Người say mê đề tài người lính và biển, đảo quê hương

'Hăng hái đi vào chiến trận với khát vọng âm thầm, lãng mạn là trở thành một nhà thơ quân đội', mong ước ở tuổi 17 đã trở thành hành trang đi suốt quãng đường thơ sau này của nhà thơ thành danh Phạm Quốc Ca.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca. Ảnh: Hồng Hà

Nhà thơ Phạm Quốc Ca sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên sông Bùng, làng Thọ Khánh, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khi 17 tuổi, Phạm Quốc Ca nghe theo tiếng gọi Tổ quốc xung phong lên đường nhập ngũ. Ông nói: “Tôi hăng hái đi vào chiến trận với khát vọng âm thầm, lãng mạn là trở thành một nhà thơ quân đội”. Trong ba lô của chàng trai mơ mộng ấy là 2 tập tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy.

Phạm Quốc Ca trở thành người lính của Tiểu đoàn Đặc công, Sư đoàn 9, chiến đấu ở Campuchia và Đông Nam bộ từ năm 1970 cho tới ngày toàn thắng. Ông từng tham gia chiến dịch Đường số 6 (Kampong Thom, Campuchia) năm 1971; chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long) năm 1972; và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975. Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà thơ - chiến sĩ Phạm Quốc Ca đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ của Sư đoàn 9, năm 1972; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng III, năm 1975; Huy chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, năm 1984.

Đề tài chiến tranh và người lính là mảng đề tài quan trọng trong thơ Phạm Quốc Ca. Những vần thơ về chiến tranh và người lính hào hùng không chỉ bật ra trong khi còn đang trực tiếp cầm súng chiến đấu mà còn gắn bó với ông cho tới mãi sau này, khi ông từ chiến trường về học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đầu tiên được công bố của ông là bài “Trong hầm vây ép”, in năm 1972, trên tập san “Dũng sĩ”, của Sư đoàn.

Bài thơ có đoạn: “Chúng tôi ở trong hầm vây ép/Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép/Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương/Nhìn nhau thêm gần gũi, thân thương...”. Mặc dù chiến đấu xa nhà, đang lăn lộn ở chiến trường, nhưng ông vẫn theo dõi tin tức từ quê hương. Ông đau đớn khi biết quê hương trở thành trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ. Bom Mỹ đã biến làng quê bình yên, nên thơ rợp bóng mát tre, dừa thành bình địa.

Nghĩ về quê hương, hình bóng người mẹ luôn day dứt trong ông: “Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con, ì ầm tiếng nổ/Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom” (Bình minh con sẽ lên đường). Và cũng vì chiến tranh, ông có người anh trai liệt sĩ mãi mãi nằm lại trên chiến trường Tây Ninh, khiến người mẹ ông mãi ngơ ngác bàng hoàng với nỗi đau mất đi khúc ruột: “Mẹ đã khóc cha con/ Tóc còn xanh tuổi trẻ/Mẹ đã khóc anh con/Mây đỏ hồn liệt sĩ... (Bên mồ mẹ).

Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” là một trong những bài thơ ghi nhiều dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời thi sĩ Phạm Quốc Ca: “Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ/ Anh nằm lại nơi đâu?/ Bốn phương trời khói lửa/Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh”. Bài thơ này đã đoạt giải Nhất, cuộc thi thơ về đề tài thương binh, liệt sĩ của Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm 1984.

Bài thơ “Tuần tra trong mưa rừng” của Phạm Quốc Ca là một góc nhìn của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, xúc cảm trước sự khốc liệt của chiến tranh tại khu rừng biên giới: “Mũi súng lia sắc nhọn cái nhìn/Rừng biên giới nhói đau mảnh pháo/Những thân cây đỏ bầm nhựa máu/ Móng vuốt quân thù còn đây/Rừng mưa đón chúng tôi/Mỗi chiếc lá rưng rưng nỗi niềm Đất Nước”. “Tuần tra trong mưa rừng” đã được chọn vào tuyển tập "Thơ Văn nghệ quân đội 1957-1982”, trở thành một trong những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích.

Bên cạnh những thành công trong mảng đề tài viết về người lính, nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc bởi những vần thơ viết về biển đảo, quê hương. Bài thơ “Nha Trang” như một tiếng reo vang của anh khi bắt gặp biển Nha Trang: “Anh ngấm biển như là bọt biển/ Biển bao dung/ Làn da cát mịn màng/ Giang tay ôm một vòng cung biển/Nghe trong hồn Nha Trang, Nha Trang...”.

Gần đây nhất, bài thơ “Mẹ Việt Nam ba nghìn con hải đảo” với giọng thơ bi tráng, hào hùng đã được độc giả đón nhận, đồng cảm và yêu mến. Tác giả đã phát hiện ra mối quan hệ giữa hải đảo và đất liền Tổ quốc là mối quan hệ giữa mẹ và con. Cấu trúc tứ thơ bám rất chặt vào cái ý lớn này.

Giọng thơ trữ tình, chính trị đã động đến “giây đàn thiêng” là tình mẫu tử khiến bất kì ai đọc cũng rung lên niềm xúc động: “Mẹ Việt Nam ba nghìn con hải đảo/ Cát dưới chân ẩn hiện máu hồng/Hoàng Sa, Trường Sa gió mòn mộ gió/Nghe hùng thiêng lời của cha ông/Mẹ Việt Nam ba nghìn con hải đảo/Đảo chìm, đảo nổi, đảo chon von.../Đảo thương Tổ quốc - con thương mẹ/Đất liền thương đảo - mẹ thương con”.

Bài thơ càng nổi tiếng hơn sau khi được chắp cánh bởi giai điệu do nhạc sĩ Đình Nghĩ phổ nhạc. Ca khúc “Mẹ Việt Nam ba nghìn con hải đảo” đã đoạt Giải A trong Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2017, tổ chức tại Đà Nẵng.

Ông quan niệm: “Viết văn, làm thơ là công việc cao đẹp đòi hỏi cùng lúc cả tài và tâm. Khởi đầu viết là hành động tự giải thoát những điều chất chứa trong tâm hồn, không viết ra không được, nhưng kết quả của việc sáng tác lại phải góp phần làm giàu thêm kinh nghiệm thẩm mỹ của con người. Văn chương đồng nghĩa với sáng tạo và có vô vàn lối, vô vàn vẻ đẹp khác nhau. Tự do sáng tác bao hàm trong đó sự tôn trọng những phong cách văn chương khác với mình nơi đồng nghiệp”.

Với quan niệm và hành động như vậy, hy vọng Phạm Quốc Ca sẽ còn thành công hơn nữa trong sự nghiệp văn học, đặc biệt là mảng đề tài mà ông luôn say mê đó là viết về người lính và biển đảo quê hương.

Với những cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã giành nhiều giải thưởng, tặng thưởng văn học, tiêu biểu là: Giải Nhất, cuộc thi sáng tác thơ đề tài Tuổi trẻ trên tuyến đầu Tổ quốc của Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh (1980); Giải Nhì, cuộc thi sáng tác thơ của Hội Nhà văn và Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1981); Giải Nhất, cuộc thi sáng tác thơ đề tài thương binh, liệt sĩ của Hội Nhà văn và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Hồ Chí Minh (1984); Tặng thưởng hạng B (tập thơ) của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam (1995); 2 giải thưởng hạng B (thơ, lý luận phê bình) Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I (2013)...

Hồng Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-say-me-de-tai-nguoi-linh-va-bien-dao-que-huong/