoảng, một vài thanh niên Raglai nhận làm người dẫn đường cho những nhóm khách du lịch ưa mạo hiểm đi sâu vào khám phá Vườn quốc gia Núi Chúa. Họ thông hiểu ngọn núi thiêng này hơn ai hết. Với họ, rừng là nhà. Con suối Lồ Ồ chảy từ đỉnh núi ra biển, được coi là mạch nguồn của cuộc sống người Raglai. Con suối có thể cạn nếu việc bảo vệ rừng không tốt. Nghịch lý ấy không phải người Raglai nào hàng ngày vào rừng cũng thấu hiểu. Rừng ở trong máu của họ một cách tự nhiên, và đôi khi người ta quên rằng phải duy trì sự sống cho chính mình từ việc bảo vệ rừng.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-raglai-va-sinh-ke-tu-rung/