Người Sán Dìu giữ nét văn hóa truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn đẹp từ trang phục đến lễ nghi, văn hóa ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ... Tuy nhiên các nét đẹp văn hóa này đang có nguy cơ mai một. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Thành viên CLB hát Soọng cô xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) biểu diễn tại giao lưu, liên hoan dân ca Sán Dìu các tỉnh phía Bắc 2019 tại huyện Vân Đồn.

Thành viên CLB hát Soọng cô xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) biểu diễn tại giao lưu, liên hoan dân ca Sán Dìu các tỉnh phía Bắc 2019 tại huyện Vân Đồn.

Xã Bình Dân được coi là trung tâm người Sán Dìu huyện Vân Đồn. Lớp người từ trung tuổi trở lên ở đây hàng ngày mặc trang phục dân tộc để làm việc, rất rành các kỹ thuật gói bánh chưng gù, làm trám muối, dưa chua, khau nhục, bánh pỏn, bánh mào gà, bánh bò, vốn là những món ăn truyền thống; hát được Soọng cô…

Từ năm 2015, Bình Dân có CLB hát Soọng cô hoạt động đều đặn với 23 thành viên, trong đó 3 người đã được phong Nghệ nhân dân gian. Các thành viên CLB dù còn eo hẹp về kinh tế nhưng rất giàu tình yêu với các làn điệu Soọng cô. Bà Từ Thị Kém, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Các thành viên CLB không quản mệt nhọc, cứ sau giờ lao động lại hội tụ để sinh hoạt. Trước là được hát cho thỏa đảm mê, sau là luyện tập để có thể biểu diễn trong các hoạt động của xã, huyện, của cộng đồng người Sán Dìu nói chung.

Giống như nhiều lối hát truyền thống của các dân tộc khác, hát Soọng cô là lối hát đối, phóng khoáng, ứng biến cao, đòi hỏi người hát có vốn ca từ lớn, cảm xúc chân thực, qua đó thể hiện hết tâm tình, tự sự của trai gái yêu mến nhau, của tình thân gia đình, tình phụ tử, mẫu tử… Do Soọng cô chủ yếu được lưu lại qua truyền dạy trực tiếp, các bài hát cũng trong trí nhớ của mỗi người, không có sách vở ghi chép, nên hiện chủ yếu lớp người cao tuổi còn nhớ, lớp người trẻ rất khó khăn để học lại.

Tết Cả mừng đón năm mới là dịp lễ tết lớn nhất trong năm của người Sán Dìu huyện Vân Đồn. Đến nhà người Sán Dìu thời điểm này đều thấy rực rỡ sắc đỏ. Giấy đỏ được dán vào mọi đồ vật, góc tường, nền nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi…; 2 cây cải vàng hiện diện ở vị trí trang trọng trong nhà. Mọi thành viên trong nhà đều mặc trang phục truyền thống với màu nâu tràm chủ đạo, gọn gàng nhưng trang trọng. Trang phục của nữ giới phức tạp hơn với khăn, áo dài, áo ngắn, yếm, váy xẻ, dây dải eo, xà cạp…, cùng các đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn bạc, túi đựng trầu… Mọi đồ vật trong nhà đều được chung vui tết với gia chủ, nhằm cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi, no đủ, tình cảm gia đình gắn bó.

Phụ nữ xã Bình Dân gói bánh chưng gù, loại bánh truyền thống của người Sán Dìu huyện Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Hiền (Trung tâm TT-VH Vân Đồn)

Mùng 1 Tết Cả, người Sán Dìu có tục cúng và thụ cỗ chay, đó là những bát cháo chè đỗ xanh thơm mát; sau đó là làm lễ lấy nước ngọt về nhà. Các ngày lễ khác như 23 tháng chạp, lễ thanh minh, tết đoan ngọ… người Sán Dìu huyện Vân Đồn tổ chức gần giống người Kinh. Riêng lễ tiễn ông táo 23 tháng chạp, thay vì cúng cá chép, người Sán Dìu huyện Vân Đồn cúng bằng bánh chưng gù.

Lễ Đại Phan được người Sán Dìu tổ chức vào dịp cuối năm. Đây là đại lễ để làng tri ân thành hoàng, cảm tạ đất trời đã cho một năm thuận lợi, đồng thời cầu cúng một năm mới sắp tới tránh được mọi tai ương. Lễ Đại Phan từng bị mai một, mới được phục dựng vài năm trở lại đây, tuy nhiên hiện phần lễ hội chưa được tái hiện đầy đủ, thiếu không gian hành lễ là miếu thờ thành hoàng. Huyện Vân Đồn đã có đề án phục dựng, bảo tồn và phát huy lễ Đại Phan, kế hoạch xây dựng miếu thành hoàng.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Đồn: Người Sán Dìu ở đây đang rất nỗ lực gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của mình. Tuy nhiên cần sự đầu tư tương xứng và kịp thời của Nhà nước, nhất là trong việc phục dựng các lễ hội, thiết chế văn hóa đã mai một.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/nguoi-san-diu-giu-net-van-hoa-truyen-thong-2474295/